Ngành nông nghiệp nỗ lực thúc đẩy giải ngân đầu tư công
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn trung hạn mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được phân bổ là trên 70 nghìn tỷ đồng, đã được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp cho các dự án là hơn 69,9 nghìn tỷ đồng. Vốn đã được giao hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện 288 dự án là trên 62 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả 10% dự phòng), gồm 199 dự án có nguồn vốn ngân sách tập trung, 49 dự án có vốn trái phiếu Chính phủ và 40 dự án vốn ODA. Tỷ lệ giải ngân hàng năm đạt trung bình 90%, theo Bộ NN&PTNT.
Lũy kế đến ngày 31/7/2020, Bộ đã thực hiện giải ngân được gần 60 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ giải ngân bình quân 74,3%. Hiện còn 18 nghìn tỷ đồng (tương ứng 25,7% tổng nguồn vốn trong giai đoạn 2016 - 2020) chưa giải ngân.
Hệ thống ngăn mặn Đồng bằng sông Cửu Long |
Cũng theo Bộ NN&PTNT, đối với gần 18 nghìn tỷ đồng chưa giải ngân, từ nay đến cuối năm 2020, bộ sẽ tập trung giải ngân gần 10,5 nghìn tỷ đồng. Còn lại gần 8 nghìn tỷ đồng, Bộ sẽ giao vốn và giải ngân trong năm 2021. Tính riêng trong năm 2020, Bộ NN&PTNT sẽ cần giải ngân gần 14 nghìn tỷ đồng.
Riêng năm 2020, Bộ NN&PTNT được giao 17,324 nghìn tỷ đồng phải thực hiện, giải ngân, bao gồm trên 1,8 nghìn tỷ đồng vốn nước ngoài kế hoạch năm 2020 bộ đã xin trả lại do không có khả năng giải ngân. Tính chung các nguồn vốn, đến hết tháng 7, Bộ NN&PTNT giải ngân đạt 36,6%; dự kiến 9 tháng sẽ đạt 61,2% và cả năm sẽ đạt 94,1%.
Theo Bộ NN&PTNT, tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm là do trong quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện có một số dự án đầu tư các hồ thủy lợi từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ ở hợp phần xây dựng không vướng mắc về thủ tục, không tăng tổng mức đầu tư, tỷ lệ giải ngân cả năm 2020 sẽ đạt 100%. Tuy nhiên, ở hợp phần giải phóng mặt bằng, hiện các địa phương triển khai rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ hợp phần xây lắp, chưa đạt kế hoạch mà các tỉnh đã cam kết, tập trung ở 3 dự án lớn (hồ Cánh Tạng tỉnh Hòa Bình, hồ Krông Pách tỉnh Đắk Lắk và hồ Bản Mồng tỉnh Nghệ An) dẫn đến tỷ lệ giải ngân cả năm chỉ đạt 69%.
Phải khẳng định rằng, vốn đầu tư công trung hạn đã gián tiếp tạo hạ tầng rất quan trọng cho an sinh xã hội, kết cấu hạ tầng quan trọng cho xã hội cũng như ngành nông nghiệp. Nhất là việc đẩy nhanh một số công trình thủy lợi quan trọng bảo vệ nguồn nước ngọt, gia cố đê điều, hạ tầng thủy sản… chẳng những rút ngắn thời gian thực hiện, mà còn phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, kịp thời chống hạn mặn kỷ lục đầu năm, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tiêu biểu như âu thuyền Ninh Quới, cống Vũng Liêm, Bông Bót, Tân Dinh; Trạm bơm Xuân Hòa; 18 cống kiểm soát mặn Bắc Bến Tre giai đoạn 1, Nạo vét kênh Mây Phốp - Ngã Hậu). Kết quả này không chỉ giúp giảm tổn thất tối đa đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trong khu vực, mà hơn thế nữa đang góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm quốc gia cũng như giữ vững xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.
Đánh giá cao Bộ NN-PTNT đã luôn dành nguồn vốn dự phòng đầu tư công 10% để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, vì vậy đã xử lý được dứt điểm các tồn đọng, phát sinh của các dự án, ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng đây là kinh nghiệm rất tốt mà các bộ, ngành khác cần phải học hỏi. Thêm nữa, 2020 cũng là năm cuối giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, việc Bộ NN&PTNT đặt trọng tâm vào việc giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong năm 2020 với khoảng 10 nghìn tỷ đồng là trúng định hướng, và mục tiêu cần phải đạt tỷ lệ giải ngân 100%.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ, việc giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước. Bộ NN&PTNT cần tập trung tháo gỡ nút thắt, thúc đẩy giải ngân đầu tư công để đạt được mục tiêu đề ra. Bộ cũng cần phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng… và điều chỉnh vốn trong các công trình cho phù hợp.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần kiểm soát chặt quá trình đầu tư xây dựng gắn với phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhằm đảm bảo công trình đúng tiến độ và an toàn xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí. Trong giai đoạn tới, bộ cũng cần rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư cho các công trình quan trọng, cấp thiết như: điều tiết mặn ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long, neo đậu tàu cá, gia cố hồ đập, phòng chống thiên tai...
Đặc biệt trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã có chủ trương tăng mức đầu tư công lên từ 1,3-1,5 lần so với giai đoạn 2016-2020. Bởi không có đầu tư công thì không thể tạo ra hạ tầng tốt cho sản xuất và phát triển bền vững, không thể nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp nói riêng. Trong đó, có những công trình, dự án cần phải được ưu tiên đầu tư sớm, bởi đầu tư càng sớm, càng đi trước thì càng tạo ra hạ tầng tốt, môi trường tốt, có lợi để thu hút đầu tư vào sản xuất...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ để rà soát quy hoạch, trong đó ưu tiên tập trung cho các công trình, dự án cấp thiết như: Các công trình thủy lợi quan trọng, đa chức năng; các công trình phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; công trình ngăn mặn, giữ ngọt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển;...
Bên cạnh đó, cũng cần ưu tiên vốn đầu tư công cho việc nâng cao năng lực của ngành nông nghiệp, trước hết là năng lực quản lý nhà nước cả về con người và cơ sở vật chất. Nên lựa chọn các chương trình, dự án đích đáng, tập trung để cho ra những công trình, sản phẩm tiêu biểu, phát huy được hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, dở dang, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.