Kiên nhẫn với Vinatex
Ngày 3/1/2017: Vinatex chào sàn UPCoM với giá tham chiếu 13.500 đồng/CP | |
Mổ xẻ cổ phiếu Vinatex |
Toàn bộ 500 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex- VGT) đã được chào sàn UPCoM với giá tham chiếu là 13.500 đồng/cổ phiếu. Thực tế, lực cầu tốt đã đẩy giá cổ phiếu VGT đóng cửa ở mức 17.100 đồng/CP, tương ứng với giá trị vốn hóa là 8.550 tỷ đồng, nằm trong top 10 các DN lớn nhất sàn về mặt vốn hóa.
Trong số 500 triệu cổ phiếu niêm yết đợt này, có khoảng 24% cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm (120 triệu cổ phiếu của cổ đông chiến lược và 138.500 cổ phiếu ESOP). Dù đã cổ phần hóa, Bộ Công Thương vẫn sở hữu 53,49% vốn điều lệ, theo sau là VID Group (khoảng 14%) và Vingroup (khoảng 10%).
Nhìn vào hoạt động của Vinatex, dễ nhận thấy đây là một DN dẫn đầu trong ngành dệt may tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình tập đoàn với 17 đơn vị trực thuộc chính, 38 đơn vị trực thuộc cấp 2 (trực thuộc các đơn vị trực thuộc chính) và 38 đơn vị liên kết.
Tổng doanh thu của VGT năm 2016 ước đạt khoảng 13.294 tỷ đồng, trong đó 99% được đóng góp bởi các công ty thành viên, điển hình như TCT CP Phong Phú, TCT Dệt may Hòa Thọ, Hanosimex và CTCP Dệt may Huế. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của tập đoàn ước đạt gần 2,4 tỷ USD, tức chiếm khoảng 15% thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam và khoảng 23% thị phần xuất khẩu của các DN nội địa.
Vinatex có lợi thế là sở hữu chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may với năng lực sản xuất với sản lượng sợi chiếm khoảng 14.8% toàn ngành và sản lượng hàng may mặc chiếm khoảng 16% toàn ngành.
Tuy nhiên, tập đoàn còn một số hạn chế về khả năng tự chủ nguyên liệu đầu vào. Sản lượng bông tự có của VGT chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu nguyên liệu của mảng sợi nên VGT phải nhập khẩu phần lớn bông để phục vụ nhu cầu sản xuất. Thêm vào đó, hầu hết vải dùng cho khâu may của VGT phải nhập khẩu do khả năng nhuộm hoàn tất của VGT chưa cao.
Về lĩnh vực may, cơ cấu sản phẩm của VGT cho phép tập đoàn tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn so với trung bình toàn ngành. Với nhiều đơn vị thành viên vốn đã xây dựng tốt thương hiệu như Hanosimex, May 10, Việt Tiến, Phong Phú, Việt Thắng hay Nhà Bè, NĐT có thể tin rằng VGT có thể hoàn thành tốt mục tiêu nói trên.
Tuy nhiên, xét về hiệu quả tài chính, dù sử dụng đòn bẩy cao, các tỷ lệ ROE, biên hoạt động của VGT lại có phần kém hơn các DN cùng ngành trên thế giới (có quy mô vốn hóa tương đồng). Nguyên nhân chính có thể do tỷ lệ phương thức CMT của VGT, dù thấp so với các DN nội địa, là khá cao so với các DN so sánh.
Nhìn chung, VGT là một DN dệt may hàng đầu của Việt Nam. Dù vậy, mô hình quản trị còn khá cồng kềnh với nhiều đơn vị thành viên, công ty con và công ty liên kết nên hiệu quả kinh doanh của VGT chưa cao.
Nhà đầu tư cần phải kiên nhẫn hơn để chờ xem VGT sẽ tái cơ cấu hệ thống thế nào trong việc thoái vốn ở một số công ty liên doanh liên kết và cơ cấu lại cấu trúc quản lý ở một số công ty con. So với các cổ phiếu cùng ngành, hiện VGT đang được giao dịch ở mức P/E là 12.8, trong khi VGG là 3.8, TCM là 6.5 và TNG là 4.7…