Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đại biểu băn khoăn về tính khả thi Luật hỗ trợ DNNVV | |
Luật Hỗ trợ DNNVV: Thu hẹp đối tượng thụ hưởng | |
Đột phá tư duy để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Luật được thông qua cho biết, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 6), theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định để thu hút các nguồn lực của xã hội ngoài ngân sách, bởi việc quy định căn cứ vào điều kiện ngân sách của từng địa phương để hỗ trợ mặt bằng sản xuất, đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo chỉ tạo điều kiện cho các tỉnh có nguồn thu, còn tỉnh nghèo về điều kiện kinh tế, ngân sách còn khó khăn thì sẽ rất khó khăn thực hiện do không có nguồn thu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và báo cáo: Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội ngoài ngân sách như khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm DNNVV, hình thành các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, chuỗi phân phối sản phẩm, công nhận địa vị pháp lý của Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân… "Trong điều kiện nguồn lực ngân sách Nhà nước có hạn, từng địa phương cũng có điều kiện kinh tế khác nhau, quy định như dự thảo Luật nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của từng địa phương trên cơ sở phù hợp lợi thế so sánh nhằm hỗ trợ DNNVV trên địa bàn thiết thực nhất", Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết.
Đối với hỗ trợ tiếp cận tín dụng (Điều 8), có ý kiến cho rằng hỗ trợ tiếp cận tín dụng quy định tại dự thảo Luật còn rất chung chung, khó có thể xác định cụ thể DNNVV được hỗ trợ những gì, đơn vị nào hỗ trợ; việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV quy định như dự thảo Luật không có gì ưu đãi, ưu việt hay thuận lợi cho DNNVV; cần quy định rõ nguyên tắc thời điểm, phương pháp, cung cấp thông tin trong xếp hạng tín dụng doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của hệ thống ngân hàng thương mại và bảo vệ quyền lợi của DNNVV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và cho rằng, Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, có quy định cụ thể một số chính sách hỗ trợ tín dụng với DNNVV. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Dự thảo Luật đã tiếp thu bỏ những quy định mang tính áp đặt, can thiệp trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng; đồng thời bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng hệ thống thông tin phục vụ xếp hạng tín nhiệm DNNVV; khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn độc lập để tăng cường xã hội hóa việc xếp hạng tín nhiệm DNNVV.
Được biết, Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV cuối năm 2016. Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV, dự án Luật tiếp tục được thảo luận. Sau khi được tiếp thu và chỉnh lý, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV bao gồm 4 chương và 35 điều.