Kinh tế số: Nhận diện và kỳ vọng
Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia khôi phục các hoạt động “bình thường mới” nhanh chóng khi đã kịp thời chuyển trạng thái chống dịch, tạo điều kiện để cho các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Với hàng loạt các chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế năm 2022, GDP đã đạt 8,02% - vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6 - 6,5%. Để duy trì và tiếp nối đà tăng trưởng này, theo giới chuyên gia, một trong những động lực phát triển của năm 2023 và thời gian tới là quyết liệt phát triển kinh tế số, giúp nền kinh tế tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ, bứt phá hơn.
Lan tỏa tư duy “kinh tế số”
Trong báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á (e - Conomy SEA) lần thứ 7 với chủ đề “Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội” do Google, Temasek, Bain&Company thực hiện và công bố gần đây đã phân tích nền kinh tế số của các quốc gia Đông Nam Á với một góc nhìn bao quát nhất, thông qua phân tích xu hướng nhiều lĩnh vực cả dẫn đầu và mới nổi như thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến, công nghệ y tế, web 3.0, công nghệ giáo dục... Dựa trên thông số thu thập được từ lĩnh vực trên, tổ chức này nhận định, kinh tế số khu vực Đông Nam Á dự kiến tăng trưởng nhanh gấp đôi so với GDP hầu hết quốc gia trong khu vực và có thể đạt tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030 nếu có thể khai thác tối đa tiềm năng. Riêng kinh tế số của Việt Nam được dự báo có thể đạt 23 tỷ USD trong năm 2022 và khả năng chạm tới mức 52 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng kép là 24%.
Kinh tế số không còn là khẩu hiệu, mà thật sự đang ngấm dần, bao phủ trên mọi ngành nghề, lĩnh vực của đời sống. Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/3/2022 nhấn mạnh “nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển Quốc gia”. Trong đó, thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, phát triển kinh tế số là xu thế của thời đại, bởi nó không tiêu tốn nhiều tài nguyên, và chuyển đổi số được xem là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển một nền kinh tế số bền vững. Có thể nói, chuyển đổi số hiện nay đang len lỏi vào mọi ngành nghề, lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của nhân loại hàng chục năm qua. Cũng bởi vậy, những chính sách, cơ chế để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số ngày càng nhiều hơn. Năm 2022 với Việt Nam là một năm ghi nhận những bước nhảy vọt của chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, chuyển đổi số đã trở thành việc của toàn dân và được tiến hành toàn diện khi tất cả các bộ ngành và địa phương đã ban hành nghị quyết; và chương trình chuyển đổi số. “500 triệu tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam là con số chưa từng có. Các giao dịch về kết nối và chia sẻ dữ liệu tăng gần 5 lần; thậm chí các tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn bản đã được thành lập và đi vào hoạt động. Năm 2022 cũng là năm mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam "tấn công" mạnh mẽ thị trường nước ngoài, đầu tư kinh doanh, đi làm chuyển đổi số cho các nước phát triển như Mỹ, Nhật”, Bộ trưởng Hùng thông tin.
Trong tiến trình chuyển đổi số, có thể khẳng định ngân hàng là một trong những lĩnh vực luôn đi tiên phong. Theo đó NHNN đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, trong đó đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025 như: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động... Thực tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam đã và đang bước vào giai đoạn bùng nổ. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có ứng dụng ngân hàng số hàng đầu với tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong một thời gian ngắn. Không ít ngân hàng có tỷ lệ hơn 90% giao dịch khách hàng được thực hiện qua kênh số…
Ngành Thuế cũng triển khai ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile) với hệ thống các chức năng, dịch vụ, hỗ trợ dành cho người nộp thuế là cá nhân trên phạm vi toàn quốc nói riêng, đem lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý nhà nước và xã hội nói chung. eTax Mobile cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Hóa giải thách thức bằng nhiều yếu tố
Năm 2023 được dự báo là một năm có nhiều thách thức cả từ bên trong và bên ngoài đối với Việt Nam, khi là một nước có độ mở nền kinh tế tương đối lớn. Do đó những tác động khó lường từ kinh tế toàn cầu chắc chắn dội ảnh hưởng lên kinh tế Việt Nam trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhiều quốc gia đứng trước rủi ro suy thoái kinh tế, căng thẳng địa chính trị… Thêm nữa, những cú sốc vừa qua của thị trường trong nước cũng đòi hỏi chúng ta củng cố lại niềm tin cho nhà đầu tư để duy trì sức cạnh tranh.
Đặt trong bối cảnh và diễn biến hiện nay, xu hướng của các doanh nghiệp trên toàn cầu là tối ưu hóa vốn đầu tư, tiết kiệm chi phí... Chuyển đổi số cũng nhờ vậy sẽ được thúc đẩy hơn. Báo cáo của Google, Temasek và Bain&Company nhận định: Dịch vụ tài chính số được kỳ vọng phát triển vượt bậc. Lĩnh vực cho vay số đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) nhanh nhất ở mức 114% giai đoạn 2021-2022 và duy trì ở mức tăng 56% giai đoạn 2022-2025. Lĩnh vực đầu tư dự kiến sẽ có bước nhảy vọt với mức hơn 106% CAGR giai đoạn 2022-2025. Hơn nữa, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á trong thị trường tăng trưởng dài hạn của các quỹ đầu tư mạo hiểm với 83% quỹ đầu tư mạo hiểm kỳ vọng hoạt động thương vụ tại Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn.
Ở góc độ vĩ mô, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra tầm nhìn phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn; phát triển xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn. Các chiến lược về chuyển đổi số đã ban hành đều xác định rõ người dân là trung tâm; hay nói cách khác xây dựng một tương lai kỹ thuật số để phục vụ con người, mở ra cơ hội khai phá các giá trị mới, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy tính bao trùm.
Vậy làm sao để gia tăng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ số hóa? Muốn làm được điều này đòi hỏi phải tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo cập nhật dữ liệu thường xuyên, dữ liệu đáp ứng tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”, đảm bảo an ninh an toàn để tạo lập niềm tin số trên môi trường mạng; đồng thời có cơ chế kết nối, mở, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống của các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) để mở thêm không gian cho đối tượng này có cơ hội kết nối, thu hút đầu tư nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ bảo đảm chủ quyền đất nước, tính thượng tôn của pháp luật Việt Nam.
Chung tay chuyển đổi số lành mạnh, an toàn, bình đẳng, người dân được tiếp cận chuyển đổi số bao trùm và toàn diện, được hưởng thụ thành quả chuyển đổi số. Đổi mới sáng tạo là do con người, phải tập trung vào chuyển đổi số và phải có hạ tầng, con người và kết nối. Thể chế hóa quan điểm của Đảng về chuyển đổi số, trong đó có việc xây dựng chiến lược sản xuất chip. Việt Nam cần tính toán cẩn trọng trong việc lựa chọn sản xuất loại chip nào để thành công về mặt đầu tư cũng như thương mại hóa. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |