Tìm đột phá cho chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam
Cụm liên kết ngành: Điểm tựa công nghiệp hoá | |
Công nghiệp phụ trợ: Khó vào chuỗi cung ứng | |
Nan giải với cụm công nghiệp |
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có những chuyển biến sâu sắc. Vị trí Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được cải thiện và đánh giá cao.
“Mục tiêu trở thành nước công nghiệp đã được Đảng kiên trì thực hiện. Tuy nhiên cách thức đã có những thay đổi, đó là chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng và cạnh tranh. Trên cơ sở đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là rà soát chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia. Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu Đề án về Chính sách Công nghiệp quốc gia”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh tại tọa đàm “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam: Thực trạng và định hướng đổi mới trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế” tổ chức ngày 25/8.
Ảnh minh họa |
Tham luận tại hội thảo, GS Kenichi Ono thẳng thắn cho rằng, chính sách công nghiệp của Việt Nam chưa tốt. Có một vấn đề chung là triển khai và tác động văn kiện chưa được rõ. Cấu trúc, nội dung của văn bản và phương thức làm chính sách cũng là vấn đề tồn tại. Về cách viết văn bản cần ngắn gọn, thông tin chắt lọc, cô đọng và thực sự có giá trị.
Ông Ono nhấn mạnh, cần nghiên cứu cụ thể, thấu đáo nhưng nên chắt lọc để đưa vào văn kiện chứ không nên đưa tất cả nghiên cứu vào. Bên cạnh đó, cần có ý kiến tham gia của nguyên thủ vào các văn kiện.
TS. Dương Đình Giám, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đề xuất chỉ nên cấu trúc những ngành ưu tiên, hình thành 2 vùng công nghiệp lõi và công nghiệp đệm. Trong đó, vùng công nghiệp lõi thì cần tập trung vào các ngành công nghiệp ưu tiên để lôi kéo và tạo thị trường cho các vùng khác phát triển. Một vấn đề khác là nguồn nhân lực được đào tạo có tỷ lệ thấp, tác phong công nghiệp, kỹ năng kém, công nghệ lại lạc hậu 2-3 thế hệ. TS. Dương Đình Giám cũng đề nghị: Chính sách công nghiệp quốc gia nên có sự điều chỉnh lại, thu gọn cho hợp lý.
Đại diện World Bank tại Việt Nam - ông Sebastian Eckardt nhìn nhận Việt Nam cần có chính sách thật sự đúng để đạt được mục tiêu của mình. Theo ông, ngành chế tạo có tỷ trọng xuất khẩu lớn và Việt Nam đã có được một số thành công trong lĩnh vực này. Ngành công nghiệp Việt Nam hiện nay đang có nhiều thách thức, đó là hiệu suất lao động cần tăng trưởng thêm nữa, khai thác tối đa tiềm năng hội nhập quốc tế và phát triển xanh cho ngành công nghiệp Việt Nam.
Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương lại cho rằng, quan trọng của phát triển công nghiệp phải hướng vào thị trường và xuất khẩu. Trước đây ta đặt ra mục tiêu quá cao, trong khi trình độ của chúng ta yếu nên không phát triển được. Doanh nghiệp tư nhân phải đóng vai trò chủ đạo, nhưng nếu nhà nước không hỗ trợ thì sẽ rất khó khăn, bên cạnh đó, cần tạo nền tảng cho ngành công nghiệp chế tạo.
Ông Hoài đề nghị, nên có một quỹ phát triển công nghiệp trong đó Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn, những tư duy quan trọng đổi mới, phát triển chính sách công nghiệp quốc gia. Các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm cũng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn các nước công nghiệp phát triển.
Đánh giá cao ý kiến của các tổ chức, các chuyên gia trong nước và quốc tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị cần phát huy những kết quả đã đạt được sau 30 năm đổi mới nhưng phải hiểu rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức để trong thời gian tới đổi mới chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam theo nguyên tắc thị trường.
Mục đích hướng tới là phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tăng tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu.
Bên cạnh việc nghiên cứu chính sách đúng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề triển khai thực hiện để đưa chính sách công nghiệp đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả.
Ban tổ chức cho biết, trên cơ sở ý kiến của các các chuyên gia, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp, chắt lọc cho xây dựng dự thảo Đề án chính sách công nghiệp quốc gia để xin ý kiến tại Hội thảo khoa học dự kiến tổ chức vào tháng 10/2016 và hoàn thiện trình Bộ Chính trị vào cuối tháng 11/2016.