Giá hồ tiêu tăng, nông dân vừa mừng vừa lo
Nông dân vui mừng
Những tháng đầu năm 2021, giá hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên liên tục tăng mạnh trở lại sau một thời gian dài neo ở mức dưới 50 ngàn đồng/kg. Đây là niềm vui của nhiều người trồng hồ tiêu tại khu vực này sau nhiều năm giá hồ tiêu rớt thê thảm.
Hiện giá hồ tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên dao động từ 71.000 - 72.500 đồng/kg. Đây được đánh giá là mức giá khá lý tưởng, đảm bảo có lãi cho người trồng tiêu tại khu vực, mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, tiêu giữ giá cao ngay thời điểm đầu vụ, lượng tiêu thu hoạch của năm 2021 chưa nhiều, trong khi sản lượng tiêu cũ còn trong dân rất ít.
Nông dân Tây Nguyên phấn khởi, khi giá hồ tiêu quay đầu tăng sau nhiều năm ảm đạm |
Mức giá này khiến nhiều nông hộ trồng tiêu ở khu vực Tây Nguyên phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Hiếu, ở huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) chia sẻ, trong hơn 4 năm qua, nhiều hộ trồng tiêu ở địa phương bị ảnh hưởng tiêu cực. Giá hồ tiêu bị giảm sâu nên thu hái được bao nhiêu đều phải bán để trang trải cuộc sống và tái đầu tư vườn cây. Năm nay, giá tiêu tăng cao, các nông hộ rất mừng, nhưng không nhiều nông dân bán được với giá tiêu này vì tiêu cũ đã bán hết. Trong khi vụ mới thì đang thu lác đác, một phần do tiêu chưa chín, một phần thuê nhân công khó nên tiến độ thu hoạch có chậm hơn…
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thành ở phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa (Đăk Nông) cho hay, gia đình có 1,2ha tiêu, đang trong giai đoạn thu hoạch, phải một vài tuần nữa mới xong, và phải phơi khô thì tiêu mới bảo đảm chất lượng. Gia đình hiện vẫn còn khoảng 1 tấn tiêu cũ của vụ trước nhưng chưa vội bán, và muốn chờ xem giá có tăng hơn nữa không.
Giá tiêu tăng, nhiều bà con trồng hồ tiêu khu vực Tây Nguyên vui mừng. Nhiều nông hộ hy vọng năm nay giá tiêu sẽ tăng ổn định để nông dân được hưởng lợi trong vụ tiêu mới...
Tuy nhiên, có một thực tế là không phải hồ tiêu tăng giá là tất cả các hộ trồng tiêu được hưởng lợi. Bởi theo chính quyền các địa phương, hiện sản lượng tiêu còn trữ lại trong dân rất ít, vụ mới thì mới đang trong giai đoạn thu hoạch. Giá tiêu tăng cao là điều đáng mừng cho nông dân. Song hầu hết nông dân đều bán trước, ngay từ sau khi thu hoạch (giá thấp) để trang trải chi phí sản xuất, thu hoạch và tái đầu tư cho vụ mới.
Phần khác, một số nông dân còn trữ hồ tiêu kỳ vọng giá tốt sẽ giữ cho đến khi thu hoạch xong để vớt vát lại sau một thời gian dài hồ tiêu giảm giá sâu. Hiện ngành nông nghiệp các địa phương chỉ đạo cán bộ nông nghiệp, khuyến nông hướng dẫn bà con thực hiện tốt công tác thu hoạch, chăm sóc, phơi sấy. Cùng đó, chính quyền các địa phương cũng tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai công tác bảo đảm an ninh, tránh tình trạng mất cắp hoặc phá hoại khi tiêu tăng giá cao như những năm trước.
Còn theo các đại lý kinh doanh nông sản trên địa bàn Tây Nguyên, giá tiêu dù đang có đà tăng nhưng các giao dịch mua bán lại bị giảm sút mạnh, đại lý không mua được hàng. Nguyên nhân là do một phần người dân chưa hoàn thành việc thu hoạch, bên cạnh đó là tâm lý giữ hàng lại chờ giá tăng nữa…
Sản xuất bền vững mới là thượng sách
Hiện tại giá hồ tiêu đang có chiều hướng tăng, nhưng theo các chuyên gia đây không phải yếu tố bền vững. Mặc dù Việt Nam chiếm đến 60% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của toàn thế giới nhưng ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức như giá bán thấp, thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu đang ngày một cao hơn của các thị trường thế giới. Vậy nên, nếu không chuyển hướng, không đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thì chắc chắn người trồng hồ tiêu sẽ “ăn ngủ không yên”.
Nhận biết được tầm quan trọng trong việc sản xuất hồ tiêu theo hướng phát triển bền vững, những năm gần đây ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai luôn khuyến khích phát triển các mô hình liên kết sản xuất tiêu theo hướng bền vững, đã có một số mô hình khá thành công.
Song hiện nay, diện tích tiêu sản xuất theo hướng an toàn trên địa bàn còn khiêm tốn, chỉ có khoảng 2,6% thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp và có 64ha tiêu đã nhận được chứng nhận sản xuất hữu cơ.
Cái lợi của việc sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp là vào những thời điểm thị trường xuống thấp người nông dân vẫn được thu mua hồ tiêu sản xuất hữu cơ theo giá cao. Đơn cử, năm 2019, mặc dù giá hồ tiêu rớt xuống dưới giá thành, chỉ xung quanh mức 40.000 - 45.000 đồng/kg, thế nhưng hồ tiêu hữu cơ của các HTX, hộ nông dân liên kết vẫn bán được mức giá 100.000 đồng/kg.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, xác định được tầm quan trọng trong sản xuất hồ tiêu bền vững, vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật, Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) và Diễn đàn Sáng kiến gia vị bền vững (SSI) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc cùng nhau hợp tác thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam cho giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, tăng cường hợp tác công tư có hiệu quả là lời giải thích hợp cho bài toán này trên cơ sở mỗi bên đều phát huy được thế mạnh. Khối công sẽ hỗ trợ tạo môi trường chính sách thuận lợi và khối tư sẽ có vai trò tích cực trong kết nối thị trường và đảm bảo sản xuất bền vững đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường.
Một trong những mục tiêu của dự án đến năm 2025 là sẽ tạo ra khoảng 60.000 tấn tiêu sản xuất bền vững, 75% hồ tiêu xuất khẩu đáp ứng được nhu cầu của các thị trường phát triển và 25% nông dân được tiếp cận với các mô hình sản xuất an toàn, cải thiện sinh kế. Một trong những ưu tiên hàng đầu của việc ký kết giữa 3 bên là hỗ trợ DNNVV, nông dân kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu; liên kết sản xuất theo chuỗi; đẩy mạnh truyền thông và nhân rộng các mô hình sản xuất tiêu an toàn… nhằm tăng tính bền vững đối với hoạt động sản xuất hồ tiêu của các HTX và nông hộ.