Điểm lại thông tin kinh tế ngày 25/4
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 24/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 17-21/4 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 25/4, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.638 VND/USD, tăng tiếp 2 đồng so với phiên đầu tuần.
Giá bán USD được Sở giao dịch NHNN niêm yết ở mức 24.769 VND/USD, tăng 2 đồng so với phiên trước, trong khi giá mua USD được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô - đồng chốt phiên với mức 23.486 VND/USD, tăng 10 đồng so với phiên 24/4.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do giảm 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.400 VND/USD và 23.480 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 25/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng rất mạnh 0,85 - 2,22 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: qua đêm 6,03%; 1 tuần 5,97%; 2 tuần 5,98% và 1 tháng 5,82%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: qua đêm 4,63%; 1 tuần 4,73%; 2 tuần 4,87%, 1 tháng 4,98%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 2,72%; 5 năm 2,76%; 7 năm 2,90%; 10 năm 3,27%; 15 năm 3,39%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 25.000 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày và 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày, đều với lãi suất 5,0%; có 18.596,41 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 14 ngày và 753,48 tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày; có 2.890,1 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có khối lượng đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 16.459,79 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 64.630,89 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giữ ở mức 110.699,8 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán hôm qua giao dịch lình xình, không thể bứt phá do không có động lực dẫn dắt từ nhóm blue-chips. Chốt phiên, VN-Index giảm 6,51 điểm (-0,63%) xuống 1.034,85 điểm; HNX-Index mất 2,07 điểm (-1,0%) còn 204,69 điểm; UPCoM-Index tăng nhẹ 0,09 điểm (+0,12%) lên mức 77,99 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp với giá trị giao dịch trên 10.800 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 143 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/4/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ 2022; vốn thực hiện ước đạt khoảng 5,85 tỷ USD, giảm 1,2%. Trong đó, có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng 65,2% về số dự án và tăng 11,1% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, có 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với vốn đầu tư tăng thêm đạt 1,66 tỷ USD, tăng 19,5% về số dự án và giảm 68,6% về số vốn so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn có 1.044 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng 1,8% về số lượng và tăng 70,4% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tin quốc tế
Chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Conference Board khảo sát ở mức 101,3 điểm trong tháng Tư, giảm từ mức 104 điểm của tháng trước đó và trái với dự báo nhích nhẹ lên 104,1 điểm.
Theo giám đốc kinh tế Ataman Ozyildirim của Conference Board, mức kỳ vọng của người tiêu dùng đang ở dưới ngưỡng báo hiệu một đợt suy thoái ngắn hạn.
Tiếp theo, doanh số bán nhà mới tại Mỹ trong tháng Ba đạt 683 nghìn căn, cao hơn so với mức 623 nghìn căn của tháng trước đó và đồng thời vượt khá mạnh so với kỳ vọng ở mức 630 nghìn căn. Đây là mức doanh số cao nhất trong vòng 7 tháng, song vẫn thấp hơn khoảng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang Mỹ FHFA cho biết giá nhà tại quốc gia này tăng 0,5% so với tháng trước trong tháng Hai, nối tiếp đà tăng 0,1% của tháng trước đó và trái với dự báo giảm 0,2%.
Một ngân hàng tại Mỹ gặp tình trạng báo động khi tiền gửi bị rút mạnh. Theo Financial Times, ngân hàng First Republic của Mỹ đã bị rút hơn 100 tỷ USD tiền gửi trong tháng Ba. Lũy kế trong quý I/2023, lượng tiền gửi đã sụt 72 tỷ USD, tương đương 40% tổng lượng tiền gửi của ngân hàng này.
Thị trường nhận định lý do First Republic trụ vững được trong những ngày vừa qua là do có lượng tiền gửi 30 tỷ USD mà 12 ngân hàng lớn bơm vào tạm thời. Moody’s cho biết First Republic Bank đang nằm trong số các ngân hàng cần được rà soát và có khả năng bị giảm điểm tín nhiệm trong tương lai.