Điểm lại thông tin kinh tế tuần trước nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 27/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 26/4 |
Tổng quan
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2023 hạ nhiệt nhờ nguồn cung thực phẩm dồi dào, học phí tại một số địa phương được điều chỉnh. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp tiếp tục khó khăn, nhiều ngành chủ lực suy giảm, xuất khẩu chững lại.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào và học phí tại một số địa phương được điều chỉnh theo Nghị quyết số 165/NQ-CP là những nguyên nhân chính giúp CPI tháng 4/2023 giảm 0,34% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tăng 0,39% và so với cùng kỳ năm trước chỉ số này tăng 2,81%. Trong mức giảm 0,34% của CPI, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, 4 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.
Cụ thể, 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, chủ yếu gồm: Nhóm giáo dục có mức giảm mạnh nhất với 1,3% (tác động làm CPI chung giảm 0,08 điểm phần trăm). Nguyên nhân chủ yếu do ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân nên một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,83% chủ yếu do giá gas giảm 12,36% do từ ngày 1/4/2023, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 62.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 180 USD/tấn (từ mức 730 USD/tấn xuống mức 550 USD/tấn); Giá điện sinh hoạt giảm 0,98%; Giá nước sinh hoạt giảm 0,77%; Giá dầu hỏa giảm 3,82% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 3/4, 11/4 và 21/4.
4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: nhóm giao thông tăng 0,43% (làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,35%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng nhẹ 0,02%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm 2022. Các yếu tố làm giảm CPI trong 4 tháng đầu năm 2023: Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, giá xăng dầu trong nước giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,44 điểm phần trăm; giá gas trong nước giảm 6,73% theo giá thế giới, tác động làm CPI giảm 0,1 điểm phần trăm; chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,28% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm, tác động làm CPI giảm 0,01 điểm phần trăm.
Các yếu tố làm tăng CPI trong 4 tháng đầu năm 2023: Chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 9,08% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, tác động làm CPI tăng 0,56 điểm phần trăm; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,67% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,26 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao; chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,42% do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, tác động làm CPI tăng 0,2 điểm phần trăm; giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,02% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng, tác động làm CPI tăng 0,86 điểm phần trăm; giá điện sinh hoạt tăng 2,39% do nhu cầu sử dụng điện dịp Tết Nguyên đán tăng, tác động làm CPI tăng 0,08 điểm phần trăm; giá gạo trong nước tăng 2,32% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm.
Lạm phát cơ bản tháng 4/2023 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 4 tháng đầu năm 2023 giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 6,73%, là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Trên cơ sở số liệu CPI tháng 4, các chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát hạ nhiệt, được kiểm soát ở mức phù hợp là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế đầu năm. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, cũng đã hạ nhiệt so với mức tăng bình quân 3 tháng (5,01 %) và 2 tháng (5,08%). Lạm phát đã qua đỉnh và tiếp tục hạ nhiệt cho thấy các biện pháp kiểm soát đã dần phát huy tác dụng cùng với đà giảm giá và giảm lạm phát của thế giới.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, áp lực lạm phát vẫn còn do cả yếu tố cầu kéo (lực cầu tiêu dùng đang phục hồi lại, cung tiền và vòng quay tiền cải thiện hơn năm trước) và chi phí đẩy (giá dầu và giá hàng hóa, dịch vụ thế giới còn ở mức cao, nhất là khi Trung Quốc mở cửa trở lại làm tăng lực cầu; giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý đang chịu áp lực điều chỉnh tăng).
Các chuyên gia dự báo lạm phát cả năm 2023 ước tăng khoảng 4-4,5% nhờ tác động cộng hưởng của các yếu tố tích cực cho kiềm chế lạm phát như giá cả và lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục giảm, lực cầu còn yếu và các biện pháp kiểm soát lạm phát phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế khác không được khả quan như vậy. Về sản xuất công nghiệp, 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%). Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 4,1%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,5%), làm giảm 1,5 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 1,7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
IIP 4 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước, gồm: sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 9,6%; sản xuất xe có động cơ giảm 8,5%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 7,9%; sản xuất trang phục giảm 7,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 5,1%; sản xuất kim loại giảm 5%; dệt giảm 4,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,6%.
Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu hàng hóa luôn là điểm sáng của nền kinh tế cũng đã chững lại trong những tháng đầu năm. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 102,22 tỷ USD, giảm 15,4%.
Tóm lược thị trường trong nước từ 24-28/4
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 24-28/4, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng/giảm nhẹ qua các phiên. Chốt ngày 28/4, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.639 VND/USD, tăng 5 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.450 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 24.770 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá đô - đồng liên ngân hàng giao dịch tăng - giảm đan xen trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 28/4, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.472 VND/USD, giảm 21 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do không biến động nhiều trong tuần qua. Chốt phiên 28/4, tỷ giá tự do giảm 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.430 VND/USD và 23.480 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 24-28/4, lãi suất VND liên ngân hàng biến động tăng/giảm mạnh đan xen ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 28/4, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,61% (+1,38 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 4,80% (+1,10 điểm phần trăm); 2 tuần 4,93% (+0,66 điểm phần trăm); 1 tháng 5,24% (+0,29 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tăng/giảm nhẹ qua các phiên. Phiên cuối tuần 28/4, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,60% (-0,04 điểm phần trăm); 1 tuần 4,70% (-0,04 điểm phần trăm); 2 tuần 4,85% (-0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 4,98% (-0,02 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 24-28/4, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 65.000 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày, 50.000 tỷ đồng 28 ngày, đều với lãi suất 5,0%; có 23.167,34 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 14 ngày, 753,48 tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày; có 6.819,29 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN và cũng không có tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN bơm ròng 17.101,53 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố hiện tại tăng lên mức 66.191,26 tỷ đồng, tín phiếu NHNN giữ ở mức 110.699,8 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu ngày 26/4, Kho bạc Nhà nước huy động được toàn bộ 10.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 4.500 tỷ đồng và kỳ hạn 10 năm, 15 năm cùng huy động được 3.000 tỷ đồng mỗi loại. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn trên lần lượt tại 5 năm 2,75% (-0,05 điểm phần trăm so với lần trúng thầu trước); 10 năm 3,22% (-0,08 điểm phần trăm) và 15 năm 3,33% (-0,07 điểm phần trăm).
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 8.541 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 3.704 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần qua, lợi suất trái phiếu chính phủ giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 28/4, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,58% (-0,11 điểm phần trăm); 2 năm 2,62% (-0,09 điểm phần trăm); 3 năm 2,64% (-0,11 điểm phần trăm); 5 năm 2,61% (-0,19 điểm phần trăm); 7 năm 2,87% (-0,06 điểm phần trăm); 10 năm 3,21% (-0,07 điểm phần trăm); 15 năm 3,33% (-0,1 điểm phần trăm); 30 năm 3,8% (-0,06 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 24-28/4 tiếp tục ảm đạm bất chấp phiên cuối tuần khá tưng bừng. Chốt ngày 28/4, VN-Index đứng ở mức 1.049,12, tăng 6,21 điểm (+0,60%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index nhích nhẹ 0,56 điểm (+0,27%) lên 207,48 điểm; UPCom-Index giảm nhẹ 0,22 điểm (-0,28%) về mức 77,77 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng 11.700 tỷ đồng/phiên so với mức 9.700 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 193 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Trong phiên họp sáng sớm nay 4/5 theo giờ Việt Nam, Ủy ban Thị trường mở Liên bang FOMC nhận định kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong quý đầu năm, số lượng việc làm tăng lên nhanh trong những tháng gần đây, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức thấp và lạm phát vẫn duy trì ở mức cao. Hệ thống ngân hàng được khẳng định vẫn an toàn và linh hoạt, song tình trạng siết chặt tín dụng có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát. Mức độ tác động kể trên vẫn chưa được xác định và FOMC vẫn tập trung cao độ vào rủi ro lạm phát.
Theo đó, FOMC quyết định tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp lần này, từ mức 4,75-5,0% lên 5,0-5,25% nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2,0% trong dài hạn. FOMC cũng cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ những thông tin sắp tới và tính toán độ tích lũy của chính sách tiền tệ thắt chặt và độ trễ của chính sách lên kinh tế để có những quyết định phù hợp.
Sau cuộc họp của Fed, công cụ từ CME tính toán có 90% khả năng Fed sẽ giữ lãi suất chính sách đi ngang trong cuộc họp tiếp theo ngày 14/6, và có 10% khả năng hạ nhẹ lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản. Trong trung hạn, CME dự báo kịch bản chiếm ưu thế là Fed sẽ giữ lãi suất chính sách đi ngang trong 3 cuộc họp tiếp theo, bắt đầu cắt giảm kể từ cuộc họp ngày 20/9 với tốc độ 25 điểm cơ bản mỗi cuộc họp, kéo dài tới ngày 31/7/2024 sau đó đi ngang trở lại.
Liên quan tới thông tin kinh tế Mỹ trong những ngày qua, GDP của nước này trong quý I chỉ tăng 1,1% so với quý trước, thấp hơn nhiều so với đà tăng 2,6% của quý trước đó và đồng thời yếu hơn mức tăng 2,0% theo dự báo của các chuyên gia. Chỉ số lạm phát tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi và PCE toàn phần tại Mỹ lần lượt tăng 0,3% và 0,1% so với tháng trước trong tháng Ba, sau khi cùng tăng 0,3% ở tháng trước đó.
So cùng kỳ năm 2022, PCE lõi và PCE toàn phần tháng Ba lần lượt tăng 4,6% và 4,2% so với cùng kỳ, cùng hạ nhiệt so mức 4,7% và 5,1% của tháng Hai. Cuối cùng, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ lần lượt ở mức 47,1% và 51,9% trong tháng Tư, cùng có sự cải thiện nhẹ so với 46,3% và 51,2% của tháng trước đó.
Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) tăng lãi suất chính sách trở lại. Trong phiên họp ngày 2/5, RBA nhận định lạm phát đã đi qua vùng đỉnh, nhưng mức quanh 7% như hiện tại vẫn còn quá cao và cách xa mục tiêu. Theo đó, cơ quan này quyết định tăng lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản, từ 3,60% lên 3,85%. RBA vẫn giữ nguyên kịch bản dự báo trung tâm, cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt còn 4,5% trong năm 2023, và ở khoảng 3% vào giữa năm 2025. GDP nước Úc được dự báo tăng 1,25% trong năm nay và giữ đà tăng 2,0% so với cùng kỳ cho tới giữa năm 2025. Tỷ lệ thất nghiệp của nước Úc cũng sẽ tăng dần, đạt khoảng 4,5% vào giữa năm 2025.
RBA tái khẳng định sẽ giữ cho nền kinh tế phát triển ổn định và đồng thời đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2,0-3,0%, tuy nhiên con đường để đạt được kịch bản hạ cánh mềm như trên là rất hẹp.
Liên quan đến chỉ báo kinh tế Úc, CPI của nước này tăng 1,4% so với quý trước trong quý I, giảm tốc so với mức tăng 1,9% của quý trước đó và gần khớp với mức tăng 1,3% theo dự báo.
Riêng trong tháng Ba, CPI tăng 6,3% so với cùng kỳ, tiếp tục hạ nhiệt từ mức 6,8% của tháng Hai đồng thời thấp hơn mức tăng 6,5% theo dự báo.
Cuối cùng, doanh số bán lẻ tại thị trường Úc tăng 0,4% so với tháng trước trong tháng Hai, cao hơn mức tăng 0,2% theo dự báo.