Thị trường hơn và tự do hơn
TPP: Lợi ích nhìn từ nhiều phía | |
Thương mại quốc tế: Thích nghi để đi trên đường lớn | |
Hội nhập cần tư duy và hành động tương thích |
Một buổi chiều đầu năm 2016, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thư thái bên ấm trà, nhìn lại cuốn Luật Doanh nghiệp mà ông từng có đóng góp nhiều ý tưởng. Bối cảnh là khi mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã đi vào thực hiện, TPP thì cũng hoàn tất đàm phán, nhưng thách thức đặt ra không phải là ít và nhiều quan điểm lo ngại năng lực nội tại nền kinh tế có thể khó đáp ứng cuộc cạnh tranh đang đến gần.
“Nhiều người nói rằng, Việt Nam đã hội nhập nhanh quá trong khi chuẩn bị lại không tốt. Nhưng tôi thấy cứ phải nhảy vào dòng thác mới thức tỉnh, không cố bơi thì chết, vậy là phải cố mà sống…”, ông chia sẻ quan điểm.
Thưa ông, nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng, ta có nguy cơ dạt ra rìa hội nhập. Liệu cả trăm nghìn DN đã phải giải thể, ngừng hoạt động trong vài năm vừa rồi là một minh chứng?
TS. Nguyễn Đình Cung |
Nguy cơ “ra rìa” là có thật, nếu chúng ta hội nhập không nhanh. Nhưng giả sử cần thêm 5 năm nữa để chuẩn bị kỹ mới hội nhập, thì tôi tin độ trì trệ hiện nay vẫn khó thay đổi, sự chuẩn bị đón hội nhập chưa chắc đã tốt hơn…
Theo tôi, phải tuyên truyền và hành động theo hướng lấy thách thức làm cơ hội, vì thách thức buộc ta phải thay đổi. Nếu không thay đổi thì ta bị đẩy ra rìa hội nhập...
Vậy ông có thấy cơ hội nào để không bị ra rìa?
TPP và các FTA về bản chất là tạo ra khung khổ tự do kinh doanh hơn, kinh tế thị trường hiện đại ngày càng trật tự hơn, và hướng đến sự “bao dung” hơn của thị trường. Vì vậy, hội nhập tạo nên sức ép phải đổi mới tư duy, phải tiến cùng thời đại, thúc đẩy cải cách thể chế và nâng cấp kinh tế thị trường theo hướng kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại.
Chúng ta phải làm sao để nền kinh tế trở nên “thị trường và thị trường nhiều hơn; tự do và tự do hơn, cạnh tranh công bằng hơn”. Có như vậy thì nền kinh tế nước ta mới hội nhập thực sự, chứ không phải bị cuốn theo xu thế hội nhập.
Nếu mục tiêu như ông nói không đạt được, hệ quả phải gánh chịu khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng sẽ là gì?
Là sẽ vẫn tiếp tục có tăng trưởng, nhưng chủ yếu do khối FDI; là DN Việt Nam vẫn yếu; là kinh doanh tư nhân ở Việt Nam như đi trên cầu khỉ chênh vênh; là cơ hội và lợi ích mà hội nhập mang lại sẽ chủ yếu dành cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; là kinh tế Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào bên ngoài...
DN tư nhân Việt Nam, người lao động Việt Nam sẽ bị cuốn theo dòng chảy, trào lưu của hội nhập mà không chủ động tham gia hội nhập, không được hưởng lợi từ hội nhập. Trái lại, họ có thể bị hội nhập vùi dập và Việt Nam cứ tụt hậu và tụt hậu ngày càng xa...
Còn muốn thành công, điều cơ bản nhất cần có là gì, thưa ông?
Tư duy và phương thức sản xuất mà không thay đổi sẽ không tạo điều kiện cho DN vượt rào cản, thậm chí còn thêm rào cản.
Ví dụ từ chuyện lô hàng thuỷ sản bị từ chối với nhiều nguyên nhân như có chất phụ gia… thì các cơ quan trong nước tăng cường kiểm tra hàng xuất khẩu. Nhưng do động lực kiểm tra không đúng, động lực kiểm tra không phải là để ngăn cản sự vi phạm của DN mà là kiểm tra tìm lỗi của DN, phạt DN. Với xu hướng kiểm tra để nhận tiền, thu phí thì động lực kiểm tra càng nhiều, khi mà không phải chịu trách nhiệm thì lại càng kiểm tra nhiều. Như vậy thêm rào cản thêm chi phí và rủi ro cho DN.
Việc kiểm tra, giám sát để hàng xuất đi bảo đảm an toàn và chất lượng là cần thiết, nhưng sẽ hiệu quả nhất đó chính là các DN, các đối tác tự kiểm tra chất lượng hàng. Theo tôi, cần thiết lập và thực thi một chính sách cạnh tranh toàn diện, nhằm triệt để xóa bỏ các rào cản kinh doanh, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh công bằng giữa các DN không phân biệt sở hữu.
Thiếu một chính sách cạnh tranh toàn diện và hiệu quả có lẽ đang làm cho nền kinh tế trở nên kém năng động, làm giảm tốc độ gia tăng của năng suất lao động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội.
Tư duy và phương thức sản xuất mà không thay đổi sẽ không tạo điều kiện cho DN vượt rào cản, thậm chí còn là thêm rào cản |
Và ông có tin tưởng chúng ta sẽ cải cách đủ mạnh, đủ nhanh?
Như tôi đã nói, nên nhìn thách thức là cơ hội. Và đây thực sự là cơ hội lớn, nhưng liệu có được hiện thực hóa?
Chính phủ cũng đã nhận rõ sự cần thiết phải thay đổi tư duy về Nhà nước và thị trường. Bởi vì, thực tế cho thấy một Nhà nước thiên về kiểm soát và sở hữu không còn phù hợp, thậm chí trở thành lực cản chính đối với cải cách và phát triển.
Tôi hy vọng người lãnh đạo sẽ nhận thức và hiểu được thực trạng nói trên, hệ quả của nó đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc và phúc lợi của đại đa số người dân; sẽ chủ động cải cách cần thiết, đủ mức trên tất cả các lĩnh vực, nhất là cải cách thể chế kinh tế, chuyển nước ta thành kinh tế thị trường đầy đủ, cạnh tranh công bằng, bình đẳng và hội nhập; mở ra cơ hội ngày càng nhiều và công bằng cho mọi người.
Và có điều tôi muốn nói sau cùng đó là, mỗi người chúng ta nghĩ gì về trách nhiệm của mỗi chúng ta?
Xin cảm ơn ông!