Thể chế đang “mở cửa” cho đầu tư kinh doanh
Gắn kết mục tiêu và hành động | |
Vì nhân dân, vì doanh nghiệp | |
Vững tin vào kinh tế Việt Nam |
Cung - cầu vốn theo cơ chế thị trường
Nếu như năm 2016 được xem là năm dành để hoàn thiện bộ máy từ trung ương đến các địa phương thì năm 2017 được xem như năm bản lề quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 -2020. Đã có khá nhiều dự báo cho năm quan trọng này, trong đó một số tổ chức nước ngoài cho rằng tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2017 chỉ khoảng 6,3%, cao hơn năm ngoái một chút.
Giới chuyên gia trong nước thì cho rằng, GDP sẽ tiếp tục tăng lên mức 6,5% trong năm 2017, so với mức 6,2% trong năm 2016. Nhưng với những cải thiện trong ngắn hạn của ngành nông nghiệp và khai khoáng, tăng trưởng năm 2017 có khả năng đạt mức 6,7%.
Bước đột phá về thể chế sẽ tạo cơ hội cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp |
Ở góc độ khác, theo TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ Quốc gia, năm nay GDP tăng trưởng 6,5% là đã tốt nhưng vấn đề quan trọng hơn là nên tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng hơn số lượng. Và cái lớn nhất là không chỉ GDP tăng trưởng 6,5% hay 6,7% mà cần chú ý: để tăng được 1% GDP thì toàn bộ phí tổn (gồm vốn) trong đó là bao nhiêu? Nếu Việt Nam không thay đổi về năng suất mà tăng trưởng dựa vào vốn như hiện nay thì rõ ràng sẽ đánh mất sự cạnh tranh.
“Nhìn tổng quan, năm 2017 bức tranh kinh tế sáng dần, chứ không phải như một số người bi quan, những khó khăn nhất thời đã qua nhưng cũng đừng quá kỳ vọng rằng có đột phá nào đó”- ông Lịch phân tích và cho rằng, cần phải quan tâm tới vấn đề đầu tư tín dụng, trong đó việc Chính phủ cảnh báo vấn đề tín dụng bất động sản và sự phát triển của thị trường này là đúng đắn. Nếu không cẩn thận chúng ta sẽ trở lại thời kỳ bong bóng bất động sản từng xảy ra hồi năm 2007.
Về chính sách tín dụng, chúng ta cần dần dần bớt đi những gói tín dụng hỗ trợ thay vào đó là trả lại cung – cầu vốn cho thị trường để tránh sự méo mó. Nhà nước hiện có hai NH là Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện chức năng mục tiêu xã hội và mục tiêu đầu tư phát triển vì vậy, những tín dụng phục vụ đối tượng chính sách nên tập trung vào hai NH này. Chẳng hạn, gói tín dụng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội 30 nghìn tỷ đồng đã hoàn thành mục tiêu và nay thực hiện nhiệm vụ này thuộc về NHCSXH là hợp lý.
Mở cơ hội đầu tư, kinh doanh từ thể chế
Vậy cơ sở nào để cho thấy sự lạc quan vào tình hình kinh tế? Đó có thể là sau 2 tháng chúng ta đã đạt được một số chỉ số mang lại sự “hứng khởi” như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hai tháng đầu năm 2017 tăng 2,4%, trong đó: công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,6%; sản xuất, phân phối điện tăng 9,3%; Hoạt động du lịch tiếp tục có khởi sắc. Ngay trong hai tháng đầu năm, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 2,2 triệu lượt khách, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất nhập khẩu cũng khởi sắc với kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm ước đạt 27,34 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ tăng 2,9%); Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 27,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 14.451 với số vốn đăng ký là 152,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và tăng 35% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn tổng quan, năm 2017 bức tranh kinh tế sáng dần |
Về mặt thể chế cũng đã đang tạo cơ hội cho việc đầu tư kinh doanh của các thành phần kinh tế, bởi trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, đã ưu tiên cho việc sửa luật để cải cách thể chế và bắt đầu được “hưởng lợi”. Việt Nam có 6 bộ luật thì Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung 5 bộ luật gồm: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Dân sự tố tụng, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Hình sự tố tụng, Bộ luật Hàng hải (chỉ còn Bộ luật Lao động chưa sửa đổi).
Ngoài ra các đạo luật là Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… cũng được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, tạo một bước đột phá về thể chế trong bối cảnh hội nhập. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, mặc dù Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa có hiệu lực nhưng trong những năm qua chính quá trình đàm phán TPP và ký kết TPP đã tác động rất lớn tới Việt Nam và buộc chúng ta phải cạnh tranh thể chế.
Nhiều dự báo cho rằng, nếu vào được TPP chúng ta có thể tăng xuất khẩu lên một chút, có thể đóng góp thêm 0,5%-1% GDP từ xuất khẩu. Nhưng không có TPP thì chúng ta vẫn có dư địa từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) vì ngoài Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chúng ta còn ký kết hiệp định thương mại tự do song phương với hơn 10 quốc gia. Và từ cuối năm 2015 chúng ta tham gia toàn diện với Cộng đồng kinh tế ASEAN. Dư địa hội nhập là khoảng trống mênh mông nên có thể khẳng định không có TPP thì xuất khẩu vẫn lạc quan chứ không phải không có cơ hội phát triển.
Cơ hội nữa của năm 2017, theo TS. Trần Du Lịch là Chính phủ đưa ra khẩu hiệu khởi nghiệp (startup) nhưng vị chuyên gia này cũng nhắn nhủ rằng: “startup là làm công nghệ mới, sáng tạo, chứ không phải mở một quán phở, một cửa hàng sửa xe mà gọi là khởi nghiệp”.
Lần đầu tiên chúng ta đặt vai trò kinh tế tư nhân lên trên, làm động lực quan trọng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nêu và Chính phủ cũng đưa ra hành động từ việc ban hành Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 với mục tiêu đưa thể chế Việt Nam nằm trong nhóm ASEAN 4 đã tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân.
Vấn đề nữa là Chính phủ nhất quán cổ phần hóa DNNN. Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng, chủ trương cổ phần hóa DNNN năm nay khác với mọi năm khi Thủ tướng chỉ đạo phải quyết liệt cổ phần hóa. “Trên tinh thần đó, về nguyên tắc sau khi DN cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán, đây là yêu cầu bắt buộc. Nếu DN cổ phần hóa không lên sàn thì yêu cầu các cơ quan bộ, ngành xem xét đánh giá người đứng đầu tập đoàn, DNNN”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Với những phân tích trên có thể thấy, niềm tin và sự kỳ vọng vào nền kinh tế năm 2017 và xa hơn trong cả giai đoạn sẽ hoàn toàn có cơ sở nếu chúng ta biết nắm cơ hội.