Phát huy vai trò chủ lực của đầu tư công
Đầu tư công cần “lĩnh ấn tiên phong” | |
"Cửa sáng" cho cổ phiếu đầu tư công | |
Thúc đẩy giải ngân đầu tư công: Động lực cho tăng trưởng |
Khẩn trương vào cuộc ngay từ đầu năm
Có thể thấy, không khí khẩn trương trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công đã lan tỏa ngay từ những ngày đầu năm trong bộ máy các cơ quan Chính phủ. Ngày đầu năm mới 2023, đồng loạt 12 dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được khởi công. Tại sự kiện này, Bộ Giao thông - Vận tải đã phát động phong trào thi đua “Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông”, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát động “Tháng cao điểm giải ngân đầu tư công”, thi công xuyên Tết tại các dự án giao thông trọng điểm.
Nhìn lại sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, mặc dù năm 2023 còn khó khăn hơn so với năm 2022, song các cơ quan, ban ngành đã sẵn sàng tâm thế và vào cuộc ngay từ những ngày đầu năm. Với việc khẩn trương triển khai các dự án động lực, Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công - động lực chủ chốt để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023. Ngay trong những tháng đầu năm 2023, công tác phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công của năm đã hoàn thành 90% khối lượng. Đây là yếu tố rút ngắn việc “chạy đua với thời gian”, bởi nếu so với năm 2022, phải đợi tới thời điểm cuối quý III thì công tác phân bổ vốn mới hoàn thành, khiến khối lượng công việc trong các tháng cuối năm càng dồn dập, và kết quả chung cuộc đạt thấp hơn so với kỳ vọng.
Muốn thu hút được vốn đầu tư ngoài nhà nước thì vốn đầu tư công phải được triển khai nhanh, mạnh |
Một nút thắt khác đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng đã được Chính phủ nhận diện và đưa ra giải pháp ngay trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Đó là chấn chỉnh, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nêu cao vai trò người đứng đầu. So với Nghị quyết 01 năm 2022, Nghị quyết 01 năm nay nhấn mạnh một số yêu cầu mới đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Đó là bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và nhất là “không chuyển trạng thái đột ngột”, không giật cục trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả. “Nghị quyết 01 đã tập trung vào các giải pháp cải cách và tổ chức thi hành thực chất hơn, trách nhiệm hơn, mang lại môi trường đầu tư thông suốt, thuận lợi hơn nữa”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Là cơ quan chắp bút xây dựng Nghị quyết 01, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt lưu ý tới vai trò của công tác điều hành đối với thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh hiện nay. Ông Phương lý giải, Nghị quyết 01 yêu cầu các bộ, ngành cần chủ động nắm bắt thông tin, đề xuất giải pháp rõ ràng để ứng phó trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Yếu tố khác là linh hoạt trong bối cảnh các điều kiện vĩ mô còn nhiều bất định, dễ thay đổi, các cơ quan, ban ngành phải thích ứng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nếu cứng nhắc quá thì khó thành công.
Giao quyền chủ động gắn với trách nhiệm
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá, quyết tâm thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công đã được Chính phủ thể hiện rõ và tạo sức ép thực thi xuống từng bộ, ngành, đơn vị ngay trong Nghị quyết 01. Ông Kiên phân tích, về cơ bản, Nghị quyết vẫn nêu các đầu việc cụ thể cần triển khai trong năm của từng bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên có điểm mới là Chính phủ giao quyền chủ động hơn cho các đơn vị trong giải ngân đầu tư công. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương có quyền quyết định ưu tiên công việc nào làm được trước thì làm trước để sớm phát huy hiệu quả; công việc nào chưa làm được thì để sau, đồng thời chủ động phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp.
Ông Kiên cũng đề xuất, cùng với nêu cao trách nhiệm của các cấp thực thi, cần tiếp tục rà soát và tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong giải ngân. Cụ thể là nên duyệt và cấp ngân sách theo tiến độ dự án, thay vì theo gói ngân sách hàng năm, để tiền được đưa vào đúng những dự án giải ngân tốt, sớm phát huy hiệu quả. “Muốn thu hút được vốn đầu tư ngoài nhà nước thì vốn đầu tư công phải được triển khai nhanh, mạnh, chứ không thể nhỏ giọt”, ông Kiên quả quyết.
Cùng với sự vào cuộc khẩn trương của các cấp trung ương, tháng đầu năm đã ghi nhận nhiều chuyển động tích cực của địa phương. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong tháng 1/2023, khi lần lượt đạt hơn 2.698 tỷ đồng và 1.638 tỷ đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng luôn là nút thắt lớn nhất trong triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố. Vì vậy ngay từ đầu năm tất cả các cơ chế, chính sách có liên quan đã được lãnh đạo thành phố rà soát, nhận diện và có sự chuẩn bị từ sớm. Từ đó, thành phố tiến hành phân cấp, ủy quyền để tập trung gỡ khó giải phóng mặt bằng và triển khai các dự trọng điểm là Vành đai 4; 3,5; 3 và các dự án giao thông liên kết vùng. Vừa qua, Hà Nội cũng ban hành cơ chế chung cho toàn bộ các quận, huyện trên Vành đai 4 để triển khai đồng bộ và thống nhất.
Đối với TP. Hồ Chí Minh, năm 2022 tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt chưa đến 70% kế hoạch vốn được giao. Bước sang 2023 là năm trọng điểm triển khai đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư mà thành phố được giao là hơn 70.000 tỷ đồng, cao gấp gần 2 lần so với năm 2022. Xác định đây là thách thức không nhỏ, nên lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã rút kinh nghiệm từ các năm trước, sớm phân bổ vốn ngay từ những ngày đầu năm và vạch ra nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân nhanh hơn.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố yêu cầu đối với dự án đã được phân bổ vốn, chủ đầu tư phải có kế hoạch triển khai ngay. Đến tháng 7 nếu không làm rõ được kế hoạch giải ngân, thành phố sẽ điều vốn sang dự án khác. Với dự án còn trong danh mục dự phòng, TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân chuyên đề vào tháng 3 tới để phân bổ tiếp, tránh việc tiền nằm đọng một chỗ chờ dự án. Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền khi phân loại các nhóm dự án đầu tư công và đối với mỗi nhóm thì quy rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ quản và chủ đầu tư. Cùng với đó là yêu cầu rút ngắn tối đa các thủ tục hành chính liên quan đến dự án để giảm 30% thời gian so với quy định. Năm 2023, TP. Hồ Chí Minh cũng tiếp tục áp đầu tư công là một trong những chỉ tiêu để xếp loại thi đua đối với các cấp lãnh đạo thành phố.