Tư duy lại vấn đề tái cơ cấu
Tái cơ cấu kinh tế: Phải bắt đầu từ thể chế và con người | |
Băn khoăn hiệu quả tái cơ cấu | |
Phải có những giải pháp quyết liệt, đột phá để tái cơ cấu nền kinh tế |
Do giai đoạn 2011-2015, chương trình tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra nên cần phải tiếp tục một cách quyết liệt và hiệu quả hơn. Kế hoạch TCC giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua nhằm đề ra nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành các mục tiêu trong Đề án tổng thể TCC 2013-2020, khắc phục hạn chế trong thực hiện 3 trọng tâm TCC thời gian qua, và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 86 của Quốc hội cũng như bối cảnh mới.
Cần thay đổi cơ bản về thể chế quản lý vốn đầu tư từ NSNN/đầu tư công và quản lý nợ công |
PGS.TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
TCC là thay đổi cách làm
PGS.TS. Trần Đình Thiên |
Yêu cầu TCC nảy sinh từ việc chúng ta đã duy trì quá lâu một mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, thực chất là một hệ thống phân bổ nguồn lực sai lệch, theo kiểu “xin – cho”, thay vì nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực nội tại.
5 năm vừa qua là thời gian vật lộn với TCC, nhưng tiến triển rất chậm, thành quả đạt được còn xa mới đạt mục tiêu và kỳ vọng.
Bối cảnh phát triển trong giai đoạn tới của Việt Nam rất khác. Chúng ta phải thay đổi cách làm, củng cố căn bản thực lực, thay đổi cơ cấu kinh tế, nhanh chóng thoát khỏi đẳng cấp thấp để tiến vượt lên, “bám” vào được các cấu trúc hội nhập, hưởng lợi ích hội nhập. Nghĩa là chúng ta phải ráo riết TCC thay đổi mô hình tăng trưởng.
Một vấn đề nữa không thể không đề cập đến là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đi vào vận hành đã và đang tác động rất mạnh đến cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Mục tiêu lớn nhất của AEC là hình thành “một thị trường và một cơ sở sản xuất thống nhất”, nhưng công cụ thực hiện vẫn chủ yếu dựa trên nguyên lý sức mạnh cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên, của các tập đoàn DN. Trong cuộc đua tranh chiến lược này, Việt Nam đang bị kém thế trên nhiều phương diện.
Thêm vào đó, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… điều kiện sản xuất và sinh sống cơ bản của Việt Nam đang thay đổi rất mạnh mẽ và sâu sắc. Đây cũng là yếu tố quy định chiến lược phát triển quốc gia trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này như thế nào ở tầm chiến lược hầu như còn chưa được đặt ra, trong khi đây là một bộ phận không thể bỏ qua của chiến lược TCC và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bên cạnh đó, còn nhiều điểm khác quan trọng không kém, thậm chí còn là yếu tố quyết định trong tương lai phải tính đến trong TCC, ví dụ tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Nhưng đây còn là vấn đề hầu như chưa được biết đến trong thiết kế chiến lược và chính sách của chúng ta.
Tất cả những điều nói trên đều cho thấy sự cần thiết phải tư duy lại vấn đề TCC và đổi mới mô hình tăng trưởng theo logic của một cuộc Đổi mới lần hai, bảo đảm nền kinh tế thoát khỏi lệ thuộc bên ngoài và hội nhập hiệu quả. Cơ hội đang đặt ra và thời gian cho việc hiện thực hóa là rất gấp rút.
TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
Tạo thêm nguồn lực
TS. Nguyễn Đình Cung |
Trọng tâm của TCC là phải làm cho thị trường vận hành tốt, là phân bố lại và nâng cao sử dụng nguồn lực theo cơ chế thị trường.
Trong Kế hoạch TCC nền kinh tế xác định: nguồn lực để thực hiện Kế hoạch TCC nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến khoảng 10 triệu 567 nghìn tỷ đồng.
Đây là tổng số vốn đầu tư xã hội dự tính huy động được trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn này bằng khoảng 1/3 GDP. TCC để 10 triệu tỷ này được phân bổ và sử dụng hiệu quả, và người phân bổ số tiền này là thị trường.
Đơn cử như, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN để DN vận hành tốt hơn theo cơ chế thị trường, thu hút nguồn lực. Thoái vốn nhà nước, bán cổ phần nhà nước tại Habeco, Sabeco hay Vinamilk là để Nhà nước TCC lại danh mục đầu tư, mở cơ hội cho khu vực tư nhân đầu tư vào, còn Nhà nước thì thu được tiền về. Như thế là thu hút được nguồn lực xã hội. Số tiền thu về Nhà nước tiếp tục đầu tư vào hạ tầng, góp phần làm giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh.
Tương tự, đối với khu vực dịch vụ công, cần phải thị trường hoá các dịch vụ công như y tế, giáo dục, tiến tới là điện và xăng dầu… Khi giá được điều chỉnh theo quy luật cung – cầu của thị trường, nơi cung cấp dịch vụ được tự chủ thì giá sẽ trở thành động lực thúc đẩy nâng cao sản lượng và chất lượng dịch vụ. Như vậy sẽ có nhiều người tham gia đầu tư thị trường hơn…
Rõ ràng như vậy, nguồn lực được phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn, và khi đó nguồn lực xã hội sẽ được gia tăng.
TS. Vũ Đình Ánh
Đầu tư công phải gắn với TCC NSNN và nợ công
TS. Vũ Đình Ánh |
3 trọng tâm của chúng ta là TCC đầu tư công, DNNN và NHTM đều liên quan đến ngân sách Nhà nước (NSNN) ở các mức độ khác nhau. Song do thiếu chương trình TCC NSNN tương xứng, tư tưởng TCC cơ bản NSNN không được thể hiện trong Luật NSNN 2015 sẽ được áp dụng từ 2017, nên quản lý NSNN ở Việt Nam hầu như vẫn dậm chân tại chỗ. Vẫn có sự lệch pha giữa TCC NSNN với 3 trụ cột TCC là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho việc thực hiện cả 3 chương trình này đều chưa hiệu quả.
Nhìn lại TCC đầu tư công, tuy đã được thể hiện rõ trong việc cắt giảm quy mô đầu tư, song cơ cấu đầu tư công theo ngành lại chưa có sự chuyển dịch đáng kể, do chưa làm rõ vai trò và nhiệm vụ của đầu tư công trong nền kinh tế, đặc biệt là trong xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Chuyển dịch cơ cấu đầu tư công không rõ ràng và không phản ánh sự thay đổi nào đáng kể về vai trò của Nhà nước nói chung và đầu tư công nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như trong góp phần thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên chiến lược như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chiến lược phát triển con người và tháo gỡ nút thắt về cơ sở hạ tầng cũng như thể chế.
Thực tế cho thấy, chi đầu tư phát triển từ NSNN bình quân chiếm tới 1/4 tổng chi NSNN. Nhưng ngần đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nên Chính phủ vừa phải vay nợ để trả nợ, vừa vay nợ để đầu tư khiến nợ công tăng cao.
Vì vậy lần này, cần khẩn trương TCC đầu tư công, xác định các tiêu chí và thứ tự ưu tiên làm căn cứ để phê duyệt hay từ chối, hoặc cắt giảm các dự án đầu tư; Khắc phục tình trạng phát triển quá nhiều các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khai thác quá mức tài nguyên, khoáng sản mà chưa tính toán đầy đủ khả năng thu hút DN đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động đến môi trường; Cần xóa bỏ ngay tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt nguồn lực hiện có, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra nhiều năm, dẫn đến đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thi công, nợ xây dựng cơ bản lớn, gây lãng phí, thất thoát, hiệu quả thấp.
Để TCC đầu tư công, thì TCC chi NSNN và quản lý nợ công cần có giải pháp đột phá, căn bản để xử lý dứt điểm những hạn chế bất cập. Chẳng hạn, cần mạnh dạn tập trung quản lý vốn đầu tư từ NSNN và quản lý nợ công về một đầu mối xuyên suốt từ huy động, phân bổ nguồn vốn, quản lý sử dụng và quyết toán. Nói cách khác là cần thay đổi cơ bản về thể chế quản lý vốn đầu tư từ NSNN/đầu tư công, và quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính an toàn và bền vững, chứ không dừng lại ở những biện pháp mang tính tình thế, chắp vá như hiện nay.
Cần thay đổi cơ bản về thể chế quản lý vốn đầu tư từ NSNN/đầu tư công và quản lý nợ công
5 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện mục tiêu TCC nền kinh tế giai đoạn 2016-2020: 1. Tập trung hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, DNNN và các tổ chức tín dụng. 2. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công. 3. Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. 4. Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. 5. Hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường, gồm thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ. Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo thực hiện quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; căn cứ Nghị quyết của Quốc hội xây dựng Chương trình hành động, hoàn thành trước tháng 4/2017. |