Phấn đấu hoàn thành dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong năm 2019
Nghiên cứu làm đường cao tốc đi qua 3 tỉnh Nam Định - Ninh Bình - Thái Bình | |
Cao tốc Bắc – Nam nhánh đông: Lợi nhuận/vốn chủ sở hữu quá cao? | |
Chốt phương án đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông |
Theo đó, để đáp ứng yêu cầu giao thông vận tải của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án đầu tư, sắp xếp thứ tự ưu tiên để cân đối với khả năng đáp ứng về nguồn lực. Trong đó tập trung tháo gỡ được các nút thắt chính về giao thông của vùng ĐBSCL.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, đối với tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đặc biệt là Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận và Dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ: Đây là 2 dự án trọng điểm, có ý nghĩa quyết định tháo gỡ nút thắt, kết nối giao thông giữa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, tạo ra tuyến giao thông đối ngoại của Vùng, góp phần phần nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm triển khai dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, phấn đấu hoàn thành trong năm 2019; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trên tinh thần công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân trong Vùng, đưa toàn tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ vào hoạt động trước năm 2020.
Với 2 cụm dự án chính thuộc tuyến N2: Cụm dự án cầu Cao Lãnh và đoạn tuyến kết nối tới cầu Vàm Cống, yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2017; cụm dự án từ cầu Vàm Cống đến tỉnh Kiên Giang, phải hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2018. Ngoài ra, cần triển khai các dự án nâng cấp Quốc lộ 30 để kết nối giữa tuyến N2 với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ và Quốc lộ 1.
Đối với tuyến Quốc lộ 60, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với tuyến Phụng Hiệp - Cà Mau, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu giao kết nối giao thông trong Vùng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để tổng hợp nhu cầu đầu tư của các địa phương trong Vùng và cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch phân bổ hợp lý vốn đầu tư.
Nâng cao vận tải đường thủy nội địa trong Vùng
Đồng thời, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương trong Vùng tổ chức thực hiện việc nạo vét các cửa sông, cửa biển, luồng lạch, giao thông thủy nội địa để nâng cao năng lực vận tải của đường thủy nội địa trong Vùng; phối hợp với các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan có liên quan sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng dự án cảng than nhằm đáp ứng yêu cầu về vận tải than cho các nhà máy nhiệt điện ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân, tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông đang thực hiện hoặc đã được phê duyệt.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu vật liệu thay thế cát xây dựng truyền thống và cát san nền để đáp ứng nhu cầu cát cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND các địa phương rà soát lại quy hoạch liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi ở lòng sông, cửa sông, các luồng lạch, khu vực cảng biển; thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch (nếu thấy cần thiết), làm cơ sở cho việc cấp phép khai thác cát, sỏi theo đúng quy định của pháp luật, gắn với việc bảo vệ bờ sông, bờ biển, chống sạt lở đất.
UBND các địa phương có liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và Nhà đầu tư làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư đối với các Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn.
Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các Bộ, ngành liên quan, các Nhà đầu tư, đơn vị tư vấn phải nâng cao trách nhiệm, năng lực trong quá trình triển khai các Dự án; tăng cường phối hợp với các địa phương có liên quan, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn trong thi công, không gây ô nhiễm môi trường; bảo đảm đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân trong Vùng.