Tăng trưởng 6,7%: Khó đạt mục tiêu
Động cơ cho tăng trưởng đã sẵn sàng | |
Ủy ban Giám sát tài chính đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng | |
Kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đề ra |
Không nên quá coi trọng tốc độ tăng trưởng
Theo Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017 đã có nhiều cải thiện so với quý I. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức bình quân của quý I (4,96%), lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 1,62% so với bình quân cùng kỳ.
Cơ bản tán thành với kết quả đạt được, tuy nhiên Thường vụ Quốc hội đã tập trung phân tích khó khăn, thách thức đã và đang tồn tại trong nền kinh tế hiện nay cần sớm được giải quyết. Đó là tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.
Một số ý kiến khác cho rằng, Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm bền vững; cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng trong nước nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Nhìn sang tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, trong 4 tháng đầu năm tăng 15,4% so với cùng kỳ và dự báo sẽ đạt chỉ tiêu tăng khoảng 6-7%. Tuy nhiên, tốc độ nhập khẩu 4 tháng tăng 24,9% so với cùng kỳ, đây là mức tăng rất cao so với các năm gần đây. Có ý kiến lo ngại con số nhập siêu quá cao, chiếm đến 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao, vì vậy, cần phải xem xét kỹ những tác động đến tỷ lệ nhập siêu để có hướng điều chỉnh linh hoạt, giữ mức nhập siêu theo Nghị quyết của Quốc hội.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 4,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức bình quân 4,96% của quý I/2017. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại lạm phát năm 2017 có thể diễn biến phức tạp và sẽ cao hơn chỉ tiêu lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội do chịu áp lực từ 3 yếu tố: sự tăng giá hàng hóa thế giới; áp lực tỷ giá và điều chỉnh giá dịch vụ công (điện, y tế, giáo dục) và tiền lương.
Điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế 4 tháng qua, theo Chính phủ là trong tháng 4/2017, có 13.102 DN được đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 98.397 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2016, tăng 19,6% về số DN và tăng 58,1% về số vốn đăng ký, giữ kỷ lục là tháng có số DN thành lập mới nhiều nhất trong 12 tháng qua. Tính chung 4 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 39.580 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 369,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14% về số DN và tăng 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ tăng 22,9% về số DN và tăng 52,8% về vốn). Riêng TP. Hồ Chí Minh, số lượng đăng ký mới đạt 12.088 DN với tổng vốn đăng ký đạt 132,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 35,8%).
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế thấy rằng, số lượng DN đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đạt mức cao nhưng tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động cũng rất lớn. Vấn đề nổi lên của DN Việt Nam hiện nay là mặc dù số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng mạnh nhưng chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ, quy mô DN đang có xu hướng nhỏ dần và thiếu các DN lớn làm trụ cột; hoạt động của các DN thiếu tính cạnh tranh, thiếu tính liên kết và tinh thần đổi mới, sáng tạo không cao.
Cần đổi mới tư duy để phát triển
Chính phủ nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội trong nước trong thời gian tới vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát dự báo chịu nhiều sức ép. Để đạt mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ tập trung vào 2 nhóm giải pháp, theo đó với nhóm giải pháp dài hạn, Chính phủ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, bởi đây là yêu cầu tiên quyết để vừa giải quyết mục tiêu ngắn hạn là thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2017, vừa đảm bảo mục tiêu dài hạn là phát triển bền vững, cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ triển khai nhanh, quyết liệt kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công nghiệp, tài chính - ngân hàng và khu vực DN nhà nước. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân và FDI. Đồng thời thúc đẩy xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu.
Nhóm giải pháp ngắn hạn, phục vụ các tháng còn lại năm 2017, Chính phủ sẽ thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô trong nước, nhằm đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP và không để ngành khai khoáng giảm sâu. Đồng thời chủ động tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho DN để nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động; thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao, một phần đưa thêm vốn đầu tư vào nền kinh tế, một phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, gắn công nghệ cao với tiến bộ quản lý, quy mô sản xuất và giải quyết tốt vấn đề thị trường...
Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng điều cốt yếu hiện nay là việc Chính phủ cần đổi mới tư duy cải cách thể chế, thay đổi chính sách mang tính căn cơ, dài hạn như chính sách thu hút FDI chọn lọc thay vì tận dụng chính sách năng lượng giá rẻ. Nghiên cứu sớm tạo thể chế hình thành các khu hành chính - kinh tế đặc biệt; xây dựng các chính sách mang tính đột phá cho các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Cùng với đó, Chính phủ cần chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, định hướng chính sách tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất phù hợp để phát triển DN. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, kiểm soát và tăng cường kỷ luật ngân sách. Chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác đầu tư xây dựng cơ bản, có biện pháp đột phá đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch. Thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp để góp phần khai thác các nguồn lực thay thế do sự giảm sút của công nghiệp khai khoáng thời gian qua.
Đồng thời thực hiện các giải pháp đột phá và đồng bộ để xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn từ các DNNN, rà soát các dự án đầu tư có vốn nhà nước đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động và có giải pháp xử lý dứt điểm tất cả các dự án thua lỗ kéo dài.
Một số ý kiến khác thì đề nghị Chính phủ đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Nghiên cứu sửa đổi pháp luật đất đai nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, tăng hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất thu hút DN FDI và các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.