Cẩn trọng tăng thuế gián thu
Đề xuất ban hành Luật Thuế tài sản | |
Tăng thuế tiêu dùng phải đồng hành với giảm thuế thu nhập | |
Đánh thuế tài sản tạo công bằng? |
Trước bối cảnh nợ công tăng cao, Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng hóa tiêu dùng từ mức 10% hiện nay lên 12% hoặc 14%.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, việc đề xuất tăng thuế như trên nhằm áp dụng theo thông lệ quốc tế trong trường hợp cần cơ cấu lại nguồn thu ngân sách. Bởi hiện nay để cân đối nguồn thu ngân sách, nhiều quốc gia chọn giải pháp tăng thuế gián thu (thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt), để bù hụt thu từ giảm thuế thu nhập (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân)…
Chẳng hạn, tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) thuế VAT trung bình đã tăng từ 19% năm 2000 lên mức 21,5% từ năm 2014; mức thuế VAT của các nước thuộc khối OECD cũng có xu hướng tăng từ trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016. Tại Trung Quốc mức thuế VAT trung bình đang áp dụng cũng khoảng 17%, cao hơn nhiều so với mức thuế 10% đang áp dụng tại Việt Nam.
Đề xuất của Bộ Tài chính ngay lập tức khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Bởi VAT là thuế gián thu, thực chất tiền thuế “đánh” vào người tiêu dùng cuối cùng. Do vậy việc tăng thuế sẽ khiến hàng triệu người dân bị ảnh hưởng, có thể làm suy giảm sức cầu hàng hóa.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, thành viên Nhóm tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, việc tăng thuế phải cân nhắc ít nhất đến 3 hệ quả. Thứ nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP. Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả.
Thứ hai, tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU - là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Điều này cũng ngụ ý rằng, việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách.
Thứ ba, thuế VAT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn - do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành cho rằng việc tăng thuế chứng tỏ Chính phủ không có khả năng kiểm soát chi tiêu. Thực tế, mức thu thuế của Việt Nam đã cao so với nhiều nước trong khu vực, nếu tiếp tục tăng thu VAT sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế. Cái gốc của vấn đề là tiết giảm chi chứ không phải nới rộng thu như đề xuất của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, nhiều phân tích cũng cho rằng một hệ quả không kém phần quan trọng là nếu theo đúng đề xuất của Bộ Tài chính thì từ năm 2019, mức thuế VAT thông thường sẽ tăng lên mức 12%. Do vậy các nhóm hàng hóa được ưu đãi giảm 50% thuế VAT cũng sẽ bị tăng thuế lên mức 6% vào năm 2019 và tăng lên 7% vào năm 2021. Nhóm này bao gồm các sản phẩm phục vụ lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, sản xuất và chế biến nông sản…
Vì vậy nếu những đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính được thông qua thì từ năm 2019, hàng loạt dịch vụ, hàng hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế và các lĩnh vực thuộc 5 nhóm ưu tiên sẽ đồng loạt tăng giá theo. Trong đó, hàng triệu bệnh nhân, học sinh, sinh viên và người nông dân sẽ bị ảnh hưởng.