Thuế tài sản: Đang đi tìm mức hợp lý
Dự thảo Luật thuế tài sản: Còn nhiều điều thiếu khả thi | |
Thuế tài sản với căn hộ chung cư được tính thế nào? | |
Chính phủ chưa xem xét đề xuất dự án Luật thuế tài sản |
Tại buổi làm việc với Tổ tư vấn kinh tế vừa qua, Thủ tướng cho rằng, câu hỏi lớn cần đặt cho đề xuất xây dựng dự án Luật Thuế tài sản là làm sao sử dụng nhà đất tốt hơn, cần điều chỉnh đúng đối tượng như đối với người giàu, người có 2 nhà trở lên… và mức khởi điểm nào phù hợp với tình hình Việt Nam, thời điểm thực hiện Luật như thế nào cho phù hợp…
Bộ Tài chính nghiêng về ngưỡng chịu thuế là 700 triệu đồng |
Ngay khi Bộ Tài chính đưa ra những thông tin xin ý kiến được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, dồn dập những ý kiến trái chiều, bất bình với ngưỡng tính thuế, căn cứ tính thuế và thuế suất đưa ra trong dự thảo. Dư luận cho rằng để cân đối ngân sách thì có nhiều giải pháp nhưng Bộ Tài chính dường như chỉ tìm đến giải pháp dễ là tăng thu mà chưa thực sự giảm chi.
Bên cạnh đó, đọc kỹ những nội dung trong dự thảo có thể thấy rõ sự lúng túng của người soạn thảo giữa nhiệm vụ bao quát nguồn thu, phòng chống tham nhũng, chống đầu cơ, mở rộng nguồn thu cho NSNN nhưng “không làm khó” cho những người chỉ có nhà để ở. Mục tiêu của Luật thuế tài sản là nhằm hướng tới điều tiết một phần thu nhập của người thu nhập cao, người có nhiều tài sản, nhưng như những giải pháp trong dự thảo thì không thể thu thuế người giàu có du thuyền có máy bay tư nhân, nhưng nhà giá trị chỉ hơn 700 triệu đồng (theo giá UBND tỉnh công bố) thì đã phải nộp thuế.
Chia sẻ với một số nhà báo về những phản biện mạnh mẽ đó, ông Đinh Tiến Dũng – Bộ trưởng Bộ Tài chính nói rằng: Đây là bộ đưa ra các phương án dự thảo xin ý kiến về việc xây dựng dự án Luật thuế tài sản… nhằm tìm mức hợp lý, ngưỡng hợp lý. Khi đề xuất về luật thuế này, mục tiêu đầu tiên là nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng cường quản lý về tài sản, nhà và đất, chống đầu cơ găm giữ đất, điều tiết một phần nhỏ thu nhập của người có thu nhập cao có nhiều tài sản để góp phần đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo sự minh bạch trong quản lý tài sản. Và đây là một trong những giải pháp tham gia vào phòng ngừa, phòng chống tham nhũng lãng phí.
Sau khi được các nhà kinh tế, các nhà khoa học và nhân dân cả nước góp ý, bộ sẽ tiếp thu để hoàn thiện hồ sơ báo cáo với Chính phủ. Hồ sơ này sẽ phải qua Bộ Tư pháp thẩm định. Nếu thông qua, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật các năm tiếp theo của kỳ họp Quốc hội khoá 14 này. Khi được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ có dự thảo luật và sẽ phải tính toán, cân nhắc rất kỹ.
Trả lời câu hỏi để cân đối ngân sách vì sao bộ lại chọn phương án tăng thu mà không thấy nhấn mạnh đến giảm chi, nhất là chi thường xuyên, khiến người dân không đồng thuận, Bộ trưởng nói: Chi thường xuyên phải giảm đi, đây là biện pháp căn cơ nhất để đảm bảo cơ cấu NSNN trong thời gian tới. Quốc Hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm chi thường xuyên, dành nguồn chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội và trả nợ. Đồng thời các ngành các cấp phải vào cuộc thật sự sắp xếp lại bộ máy, tinh giảm bộ máy, đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp công lập. Nếu làm được như thế sẽ giảm chi cho thường xuyên, tạo nguồn cải cách tiền lương và giúp cơ cấu lại ngân sách lành mạnh hơn.
Trở lại với những đề xuất của bộ và bức xúc của dư luận, tuy đây mới là đề xuất để nghiên cứu xây dựng luật chưa đến bước đánh giá tác động của luật nhưng tính ngược từ con số dự tính thu được từ thuế này là 23.300 tỷ đồng nếu áp ngưỡng chịu thuế là trên 700 triệu đồng thì có khoảng sẽ có hơn 7,5 triệu căn nhà phải nộp thuế.
Bộ Tài chính nghiêng về ngưỡng chịu thuế là 700 triệu đồng vì tính theo diện tích ở bình quân 25m2/người, một gia đình 4 người là 100 m2 nhân với suất đầu tư bình quân khoảng 7.300.000 đồng/m2 thì giá trị của căn nhà là 730 triệu đồng. Theo Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, với phương án này sẽ không đánh thuế người thu nhập thấp, không đánh vào nhà giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà cấp III, cấp IV và hầu hết nhà tại nông thôn.
Nếu đánh thuế đối với nhà thứ 2 trở đi sẽ khó thực hiện lại không công bằng giữa người người có 2 căn nhà mỗi nhà 50 m2 lại bị đánh thuế còn người có một nhà rộng hơn, giá trị hơn nhưng lại không bị thuế... Tiền thu từ thuế tài sản sẽ để lại ngân sách địa phương để đầu tư cho hạ tầng...
TS. Huỳnh Thế Du: Quan trọng là tính toán mức thuế nào để không làm khó người thu nhập thấp
Là người nghiên cứu tài chính công nhiều năm, tôi thấy rằng trong bối cảnh ngân sách hiện nay, không thể không tăng thu và bắt buộc phải tăng bằng cách này hay cách khác thì nên đánh thuế tài sản hơn là loại thuế tiêu dùng (như VAT) vì thuế tiêu dùng có tính lũy thoái, người nghèo hơn phải nộp nhiều hơn, thuế tài sản có tính lũy tiến, người giàu và có nhiều tài sản sẽ nộp thuế nhiều hơn.
Nên ban hành thuế tài sản vì đây là một trong những sắc thuế hiếm hoi đảm bảo công bằng, hiệu quả và khả thi nhưng sử dụng tiền thu thuế phải hợp lý hiệu quả làm cho chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên cao hơn.
Thuế tài sản lại có tính nhân văn cao vì có độ co giãn thấp nên đánh thuế này không làm thay đổi nhiều nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, và người giàu sẽ phải đóng thuế nhiều hơn, người nghèo chịu thuế ít hơn. Thuế này ít gây bóp méo phân bổ nguồn lực và chống đầu cơ tài sản, đưa bất động sản về đúng giá trị thực. Thuế tài sản cũng sẽ tạo điều kiện để thống kê, kê khai tài sản quốc gia. Nhà nước có thể biết có bao nhiêu căn nhà, minh bạch hoá thông tin, chống tham nhũng sau này. Việc thu thuế tài sản sẽ giúp xã hội bớt bất công hơn.
Có căn nhà nào nên đánh thuế tài sản căn nhà đó thì khả thi, còn đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở đi nghe hay nhưng không khả thi vì vẫn có hiện tượng mượn tên sở hữu nhà, tài sản không công khai. Nhưng quan trọng là tính toán mức thuế thế nào, ngưỡng nào để đảm bảo mục tiêu nhắm vào người giàu có nhiều tài sản, không làm khó người có tài sản nhưng thu nhập thấp.
TS. Trần Đình Thiên: Người đóng thuế có quyền được nhà nước phục vụ và bảo vệ
Về mặt nguyên tắc, cứ có tài sản là phải đóng thuế, người nghèo, người thu nhập thấp cũng phải đóng thuế nhưng thuế suất là 0% còn người có thu nhập cao thì nộp thuế nhiều hơn. Người đã đóng thuế dù là 0% là có quyền được nhà nước phục vụ và bảo vệ. Nhà nước đã thu thuế dù thu 0% là có trách nhiệm phục vụ và bảo vệ người dân. Phải nhìn vấn đề thuế tài sản ở nguyên lý như thế. Và phải để người dân thấy mình được bảo vệ thì người dân ủng hộ. Nên có thuế tài sản nhưng đánh thuế thế nào, mức thuế ra sao cần phải được nghiên cứu kỹ.