Thách thức huy động vốn cho đầu tư công
Nguyên tắc điều chỉnh kế hoạch vốn TPCP 2012-2015 và bổ sung 2014-2016 | |
2 triệu tỷ đồng đầu tư công giai đoạn 2016-2020 | |
Đẩy mạnh đầu tư công để kích thích tăng trưởng |
Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua, với tổng mức vốn đầu tư trung hạn từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tối đa là 2 triệu tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẳng định, việc thực hiện lập kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 5 năm thay vì hàng năm như trước đây sẽ tạo bước chuyển để ngăn chặn tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí.
2 triệu tỷ đồng - lớn mà không lớn
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên chúng ta khắc phục tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc ra từng năm, chuyển sang xây dựng được kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm, đồng thời chuyển từ cân đối vốn hàng năm sang cân đối trung hạn 5 năm cả ở tầm quốc gia và các cấp chính quyền địa phương.
Đây cũng là lần đầu tiên có thể tổng hợp được bức tranh toàn cảnh về đầu tư công và cân đối NSNN trong 5 năm. Nhờ đó, việc phân bổ kế hoạch vốn trung hạn bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất, tăng cường phân cấp, tăng quyền chủ động, tự chủ của các cấp, các ngành.
Hấp thụ hiệu quả 2 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công là không đơn giản |
Tuy nhiên, việc huy động được 2 triệu tỷ đồng từ NSNN cho kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 lại không hề đơn giản. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoảng 9,12 - 9,75 triệu tỷ đồng, bằng khoảng 32-34% GDP. Như vậy vốn đầu tư từ nguồn NSNN chỉ chiếm khoảng 20,5-21,9%, trên thực tế đã thấp hơn so với dự tính ban đầu.
Tuy nhiên trong bối cảnh nguồn thu hạn hẹp, dư địa thu không còn nhiều, tăng trưởng khó khăn hơn, yêu cầu cắt giảm bội chi NSNN đặt ra bức thiết… thì có thể nói 2 triệu tỷ đồng là tổng mức vốn tối đa có thể bố trí cho giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tổng mức vốn dự kiến trên cũng là khá cao so với thực lực NSNN hiện nay, và có thể tiềm ẩn những rủi ro nhất định, đặc biệt đối với an toàn nợ công và mục tiêu giảm bội chi NSNN đến năm 2020 dưới 4% GDP. Tóm lại, nhu cầu đầu tư lớn trong khi khả năng chi trả còn nhiều hạn chế sẽ khiến việc cân đối vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ khá chật vật.
Cửa nào cho huy động vốn?
Theo cơ cấu dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN giai đoạn 2016-2020, vốn ngân sách Trung ương là 1,12 triệu tỷ đồng, bao gồm vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng; vốn trong nước 820.000 tỷ đồng. Trong đó vốn trái phiếu Chính phủ là 260.000 tỷ đồng, tiền bán vốn Nhà nước tại một số DN là 250.000 tỷ đồng. Theo phân tích của các chuyên gia, việc huy động các nguồn vốn này đều có những hạn chế nhất định, vì vậy cần phải có những tính toán cho phù hợp để cân đối đủ số vốn cho đầu tư công như dự kiến.
Về vốn trái phiếu Chính phủ, một số ý kiến cho rằng khả năng huy động sẽ gặp nhiều khó khăn do khối lượng huy động vốn trong nước tăng nhanh, vượt khả năng cung ứng vốn dài hạn trên thị trường, tạo áp lực đẩy lãi suất lên cao… Mặc dù vậy, đây vẫn là nguồn vốn tương đối khả quan và tạo ít áp lực lên ngân sách trong giai đoạn 5 năm tới.
Bởi theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, trong năm vừa qua, NHNN và Bộ Tài chính đã phối hợp khá nhịp nhàng và hiệu quả trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ và cơ cấu lại thời gian trả nợ. Nếu như năm 2013, thời hạn trả nợ bình quân trái phiếu Chính phủ chỉ khoảng 2-2,3 năm, thì năm 2015 đã nâng lên 4,6 năm. Như vậy, khoảng thời gian trả nợ chính của trái phiếu Chính phủ sắp tới sẽ rơi vào khoảng năm 2021-2023, khiến cân đối ngân sách “dễ thở” hơn rất nhiều.
Trong khi đó về vốn nước ngoài, mức huy động 300.000 tỷ đồng trong 5 năm cũng nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần tính toán cụ thể mức vốn đối ứng cần có để bảo đảm khả thi trong huy động, tránh tình trạng vốn cho vay thì sẵn sàng nhưng do thiếu vốn đối ứng nên không thể giải ngân như thời gian vừa qua.
Riêng về tiền bán vốn Nhà nước tại một số DN, mức dự kiến 250.000 tỷ đồng là khá lớn và gây ra nhiều ý kiến lo ngại rằng sẽ khó khả thi. Thực tế trong năm 2016 đã cho thấy việc thoái vốn là khá chậm chạp và cho tới nay, khi đã gần hết năm cũng khó đạt mục tiêu đã đặt ra.
Theo dự kiến, trong năm 2016, nguồn thu từ việc cổ phần hóa các DNNN là 30.000 tỷ đồng, nhưng hết 9 tháng vừa qua mới thu được 10.000 tỷ đồng, còn lại 20.000 tỷ đồng nữa phải thu cho đến hết năm nay. Một vị lãnh đạo của Uỷ ban Tài chính - ngân sách Quốc hội lưu ý, việc thoái vốn DNNN phụ thuộc nhiều vào thị trường nên cần cân nhắc thận trọng để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện và tránh thất thoát nguồn lực tài chính quan trọng của quốc gia.
Huy động vốn đã khó khăn, việc làm thế nào để nền kinh tế hấp thụ hiệu quả 2 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công cũng là điều mà nhiều chuyên gia lo ngại. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân phải đạt khoảng 6,5-7%/năm thì mới đảm bảo việc giải ngân hiệu quả số vốn này.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh phân tích, tốc độ tăng trưởng sụt giảm trong 10 tháng đầu năm đã đẩy chỉ số ICOR lên gần mức 6; và xét về quy mô đầu tư, thì đã trên 32% GDP; rồi với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì hiệu quả đầu tư đang đi xuống.Vì vậy, ông Ánh lưu ý trong bối cảnh nền kinh tế vẫn phải dựa vào đầu tư để có tăng trưởng, nhưng lại chưa nâng được hiệu quả vốn đầu tư thì chúng ta vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn.