Coi chừng dính bẫy “cò” đất
Đất nền ven biển thu hút nhà đầu tư | |
CBRE Việt Nam: Thị trường căn hộ bán từ tăng trưởng mạnh mẽ sang bền vững | |
Savills Việt Nam: Năm 2018, thị trường khách sạn sẽ đón thêm gần 300 ngàn m2 |
Nhà đất sale kịch sàn
Theo chia sẻ của chị T.B.D (quản lý một công ty tại TP.HCM), mấy hôm nay không biết vì lý do gì mà công ty BĐS liên tục gọi cho chị. Mà nhiều nhất là các bạn ở công ty đất nền gọi điện thoại rao bán mấy lô đất trên đường Trần Não, Đồng Văn Cống, Q.2 với giá rẻ gần 1 nửa so với giá thị trường.
Theo cách nói của các môi giới, công ty đang khuyến mãi 10 lô đất ở Trần Não, chỉ có 10 lô cuối cùng còn giá rẻ. Lý do bán rẻ hơn so với giá thị trường là vì cuối năm chủ đầu tư muốn thanh lý, muốn bán để thu đủ doanh số thông qua khuyến mãi kích cầu...
Đừng để mất tiền oan với những chiêu dụ dỗ của “cò” đất |
Với lời mời gọi hấp dẫn, lại cộng thêm tâm lý muốn mua đất rẻ để đầu tư, chị T.B.D đồng ý hẹn gặp mặt để đi xem đất. Thế nhưng đến hẹn, chị T.B.D lại được các bạn môi giới đưa đến tập trung lại 1 điểm, đẩy lên xe, rồi chở đi xem đất ở các vùng như Long Thành, Nhơn Trạch, Bình Chánh, Bình Dương, Long An...
Dù không coi được đất ở Trần Não, nhưng trên xe đi cùng có nhiều “khách hàng” cùng bàn tán rôm rả về tương lai của khu đất ở Bình Dương. Đến nơi, thấy dự án cũng đẹp và “khách hàng” đặt mua “tán loạn”, chị T.B.D cũng bấm bụng đặt cọc giữ chỗ một miếng đất với giá 50 triệu đồng. “Tôi nghĩ với nhịp độ như hiện nay, giá đất chắc chắn sẽ lên. Khi đất rục rịch lên là tôi sang nhượng có lời ngay”, chị T.B.D hí hửng.
Qua lời kể của chị T.B.D, một số bạn bè của chị tỏ ra hâm mộ vì cho rằng chị gặp may, vớ được của hời. Theo đó, một vài người cũng xin số điện thoại của bên môi giới để tìm kiếm cơ hội. Thế nhưng, nếu đi vào chi tiết câu chuyện mới thấy thực tế không như là mơ. Và câu chuyện kiếm được lợi nhuận trong tương lai còn là một dấu hỏi rất lớn.
Trong vai một người muốn tìm đất đề đầu tư, chị P.H.T nhà ở Q.2 cũng hẹn ngày để được đi xem đất nền giá rẻ tại Q.9. Theo quảng cáo của một bạn môi giới, đất này thuộc chủ đầu tư Nam Long, giá bán 600 triệu đồng/nền, vị trí ngay Q.9, mua xong có sổ hồng ngay. Cơ hội hiếm có nên nhanh tay thì còn, chậm chân thì hết…
Chị T nói rằng nhà chị ở Q.9, chị biết đường nên muốn đến thẳng khu đất coi khỏi mất công hẹn nhau ở Q.2, nhưng người môi giới vẫn kiên quyết hẹn chị ở Big C, gặp đi chung mới chịu. Và cũng giống như người bạn T.B.D, chị T được đưa đi vòng vòng Q.9, xong “khuyến mãi” thêm một chuyến đi các khu đất lân cận là Bình Dương, Long Thành, Nhơn trạch…
Theo chị T, sau chuyến đi, người môi giới nói rằng chỉ còn 1 suất đất ở Q.9, nếu ai đặt cọc luôn thì được, còn chậm thì chỉ còn đất ở các khu vực khác. Và ngay lập tức có người trên xe đặt cọc luôn đất Q.9. Thế là hết đất!
Thực tế, đây là những chiêu lừa đảo của các “cò” đất và mọi chi tiết đều được sắp đặt hòng đưa người nhẹ dạ cả tin vào bẫy. Với những người ít tiền, muốn mua đất để đầu tư kiếm lời, thấy cảnh những người cùng đi tranh nhau đặt cọc, và rôm rả bàn tán về dự án thì cũng ngóng theo. Trong khi trên xe gồm nhiều người “diễn tuồng”: mua đất ở đây lời lắm, rồi khi đến nơi thì vờ mua “tán loạn”. Ai yếu tâm lý là bị dụ đặt cọc luôn...
Phải tỉnh táo với “cò”
Nhìn chung, nói dối vị trí, thổi phồng tiện ích, quảng cáo giá rẻ gấp vài lần thực tế là những chiêu trò phổ biến mà nhiều môi giới BĐS thường sử dụng để chèo kéo khách hàng. Theo đó, tính đến thời điểm này, cò đất không dừng lại ở mức đưa ra thông tin sai sự thật như trường hợp của chị B.T.D, mà thời gian qua có không ít công ty môi giới BĐS cố tình đánh tráo thông tin để đưa khách hàng “vào tròng”.
Nổi bật nhất của năm 2017 là câu chuyện cò đất lừa đảo khách hàng tại dự án đất nền ở Trảng Bom, Đồng Nai do Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát phân phối. Theo đó, đơn vị này chỉ là nhà phân phối nhưng lại tự ý thay đổi tên dự án, nâng giá bán và ký đủ thứ hợp đồng thỏa thuận dân sự với khách hàng. Sau đó, đơn vị này làm mọi cách để hợp thức hóa khoản tiền chênh lệch mà không xuất hóa đơn cho khách. Theo phản ánh, giá bán ban đầu do chủ đầu tư đưa ra dao động từ 427 triệu đến 1,2 tỷ đồng/lô. Thông qua các thủ đoạn của Kim Phát thì những nền đất này được nâng giá cao lên gấp nhiều lần.
Đó là lý do mà người mua nhà dịp cuối năm nên có những cái nhìn tỉnh táo hơn trong việc xuống tiền đầu tư. Nói như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, thị trường BĐS các khu vực vùng ven thành phố đang khá hỗn loạn, với hàng loạt thủ đoạn được các “cò” đất lừa đảo tung ra để chèo kéo khách hàng.
“Một số thủ đoạn có thể kể đến như đổi tên dự án, thay tên chủ đầu tư, đổi thiết kế, thêm thắt tiện ích ngoài phê duyệt… Nghiêm trọng hơn là kê khống giá bán và dùng “chim mồi” để lừa gạt, khiến người mua hoang mang”, ông Châu bổ sung.
Thực ra, thời gian qua, những vụ lừa đảo trong mua - bán liên quan đến nhà đất diễn ra khá phổ biến. Thiệt hại người mua phải chịu đều rất lớn. Theo đó, để tránh những rủi ro, thiệt hại khi giao dịch nhà đất, một lãnh đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo, các bên tham gia giao dịch tốt nhất là đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở tỉnh, thành phố, quận, huyện làm thủ tục giao dịch theo đúng quy định. Đặc biệt là không nộp cọc mua đất ở quán café, quán nước hay tại lô đất mình đang đi xem mà không thẩm tra giấy tờ gốc...
Tóm lại, năm cũ đang dần khép lại, bước qua năm mới người mua để ở hay đầu tư cũng cần tìm hiểu thật kỹ dự án và chọn mua từ những chủ đầu tư uy tín để tránh bị “cò” đất lừa đảo oan ức. Bởi hiện nay, các cơ quan chức năng chưa có biện pháp triệt để để kiểm soát những môi giới và sàn giao dịch làm ăn kiểu chộp giật như thế này…