Sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư: Hướng đến lợi ích của doanh nghiệp
Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Còn nhiều nội dung bất cập chưa được đưa ra | |
Pháp luật kinh doanh: Bức tranh sáng tối | |
Cải thiện môi trường đầu tư: “Tiếp lửa” từ chính sách |
Sự ra đời của 2 Luật là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã góp phần to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý an toàn, thông thoáng đối với việc thành lập DN và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Sau hơn 3 năm thi hành, các luật này đã tạo một hành lang tốt cho phát triển DN. Tuy nhiên trước những yêu cầu mới hiện nay, 2 luật cũng bộc lộ những bất cập, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục được hoàn thiện. Các DN kỳ vọng, sau khi sửa đổi, sẽ tạo được những thông thoáng hơn trong việc thực thi để DN phát triển.
Xây dựng môi trường thuận lợi, minh bạch và bình đẳng tạo một hành lang tốt cho phát triển DN |
Có thể thấy, trong xu thế hội nhập và phát triển, các luật trên đã góp phần thay đổi tư duy trong quản lý Nhà nước đối với DN; đã giải phóng và tối đa hóa quyền tự do kinh doanh của người dân và DN, góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi, có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Các thủ tục hành chính cũng đã dần được rút gọn và cải thiện; nâng cấp hệ thống đăng ký DN qua mạng…
Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật Đầu tư và Luật DN thời gian qua đã giúp DN phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, số lượng các DN cũng tăng nhanh. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2018, cả nước có 131,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt kỷ lục về tăng trưởng DN. Bên cạnh việc tăng trưởng về số lượng DN, vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới cũng tăng 10,2%, đạt 11,3 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2019, cả nước có 15.979 DN thành lập mới, số vốn đăng ký của DN thành lập là 247.384 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ.
Trên thực tế, bên cạnh những mặt tích cực, trong quá trình thi hành cũng đã bộc lộ những bất cập, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của các luật này. Chính vì vậy, Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến trình Chính phủ đang được các cơ quan quản lý và cộng đồng DN đặc biệt quan tâm.
Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật DN lần này liên quan đến 75 điều luật trên tổng số 289 điều của 2 luật. Ngoài ra, đã sửa đổi 3 điều và phụ lục luật đầu tư vào năm 2016. Do đó, cơ quan soạn thảo có thể trình Quốc hội theo hướng biên soạn lại toàn bộ 2 luật này để có cái nhìn toàn diện, dài hạn, hợp lý dễ cho việc thực hiện và tra cứu của các DN, cũng như cơ quan quản lý. Ngoài những nội dung ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, một số vấn đề cũng cần xem xét như các vấn đề về chủ thể kinh doanh; quy định về ngành nghề kinh doanh; về kinh doanh có điều kiện; phiếu lý lịch tư pháp; vấn đề định giá tài sản góp vốn…
Đối với chủ thể kinh doanh, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng trong Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014 chưa đề cập đến loại hình kinh doanh là hộ kinh doanh, mặc dù đóng góp đến 1/3 thu nhập quốc dân hàng năm. Vì vậy, rất cần có hành lang pháp lý để điều chỉnh đối tượng này. Có thể nói, hộ kinh doanh có bản chất là tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, thường xuyên, như một DN tư nhân.
Một điểm nữa đáng chú ý trong Luật DN 2014 là Giấy chứng nhận đăng ký DN không ghi ngành nghề kinh doanh của DN. Tại Điều 25 Luật DN 2014 quy định Điều lệ DN phải có nội dung về ngành nghề kinh doanh. Theo thông lệ, các đối tác trước khi ký hợp đồng với nhau sẽ phải xem xét hồ sơ pháp lý lẫn nhau, trong đó có nội dung về ngành nghề kinh doanh. Nếu trước đây, với những giao dịch đơn giản, giá trị thấp thì chỉ cần xem xét Giấy chứng nhận đăng ký DN thì từ nay DN cần thận trọng hơn khi cần yêu cầu đối tác cho kiểm tra thêm Điều lệ công ty. Bởi chỉ trong Điều lệ mới thể hiện ngành nghề kinh doanh của DN. Điều này cũng áp dụng thêm cho cả các cơ quan quản lý nhà nước như cơ quan thuế, tài nguyên môi trường... Những quy định mới này chưa thực sự mang lại thuận lợi.
Có thể khẳng định, sự thay đổi của Luật Đầu tư và Luật DN sẽ tạo ra những thuận lợi cho các DN và cơ quan quản lý trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Điều này, cùng với cải cách thủ tục hành chính sẽ giúp cho môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng, phù hợp với nền kinh tế hiện nay.