Thị trường ôtô Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển
Doanh số bán ô tô năm 2015 tăng 55% | |
Công nghiệp ô tô cần nhà sản xuất lớn | |
Xác định rõ đối tác chiến lược trong phát triển công nghiệp ô tô |
Ảnh minh họa |
Thị trường còn nhiều tiềm năng
Theo nghiên cứu của FT Confidential Research thuộc Financial Times, Việt Nam hiện chiếm 6,8% doanh số bán ô tô trong khu vực “ASEAN 5” bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan và có thể đạt mức 10% trong năm 2016, cao gấp 5 lần so với mức 2% của năm 2012.
“Việt Nam hiện vẫn là nước nghèo thuộc khu vực Đông Nam Á, bên cạnh 3 quốc gia khác là Myanmar, Campuchia và Lào. Mặc dù vậy, với dân số 90 triệu người và là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất khu vực ASEAN, Việt Nam đang ngày càng trở thành thị trường tiêu thụ ô tô hấp dẫn” Financial Time đánh giá (Đỗ Sinh, 2015).
Thực tế cũng cho thấy, tại các nền kinh tế lớn của khu vực ASEAN, nhu cầu tiêu thụ ô tô đang có những diễn biến trái chiều. Trong khi doanh số bán ô tô tại Philippines và Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, thì tình hình tiêu thụ ở một số thị trường truyền thống, như: Indonesia, Malaysia và Thái Lan lại khá “ảm đạm”.
Nói về tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, tại hội thảo 'Thực trạng và chính sách phát triển công nghiệp ôtô và phụ tùng ô tô Việt Nam' do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 08/12/2015, ông Tuấn Anh đại diện Toyota Việt Nam cho rằng, thị trường Việt Nam chỉ tương đương 5%-10% so với Thái Lan và Indonesia. Theo đánh giá của ông Tuấn Anh, trong dài hạn thì thị trường Việt Nam là tiềm năng. Dự báo của Toyota Việt Nam, thị trường ôtô sẽ bùng nổ sau năm 2020 khi thu nhập đầu người đạt 3.000 USD/năm. Thị trường năm 2020 sẽ đạt trên 400.000 xe, hơn gấp đôi năm 2010.
“Dân số Việt Nam đông, hiện trên 90 triệu người. Nếu ôtô hóa, thị trường Việt Nam có thể lớn hơn Thái Lan”, ông Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn đang tồn tại những thách thức nhất định, đặc biệt là vấn đề thuế và phí. Cơ cấu giá thành xe tại Việt Nam hiện nay gồm: thuế phí, chi phí sản xuất, nhập khẩu phụ tùng linh kiện. Theo đó, riêng thuế phí đang chiếm tới 40%-50% làm cho giá thành xe tại Việt Nam vào loại cao nhất khu vực và thế giới.
Thống kê về giá của 11 chủng loại xe cho thấy, giá tại Việt Nam đa phần ở mức cao nhất. Ở chủng loại xe Camry, giá xe của Việt Nam cao hơn 36% so với Thái Lan và cao hơn 26% so với Indonesia. Với dòng xe Yaris, giá xe Việt Nam cao hơn Thái Lan và Indonesia lần lượt ở mức 124% và 81%.
Biểu đồ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ ô tô tại các thị trường trong khu vực ASEAN
Cần những chính sách phù hợp hơn
Mặc dù thị trường ô tô Việt Nam đang gặp những trở ngại về thuế và phí, nhưng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu... nhất là sau khi các FTA này có hiệu lực, thì vấn đề thuế, phí sẽ cần có sự điều chỉnh phù hợp. Chính vì vậy, Việt Nam cũng cần có những chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy ngành này phát triển.
Theo ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), có 03 vấn đề cần được quan tâm trong xây dựng công nghiệp ô tô. Trước tiên là cách ứng phó với bối cảnh môi trường tự do thương mại, đồng thời giải quyết vai trò của doanh nghiệp và Chính phủ trong vấn đề về sở hữu để bước vào hiệp định thương mại. Cuối cùng là hiệp hội chuyên ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác và là cầu nối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, Chính phủ cần tìm cách để doanh nghiệp có vai trò, quyền quyết định nhiều hơn về thị trường. Thị trường cần có sự bình đẳng, không phân biệt vấn đề sở hữu để doanh nghiệp có thể hợp tác với nhau và cùng có lợi. Quy mô thị trường của Việt Nam rất lớn, đây là một yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư muốn vào Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều chi phí khác cần giảm xuống để thu hút họ. Thị trường ô tô nội địa cũng không phải là một ngoại lệ.