Tìm lực đẩy cho tăng trưởng
HSBC: Xuất khẩu và cầu nội địa hỗ trợ cho tăng trưởng | |
Nhà nước kiến tạo: Phải vừa kéo vừa đẩy | |
Phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 vượt mức kế hoạch 18% |
Giá dầu thách thức tăng trưởng
Trong khi mọi dự báo đều cho rằng năm nay GDP chỉ ở mức 6,1-6,3% nhưng Chính phủ vẫn quyết phấn đấu đạt 6,7%. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù tương tác hai chiều giữa huy động nguồn lực và tăng trưởng GDP đã trở nên rõ nét hơn, nhưng yêu cầu cải thiện tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn đang đặt ra vô cùng cấp thiết.
Một trong những giải pháp ngắn hạn mà Chính phủ đưa ra để hỗ trợ tăng trưởng là hút thêm 1 triệu tấn dầu thô. “Kế hoạch này có thể sẽ khả thi nếu như giá dầu thô hồi phục”, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc MarketIntello nhận định. Nhưng khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và một số nước Ả-Rập ảnh hưởng đến đà hồi phục của giá dầu thô trên thế giới sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến kế hoạch hút thêm 1 triệu tấn dầu.
Một trong những giải pháp ngắn hạn mà Chính phủ đưa ra để hỗ trợ tăng trưởng là hút thêm 1 triệu tấn dầu thô |
“Giá dầu thô giảm xuống dưới 50USD/thùng như hiện nay rõ ràng là một thách thức cho Chính phủ trong việc theo đuổi tăng trưởng”, theo báo cáo nghiên cứu kinh tế vĩ mô tháng 6 của MarketIntello. Giá dầu thấp mà tăng khai thác sẽ đem lại rủi ro và thua lỗ cho đơn vị khai thác. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chi phí khai thác một thùng dầu của Việt Nam khoảng 30-70 USD. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán TP HCM, điểm hoàn vốn sản xuất dầu của Tập đoàn Dầu khí khoảng 50 USD/thùng.
Bên cạnh đó, mức độ lạc quan của một số nhà sản xuất về triển vọng sản xuất trong thời gian tới giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tăng trưởng của Chính phủ. MarketIntello vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 kỳ vọng đạt mức 6,1% như mức dự báo đưa ra tháng trước. Tuy MarketIntello vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng GDP chỉ ở 6,1%, nhưng ông Đinh Tuấn Minh - vẫn kỳ vọng “với việc Chính phủ đã có một số cải thiện trong việc giải ngân nguồn vốn NSNN và thị trường thế giới khá thuận lợi cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nên có nhiều khả năng sẽ đạt được mức tăng trưởng tích cực hơn”.
6,7%: truy đuổi và đánh đổi
Trước quyết tâm và giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng mà Thủ tướng vừa quyết, các chuyên gia kinh tế cùng cho rằng với cách đó, 6,7% là không khó. Cũng không phản đối ý chí và quyết tâm phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng, các chuyên gia cùng khẳng định cải thiện tăng trưởng đang trở nên có ý nghĩa.
“Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 6 - 7% liên tục trong vòng 20 năm tiếp theo và 5% trong 10 năm tiếp theo nữa, chúng ta sẽ trở thành một nước phát triển như Hàn Quốc hiện nay”, theo ông Đinh Tuấn Minh. Còn theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): có được mức tăng trưởng cao sẽ giảm rủi ro “bẫy thu nhập trung bình”, sẽ sớm theo kịp các nước hơn. Tăng trưởng cao sẽ khiến tỷ lệ nợ công và thâm hụt ngân sách tính trên GDP giảm bớt áp lực. Khi tăng trưởng cao, nợ công thâm hụt giảm, sẽ duy trì, và gia tăng niềm tin kinh doanh cho DN, cho nhà đầu tư.
Thế nhưng các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: Đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại các nguồn lực cho tăng trưởng và tiềm năng tăng trưởng dài hạn hơn. Bởi các giải pháp mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công cộng, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô, trông chờ ở tăng xuất khẩu… có thể không mang lại kết quả mong muốn. Hơn nữa cách tìm kiếm tăng trưởng này (dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên và xuất khẩu) cũng không dễ gì khi mà xuất khẩu cũng đang được cảnh báo rất nhiều khó khăn cản trở ở phía trước.
“Nếu cố đạt được mục tiêu tăng trưởng theo các cách làm hiện nay mà mô hình tăng trưởng kinh tế không có nhiều thay đổi, chắc chắn sang năm 2018, tăng trưởng lại trở về 6,1 – 6,2%, thậm chí thấp hơn”, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM.
Trong một nghiên cứu về tăng trưởng và tiềm năng tăng trưởng mới đây của CIEM cho rằng: cách chỉ đạo và nhiệm vụ được giao cho thấy cách thức đạt tăng trưởng năm nay không khác nhiều so với thời gian trước đây. Với cách này nếu năm nay đạt 6,7% thì dễ dẫn đến tâm lý năm sau cứ làm thế để tăng trưởng hơn và như thế sẽ rất rủi ro.
TS.Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cũng bày tỏ một lo ngại “phương thức chỉ đạo, giao chỉ tiêu phải thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng không mang lại kết quả bền vững. Truy đuổi tốc độ tăng trưởng cao trong ngắn hạn có thể phải đánh đổi cơ hội phục hồi tăng trưởng bền vững trong trung hạn”.
Không thể chần chừ nếu muốn tăng trưởng
Cải thiện tăng trưởng rất có ý nghĩa lâu dài, vậy làm cách nào, trông vào tiềm năng nào để có tăng trưởng mà không phải đánh đổi?
“Trước hết là cải thiện tiềm năng tăng trưởng, yêu cầu đầu tiên là phải đổi mới mô hình tăng trưởng: cải thiện năng suất và sáng tạo dù quá trình này vẫn đang chuyển động chậm chạp và khó khăn. Chúng ta không còn đường lùi, không thể chần chừ với những việc này nếu chúng ta muốn tăng trưởng”, theo ông Nguyễn Anh Dương – Phó Ban chính sách kinh tế vĩ mô CIEM.
“Khi nào còn chưa chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở tái cơ cấu kinh tế, tôi khẳng định không bao giờ đạt được mục tiêu tăng trưởng 7%. Khi mô hình chưa thay đổi mà cố gắng để tăng trưởng cao thì rất nguy hiểm”, theo TS.Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Báo cáo nghiên cứu của CIEM thì cho rằng cần phải thay đổi cách thức điều hành theo hướng dựa nhiều hơn vào công cụ thị trường và điều hành có trọng tâm, hài hòa giữa tăng trưởng ngắn hạn với thúc đẩy cải cách trung-dài hạn. Cần tính toán hiệu quả và tối ưu hóa nguồn lực. Phải chuyển đổi từ thông điệp đến hành động nhanh hơn.
Khẳng định ý nghĩa của tăng trưởng, ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhấn mạnh “Phải khai thác tiềm năng tăng trưởng dài hạn, và để đạt được mục tiêu đó, xây dựng nhà nước kiến tạo là vấn đề quyết định”. Nhà nước kiến tạo, theo ông Tuyển và ông Cung: đó là một nhà nước không có nghĩa là làm nhiều, mà đôi khi chỉ là “không làm những việc không cần thiết”.
Về trung hạn, cần sớm hoàn thiện các chính sách kinh tế vĩ mô hướng tới tạo lập sự ổn định, bền vững của các cân đối vĩ mô, đặc biệt là cán cân thương mại, cán cân thanh toán; tăng cường dự trữ quốc gia để tạo cho nhà nước một công cụ đủ mạnh để đối phó một cách chủ động với những biến động kinh tế vĩ mô.
Còn VEPR cũng khuyến nghị hướng đến nhà nước kiến tạo. Và những việc cần làm đó của nhà nước kiến tạo, cải thiện tiềm năng tăng trưởng là: Tập trung nâng cấp hệ thống giáo dục và dạy nghề để nâng cao chất lượng lao động; Cải cách thể chế và hành chính nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh; tiếp tục cải cách DNNN để lành mạnh hóa nền kinh tế thị trường; Tự cải cách bộ máy nhà nước và Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả chi phí quản trị nhà nước…