Tìm hướng phát triển đô thị bền vững
BĐS Đà Nẵng đón cơ hội mới | |
Thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư | |
BĐS Đà Nẵng sôi động ở nhiều phân khúc |
Xuất hiện nhiều thách thức
Kể từ thời điểm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997) đến nay, Đà Nẵng đã có bước phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, có những thay da, đổi thịt về diện mạo đô thị. Tuy nhiên, sự tăng trưởng “nóng” trong thời gian qua ở địa phương cũng đã để lại những hệ lụy, đặt ra nhiều thách thức về phát triển đô thị của Đà Nẵng trong tương lai.
Với diện tích đất liền khoảng 98 nghìn ha, dân số hơn1 triệu người thời gian qua tốc độ đô thị hóa tại Đà Nẵng diễn ra khá nhanh, đặc biệt ở các khu vực ven biển. Một số chuyên gia cho rằng, quy hoạch của thành phố trong một thời gian dài chạy theo nhu cầu của thị trường bất động sản (BĐS). Bởi vậy, các khu vực gần sông nước, gần biển, là nơi có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư.
Đà Nẵng đang đi tìm phương án phát triển đô thị bền vững |
Tuy nhiên, những yếu tố rủi ro do biến đổi khí hậu, thiên tai... chưa được chú trọng. Gần đây, tại một số nơi ở ven biển Đà Nẵng đã xuất hiện hiện tượng sạt lở, xói mòn... là những dấu hiệu đáng lo ngại. Bên cạnh, do “tấc đất, tấc vàng” hiện diện tích cây xanh của Đà Nẵng vẫn chưa nhiều. Tỷ lệ cây xanh trong các khu dân cư còn khiêm tốn. Hiện, toàn thành phố chỉ có khoảng 64 ha cây xanh công cộng, bình quân 0,6m2/người, quá thấp so với quy chuẩn cũng như chỉ tiêu mà đề án “thành phố môi trường” đặt ra là từ 9 đến 10m2/người. Ngoài ra, Đà Nẵng phải thường xuyên đối mặt với các hiện tượng cực đoan của khí hậu như mưa bão, lũ lụt...
Trong khi, tình hình xử lý thoát nước, thu gom nước thải chưa được xử lý triệt để. Mới đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt công trình xả thải ra biển. Theo ông Nguyễn Văn Chung, nguyên Viện phó Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, hiện địa phương gần như cạn kiệt quỹ đất sau 20 năm thực hiện xây dựng theo quy hoạch chung. Hầu hết các dự án quy hoạch đều chọn hình thức thấp tầng, phát triển theo chiều rộng, quy hoạch thiên về phân lô nhỏ, khai thác tối đa quỹ đất dẫn đến gần như cạn kiệt quỹ đất dự trữ. Trước sự cạn kiệt về quỹ đất, cần nhanh chóng có sự kiểm soát về sử dụng đất xây dựng đô thị và kiểm soát về dân số.
Tương tự, TS. KTS Ngô Trung Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng đã đưa ra những cảnh báo, việc tăng mật độ dân số có thể tạo nên tình hình xấu cho giao thông, nguy hại cho cảnh quan đô thị của trung tâm TP. Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, việc phát triển dân số mật độ thấp ở các khu vực ven trung tâm và ngoại ô sẽ dễ dẫn đến việc sử dụng đất không hiệu quả, khó cung cấp dịch vụ giao thông vận tải công cộng. Trong khi, việc phát triển BĐS nghỉ dưỡng cao cấp dọc theo bãi biển và chân núi là một xu hướng tất yếu để phát triển du lịch Đà Nẵng. Nhưng, lại tác động đến hệ sinh thái, những khu vực cần bảo tồn và thu hẹp diện tích bãi biển công cộng...
Tìm hướng đi bền vững
Mới đây, tại hội thảo “Những khó khăn, thách thức mục tiêu phát triển bền vững của TP. Đà Nẵng trong tương lai”, nhiều nhà khoa học, kiến trúc sư… đã đưa ra nhận định, muốn phát triển bền vững TP. Đà Nẵng trong tương lai phải đảm bảo các nguyên tắc, đô thị nén và phát triển định hướng vận tải công cộng.
Trên thực tế, dự báo đến năm 2030, dân số thành phố khoảng 2 triệu người và đến năm 2050 là 3 triệu người. Trong bối cảnh quỹ đất đang ngày càng thu hẹp, nhiều chuyên gia đã đề xuất Đà Nẵng nên lựa chọn mô hình đô thị nén, tức là đô thị phát triển theo chiều cao, dành nhiều đất cho cây xanh và hạ tầng đô thị. Đặc biệt, cần xác định những vùng đất dự phòng cho sự phát triển trong tương lai. TS. KTS. Ngô Trung Hải đưa ra đề xuất, để phát triển Đà Nẵng bền vững đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, ngoài sử dụng quỹ đất cẩn trọng hiệu quả, chú trọng dành quỹ đất phát triển các công trình dân sinh, xã hội, xây dựng các thành phố vệ tinh...
Đặc biệt, TP. Đà Nẵng cần áp dụng 2 quy tắc quy hoạch cơ bản. Đó là đô thị “nén”, loại đô thị gọn, diện tích nhỏ có mật độ dân số ở mức 100 - 150 người/ha (mức trung bình) đến mức 200 - 250 người/ha (mức cao), chủ yếu phát triển về chiều cao và không gian phía trên. Có khả năng tự cung cấp đầy đủ dịch vụ theo kiểu đô thị đa chức năng bao gồm, cư trú, làm việc, học hành, mua sắm và giải trí... Bên cạnh đó, phải chú trọng phát triển định hướng vận tải công cộng như, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh…
Trong 10 năm tới, Đà Nẵng phải xác định được phát triển khu vực nào cao tầng, khu vực nào cần chỉnh trang dứt khoát. Nếu địa phương xây dựng thành công được mô hình đô thị “nén”, bên cạnh có hệ thống giao thông công cộng tốt thì có thể phát triển bền vững với mức dân số 2,5 đến 3 triệu dân đối với tầm nhìn ngoài năm 2030… Ngoài việc xây dựng đô thị “nén”, Đà Nẵng cũng phải tính đến những đô thị vệ tinh, những đô thị xung quanh. Trong đó, những khu vực như, Điện Bàn, Hội An (Quảng Nam) hay Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) đều được đưa vào “tầm ngắm” để san sẻ.
Trong khi đó, để TP. Đà Nẵng phát triển bền vững, thực sự trở thành đô thị hạt nhân của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có chuyên gia về kiến trúc đô thị lại đưa ra những gợi ý Đà Nẵng cần nhanh chóng phải tổ chức lại không gian đô thi. Lấy yếu tố mặt nước, sông, biển, các điều kiện tự nhiên, địa hình tự nhiên làm tư tưởng chính để phát huy lợi thế cũng như xây dựng bản sắc cho đô thị. Trong đó, khu vực đô thị lõi là trục cảnh quan sông Hàn. Song song, với đó là xây dựng cảnh quan theo lưu vực các con sông Cu Đê hay Cổ Cò. Những kiến trúc đô thị này phải mang được bản sắc riêng cho một không gian đô thị sông nước của thành phố bên bờ sông Hàn.