Vướng thủ tục, nhiều dự án ODA thi công chậm
Đấu thầu qua mạng dự án ODA | |
Chậm thanh toán các dự án ODA sẽ ảnh hưởng xấu đến phát triển bền vững | |
Khai giảng khoá đào tạo về quản lý dự án ODA và vốn vay ưu đãi |
Tính đến thời điểm hiện nay, vốn ODA của các nhà tài trợ trên địa bàn TP. HCM chủ yếu tập trung cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, với tổng vốn đầu tư tương đương hơn 104.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP. HCM cũng thừa nhận thời gian qua, quá trình thực hiện nhiều dự án ODA thường mất 2 - 3 năm từ bước lập đề xuất dự án cho đến khi ký kết các điều ước cụ thể.
Lại nữa, khi dự án đi vào giai đoạn thực hiện thường phải điều chỉnh thiết kế hoặc điều chỉnh lại dự án làm kéo dài thêm thời gian thực hiện. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như chi phí giám sát và quản lý gia tăng, đồng thời tạo thêm gánh nặng trong việc chi trả các phí liên quan và phí cam kết.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên |
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP. HCM cho rằng, đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA hoặc vốn vay ưu đãi, đặc biệt là các dự án xây dựng đường sắt đô thị, thường có một hoặc nhiều nhà tài trợ; quá trình triển khai vừa phải tuân thủ các quy định của luật pháp Việt Nam, vừa phải theo quy định của nhà tài trợ theo điều ước quốc tế được ký kết và chịu sự quản lý, giám sát của cả 2 bên.
Bên cạnh đó, một số quy định về đầu tư công theo luật Việt Nam có sự khác biệt so với quy định của các nhà tài trợ, nên phải mất nhiều thời gian xin ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ về các nội dung có liên quan. Việc này đã gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án, tác động không nhỏ đến tình hình giải ngân vốn ODA.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nhiều dự án sử dụng vốn ODA có yêu cầu giải ngân thực tế luôn cao hơn so với kế hoạch. Mặc dù ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, chủ đầu tư đã phối hợp cùng các địa phương và tham vấn đầy đủ khung chính sách bồi thường cho người dân, nhưng thực tế, quá trình triển khai việc bồi thường giải phóng mặt bằng thường kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhà thầu.
Bên cạnh đó, nhiều gói thầu có khối lượng đã được nghiệm thu nhưng chưa thể giải ngân vì một số lý do, để có thể thanh toán cho các tư vấn và nhà thầu, điều này dẫn đến khiếu kiện của một số nhà thầu nước ngoài. Đơn cử là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên bị nhà thầu kiện do chậm giải ngân. Để giải quyết cấp bách khó khăn này, UBND TP. HCM đã phải tạm ứng từ ngân sách thành phố để chi trả cho các nhà thầu tuyến Bến Thành – Suối Tiên với tổng số tiền là 3.273 tỷ đồng (4 đợt).
Cùng với đó, trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng các gói thầu chính gặp rất nhiều khó khăn liên quan như xử lý tình huống phát sinh trong đấu thầu, điều chỉnh dự án; thẩm quyền thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán…, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, thậm chí dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện của các nhà thầu về thời gian thực hiện hợp đồng và các chi phí phát sinh. Việc xử lý các khiếu nại, khiếu kiện của các nhà thầu thường cũng chưa được xử lý rốt ráo.
“Để giải quyết những khó khăn, trước mắt, UBND TP. HCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Theo đó, cần điều chỉnh kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bố trí kế hoạch vốn năm 2019; điều chỉnh nguồn vốn Trung ương cấp phát cho các dự án ODA tại TP. HCM để đảm bảo đủ vốn thực hiện trong năm 2019”, ông Võ Văn Hoan nói.
UBND TP. HCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Theo đó, cần điều chỉnh kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bố trí kế hoạch vốn năm 2019; điều chỉnh nguồn vốn Trung ương cấp phát cho các dự án ODA tại TP. HCM để đảm bảo đủ vốn thực hiện trong năm 2019” |