Nông nghiệp tháng 11: Khai thác thủy sản giảm nhẹ, chăn nuôi gặp khó khăn
Nỗ lực kiểm soát khai thác thủy sản |
Trong 11 tháng năm 2023, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 8,473 triệu tấn |
Sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng giảm nhẹ
Số liệu cho thấy, trong 11 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác biển đã giảm nhẹ so với cùng kỳ do ảnh hưởng của thời tiết ngư trường không thuận lợi và các tàu đánh bắt đã dần thực hiện nghiêm quy định chống đánh bắt IUU.
Tuy nhiên, trong 11 tháng năm 2023, tổng sản lượng thủy sản ước tính vẫn đạt 8,473 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt hơn 6 triệu tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 1,2 triệu tấn, tăng 5,2%; thủy sản khác đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 1,8%.
Tính riêng trong tháng 11/2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng trong khi sản lượng thủy sản khai thác giảm nhẹ.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng 11/2023 ước đạt 550.600 tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, cá đạt 368.100 tấn, tăng 4,2%; tôm đạt 121.400 tấn, tăng 7,8%.
Sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước do bắt đầu vào vụ thu hoạch cuối năm và xuất khẩu sang một số thị trường tăng cao. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 177.300 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Việc áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh giúp tăng sản lượng. Sản lượng tôm thẻ chân trắng trong tháng ước đạt 88.600 tấn, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 24.700 tấn, tăng 3,8%.
Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 285.700 tấn, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 214.400 tấn, giảm 0,2%; tôm đạt 13.300 tấn, tương đương cùng kỳ năm trước; thủy sản khác đạt 58.000 tấn, giảm 0,3%.
Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 265.200 tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của thời tiết ngư trường không thuận lợi và các tàu đánh bắt đã dần thực hiện nghiêm quy định chống đánh bắt IUU nên sản lượng khai thác giảm.
Ngành chăn nuôi gặp khó khăn
Tính đến cuối tháng 11/2023 , tổng số lượng gia súc, gia cầm đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Số lượng chăn nuôi lợn tăng 4%, gia cầm tăng 3%, bò tăng 0,6%, chỉ có số lượng trâu giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá thị lợn hơi thấp trong khi chi phí đầu vào cao, dịch tả lợn châu Phi quay trở lại ở một số địa phương. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi lợn tháng 11/2023 giảm 4,65% so với cùng kỳ năm trước và giảm 1,84% so với tháng trước.
Để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ gia súc, gia cầm trong nước, báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp chống đầu cơ, thao túng giá, đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi và người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh cần tổ chức hiệu quả việc tiêm vaccine; giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.