Tù mù xuất xứ hàng Tết
Nỗ lực kiểm soát hàng lậu | |
Đề phòng hàng giả vào hội chợ |
Ảnh minh họa |
Mới đây, Đội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm (Công an TP. Hà Nội) qua kiểm tra 5 ô tô tải đang bốc dỡ hàng tại bãi tập kết của Công ty TNHH thương mại Phước Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã phát hiện nhiều mặt hàng không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cùng thời gian này, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện 2 ô tô đang vận chuyển 198 bao tải, kiện hàng không rõ nguồn gốc của Kiều Xuân Định (trú tại Tân Dĩnh, Bắc Giang) đang được đưa về Hà Nội tiêu thụ...
Đó chỉ là vài vụ việc điển hình. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP. Hà Nội (Ban chỉ đạo 389 thành phố), thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội còn nhiều diễn biến phức tạp.
Các đường dây, ổ nhóm nhập lậu, vận chuyển, tập kết và buôn bán hàng nhập lậu vẫn tồn tại và hoạt động tinh vi. Hàng hóa vận chuyển, tập kết ở các tỉnh ven Hà Nội sau đó được vận chuyển nhỏ lẻ vào thành phố theo nhiều đường, địa điểm, thời gian khác nhau… nên rất khó để các cơ quan chức năng có thể kiểm soát.
Ghi nhận tại nhiều sạp hàng, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Hà Nội tại thời điểm này, rất nhiều các chủng loại bánh kẹo của nhiều nhãn hiệu khác nhau được bày bán công khai nhưng rất khó để kiểm chứng nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có cả các loại bánh kẹo được bán theo cân, không rõ nguồn gốc, nhãn mác... Với các loại hàng hóa không bao gói khác thì việc kiểm chứng nguồn gốc còn khó khăn hơn nhiều.
Chị Nguyễn Thu Trang, Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, thị trường bánh kẹo, sản phẩm Tết hiện đã được các điểm kinh doanh nhập về, chủng loại rất phong phú và của nhiều hãng khác nhau. Tuy nhiên cũng rất nhiều loại chị cũng không biết là của hãng nào bởi không có nhãn mác hàng hóa, chỉ được bày bán cả một giỏ lớn. Thậm chí nếu khách hàng có nhu cầu thì có thể mua theo cân.
Bên cạnh đó là các sản phẩm như hạt hướng dương, hạt dưa cũng tương tự. Vì là khách hàng quen lâu năm nên chủ cửa hàng cũng nói rõ các loại sản phẩm để chị lựa chọn, đâu là hàng Việt Nam, đâu là hàng gia công, đâu là hàng Trung Quốc nhưng không dán mác... Theo chị Trang, hàng hóa không rõ nguồn gốc hiện vẫn còn rất nhiều khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt được.
Cũng thuộc nhóm mặt hàng có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm, hoa quả không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng được bày bán khá nhiều tại Hà Nội. Theo ghi nhận của phóng viên, dù quan ngại về chất lượng và an toàn nhưng hoa quả Trung Quốc vẫn đang được tiêu thụ mạnh trên địa bàn Hà Nội. Nơi tập trung lớn nhất vẫn là chợ đầu mối Long Biên.
Mỗi ngày có hàng ngàn thùng hoa quả như cam, đào, mận, nho, táo, xoài… được dán trong các thùng hộp, bao bì có in chữ Trung Quốc, sau đó được các thương lái phân loại nhỏ lẻ phân phối tại hầu khắp trên các địa bàn.
Chị Trần Trà My, chủ cửa hàng bán hoa quả sạch trên đường Đội Cấn chia sẻ, không ít loại hoa quả bán tại các sạp ven đường hoặc hàng rong có giá siêu rẻ là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt. Vì người bán đều giới thiệu đó là hoa quả của các vùng nổi tiếng của Việt Nam như Bưởi Diễn, Bưởi Đoan Hùng, Cam sành Hà Giang... nhưng thực ra toàn là hoa quả Trung Quốc.
Vì các loại hàng Trung Quốc đều có hình thức giống với các sản phẩm cùng loại của Việt Nam nên người tiêu dùng, ngay cả người bán hàng lâu năm như chị, cũng khó phân biệt.
Trong khi đó, theo Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, việc kiểm tra các sản phẩm hoa quả có nguồn gốc chỉ có thể thực hiện tại các siêu thị, cửa hàng chuyên kinh doanh hoa quả nhập khẩu. Còn với các tiểu thương, những người bán rong thì điều này là rất khó bởi cũng chưa có những quy định rõ ràng về xử phạt các đối tượng này. Mặt khác, hoa quả Trung Quốc cũng không bị cấm khi buôn bán tại Việt Nam và mỗi năm nước ta vẫn nhập số lượng lớn hoa quả Trung Quốc.
Để làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới, đặc biệt trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Hà Nội đã yêu cầu các lực lượng chức năng cần kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn; tập trung kiểm tra các mặt hàng phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết như rượu, bia, thuốc lá, pháo nổ, đồ may mặc...
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo 389 thành phố cũng yêu cầu kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm tại các địa bàn trọng điểm như các chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp, chợ Hà Vĩ... các ga Hà Nội, Gia Lâm, sân bay quốc tế Nội Bài... Đồng thời đề nghị các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo 389 thành phố cần triển khai các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát dịp Tết Nguyên đán, nhất là đối với các điểm nóng, tụ điểm...