Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 26-30/10
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 29/10 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 28/10 |
Tổng quan
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng thấp nhất trong vòng 5 năm, tuy nhiên, Chính phủ vẫn khuyến cáo thận trọng kiểm soát chặt giá cả thị trường những tháng cuối năm.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2020 cùng mức tăng 0,09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước – đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, các yếu tố chủ yếu tác động tới chỉ số giá tiêu dùng là giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường và ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.
CPI tháng 10/2020 tăng 0,09% so với tháng trước; tăng 0,09% so với tháng 12/2019 và tăng 2,47% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, nhóm giáo dục tăng nhiều nhất với 1,35% (dịch vụ giáo dục tăng 1,52% làm CPI chung tăng 0,08%) do trong tháng có 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện lộ trình tăng học phí cho năm học mới 2020-2021. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,29%, chủ yếu do giá gas tăng 1,77% (làm CPI chung tăng 0,03%); Nhóm đồ uống và thuốc lá - tăng 0,08%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép - tăng 0,06%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế - tăng 0,01%; Nhóm hàng hóa, dịch vụ khác - tăng 0,09%.
Một số nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm: Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch - giảm 0,18%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - giảm 0,13% (trong đó, lương thực tăng 0,16%; thực phẩm giảm 0,28%); Nhóm giao thông - giảm 0,08%; Nhóm bưu chính - viễn thông - giảm 0,03%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không thay đổi. Lạm phát cơ bản tháng 10/2020 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 2,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Theo các chuyên gia kinh tế, 10 tháng CPI tăng 3,71% tuy là mức tương đối cao nhưng dư địa còn lại để kiểm soát lạm phát dưới 4% từ nay đến cuối năm là khả thi. Những tháng cuối năm đầu tư cũng như tiêu thụ hàng hóa thường được đẩy mạnh nên thường làm lạm phát dễ tăng. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cùng với việc Chính phủ đang đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, việc kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm đạt mục tiêu dưới 4% vẫn khiến các nhà quản lý phải lo ngại.
Điều này cho thấy, trong 2 tháng còn lại của năm, Việt Nam vẫn phải rất thận trọng và cần tiếp tục nỗ lực kiểm soát giá cả thị trường. Dự báo về những yếu tố có thể tác động tới lạm phát trong 3 tháng còn lại của năm 2020, Tổng cục Thống kê cho biết, giá xăng dầu đang trong diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới và có thể tác động gián tiếp đến CPI chung.
Bên cạnh đó là giá lương thực, chủ yếu là gạo, có thể tăng nhưng không tăng ở mức cao. Hiện giá gạo xuất khẩu tăng cao so với năm ngoái có thể ảnh hưởng đến giá trong nước. Đồng thời, những yếu tố rủi ro của thiên tai cũng có thể ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, giá thịt lợn đã giảm và có thể tiếp tục giảm, có thể được giữ ở mức ổn định, góp phần làm ổn định lạm phát. Cùng với đó, điều hành và kiểm soát lạm phát của Chính phủ cũng cho thấy, khả năng đạt mức 4% hoặc dưới 4% là có thể. Nhưng Chính phủ phấn đấu điều hành lạm phát giảm ở mức thấp hơn để mặt bằng giá thấp hơn nữa tạo tiền đề cho điều hành lạm phát năm 2021. Nếu không có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ thì lạm phát năm 2021 sẽ tăng bởi rất nhiều những yếu tố, đặc biệt là dưới những sức ép của năm 2021 như cố gắng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạo ra sức ép mở rộng cung tiền, qua đó tác động lên lạm phát.
Tóm lược thị trường trong nước từ 26/10 - 30/10
Thị trường ngoại tệ tuần từ 26/10 - 30/10, sau phiên giảm nhẹ đầu tuần, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng cả 4 phiên còn lại. Chốt phiên 30/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.201 VND/USD, tăng trở lại 16 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên niêm yết ở mức 23.175 VND/USD ở tất cả các phiên. Tỷ giá bán được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt tuần ở mức 23.847 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục biến động nhẹ trong tuần vừa qua. Chốt phiên 30/10, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.176 VND/USD, giảm 01 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua biến động theo xu hướng tăng mạnh ở hầu hết các phiên. Chốt tuần 30/10, tỷ giá tự do tăng 50 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.240 – 23.280 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong tuần từ 26/10 - 30/10, lãi suất VND liên ngân hàng duy trì ít biến động ở tất cả các kỳ hạn qua các phiên trong tuần. Chốt phiên 30/10, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: ON 0,14% (không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 0,19% (-0,01 đpt); 2W 0,25% (không thay đổi); 1M 0,39% (+0,01 đpt).
Tương tự, lãi suất USD liên ngân hàng chỉ biến động nhẹ qua các phiên trong tuần qua, chốt tuần không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng nhẹ 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M, đứng ở mức ON 0,16; 1W 0,20%; 2W 0,27% và 1M 0,37%.
Trên thị trường mở tuần từ 26/10 - 30/10, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở tất cả các phiên với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất duy trì ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong tuần qua.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 5.096/9.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 57%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm huy động được 250/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 3.726/4.500 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động được 720/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động được 400/1.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 7 năm tại 1,55%/năm (-0,35%); kỳ hạn 15 năm tại 2,76%/năm (+0,02%); kỳ hạn 20 năm giữ nguyên tại 3,02%/năm; kỳ hạn 30 năm giữ nguyên tại 3,25%/năm.
Trong tuần qua có 2.300 tỷ đồng trái phiếu chính phủ đáo hạn. Trong tuần này từ 2/11 - 6/11, Kho bạc Nhà nước dự kiến gọi thầu 7.000 tỷ đồng (chưa bao gồm khối lượng gọi thầu bổ sung). Trong tuần này, lượng trái phiếu chính phủ đáo hạn là 11.068 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 8.456 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 11.207 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ tuần qua biến động trái chiều ở các kỳ hạn. Chốt phiên 30/10, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 0,18% (-0,002 đpt); 2 năm 0,3% (-0,01 đpt); 3 năm 0,38% (+0,01 đpt); 5 năm 1,31% (+0,08đpt); 7 năm 1,67% (+0,21 đpt); 10 năm 2,59% (+0,02 đpt); 15 năm 2,79% (+0,03 đpt); 30 năm 3,25% (không thay đổi).
Thị trường chứng khoán mặc dù khởi sắc phiên cuối tuần, thị trường chứng khoán tuần 26/10 - 30/10 vẫn chứng kiến sự sụt giảm của cả 3 chỉ số. Kết thúc phiên cuối tuần 30/10, VN-Index đạt 925,47 điểm, giảm mạnh 35,79 điểm (-3,72%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index cũng giảm mạnh 6,36 điểm (-4,49%), xuống mức 135,34 điểm; UPCOM-Index giảm 1,06 điểm (-1,66%) xuống 62,85 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 8.800 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh hơn 2.050 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng, chủ yếu cho thấy chiều hướng tích cực. Đầu tiên, về thị trường bất động sản, doanh số bán nhà mới tại nước này đạt 959 nghìn căn trong tháng 9 vừa qua, thấp hơn so với mức 994 nghìn của tháng trước đó, và trái với dự báo đạt mức cao 1,025 triệu căn của các chuyên gia.
Tuy nhiên, giá nhà tại Mỹ tăng 1,5% m/m trong tháng vừa qua, sau khi tăng 1,1% ở tháng 8 trước đó, cũng vượt mạnh so với mức tăng 0,7% theo kỳ vọng. Tiếp theo, về sản xuất, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền và lâu bền lõi của Mỹ lần lượt tăng 0,8% và 1,9% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 0,6% và 0,5% của tháng 8, đồng thời bỏ xa mức tăng 0,4% và 1,1% theo dự báo.
Về tiêu dùng, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ được hãng Conference Board khảo sát đạt mức 100,9 điểm trong tháng 10, giảm nhẹ so với mức 101,8 điểm của tháng 9, đồng thời cũng không đạt mức 101,9 điểm theo kỳ vọng.
Về xuất nhập khẩu, cán cân thương mại hàng hóa của nước này thâm hụt 79,4 tỷ USD trong tháng 9, không tiêu cực như mức thâm hụt 84,8 tỷ USD theo dự báo. Về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ ở mức 751 nghìn đơn trong tuần kết thúc ngày 24/10, giảm so với 787 nghìn đơn ở tuần trước đó, và tích cực hơn so với mức 773 nghìn đơn theo dự báo.
Cuối cùng, GDP của Mỹ phục hồi 33,1% q/q trong quý 3 sau khi suy giảm 31,4% ở quý trước, tích cực hơn so với mức tăng 32,0% theo kỳ vọng. Đây là mức tăng GDP theo quý lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. So với cùng kỳ năm 2019, GDP nước Mỹ vẫn cho thấy mức giảm 2,9% trong quý vừa qua, tích cực hơn mức giảm 9% của quý 2.
Một số NHTW có các cuộc họp chính sách trong tuần qua, song không có sự thay đổi nào về chính sách tiền tệ. Cụ thể, NHTW châu Âu ECB giữ LS tái cấp vốn 1W ở mức 0,0%; lãi suất cho vay cận biên ON 0,25% và LS tiền gửi ON -0,5%. Cơ quan này cũng cho biết sẽ duy trì các chương trình mua tài sản PEPP và APP, bên cạnh đó cố gắng trong hoạt động cho vay tái cấp vốn, nhằm cung cấp thanh khoản cho thị trường Eurozone. Các quyết định của ECB có phần không thỏa mãn thị trường, trong bối cảnh nhiều quốc gia tại châu Âu đang phải tiến hành đóng cửa nền kinh tế trở lại, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Bên cạnh ECB, NHTW Nhật Bản BOJ cũng có cuộc họp trong tuần qua. Cơ quan này dự báo GDP Nhật Bản giảm 5,5% trong năm 2020, tiêu cực hơn so với mức giảm 4,7% đưa ra hồi tháng 7. Tuy nhiên, đối với năm 2021, GDP được dự báo tăng trưởng 3,6%; tích cực hơn mức 3,3% theo lần dự báo trước. BOJ thông báo không thay đổi LSCS (LS tiền gửi ON) đang ở mức -0,1%, đồng thời duy trì các chính sách nới lỏng định lượng QE, nhằm tiếp tục hỗ trợ kinh tế quốc nội phục hồi.
Nước Đức đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, CPI của nước này tăng 0,1% m/m trong tháng 9 sau khi giảm 0,2% ở tháng trước đó, trái với dự báo đi ngang (0,0% m/m). Niềm tin kinh doanh tại quốc gia này ở mức 92,7 điểm trong tháng 10, giảm nhẹ từ 93,2 điểm của tháng 9 và thấp hơn mức 93,1 điểm theo dự báo. Doanh số bán lẻ của Đức giảm 2,2% m/m trong tháng 9 sau khi tăng 1,8% ở tháng 8, tiêu cực hơn mức giảm 0,6% theo dự báo.
Cuối cùng, GDP sơ bộ nước Đức hồi phục 8,2% q/q trong quý 3 sau khi giảm 9,7% ở quý 2, tích cực hơn so kỳ vọng hồi phục 7,3%. GDP cả khu vực Eurozone hồi phục 12,7% trong quý vừa qua sau khi giảm 11,8% ở quý 2, tích cực hơn nhiều so với mức hồi phục 9,5% theo kỳ vọng.