Thực phẩm bẩn vẫn tuồn ra thị trường
Thực phẩm bẩn vẫn tung hoành | |
Ai cho lương thiện? |
Khó kiểm soát
Thời gian gần đây, thực hiện chương trình “thành phố 4 an”, các cơ quan chức năng ở TP. Đà Nẵng đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn trên thị trường. Song trên thực tế, bằng cách này hay cách khác, thực phẩm bẩn vẫn âm thầm, lén lút tuồn ra thị trường, gây nhiều lo lắng bất an cho người tiêu dùng.
Thực phẩm hè phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ |
Năm 2016, chỉ tính riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng đã phát hiện 175 trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính số tiền 370 triệu đồng. Còn từ đầu năm 2017 đến nay, các ngành chức năng ở Đà Nẵng cũng đã phát hiện xử lý hàng chục trường hợp vi phạm các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Trong đó, có thể kể đến vụ cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thành phố phát hiện, bắt giữ đối tượng Phạm Thanh Hoàng, trú quận Cẩm Lệ đang vận chuyển 600 kg sụn gà không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tương tự, cảnh sát môi trường địa phương cũng đã phát hiện cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Văn Ri, trên địa bàn quận Liên Chiểu đang cất giữ, chế biến trái phép gần 300kg nội tạng động vật. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các loại giấy tờ về kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy phép kinh doanh.
Ngoài ra, còn có thể kể đến vụ công an phát hiện 7 tấn mực đen bốc mùi hôi thối, 1 xe chở sản phẩm động vật hôi thối không có giấy tờ chứng minh và không có giấy kiểm dịch đang trên đường đi tiêu thụ trên thị trường.
Ngoài các vụ án do lực lượng công an phát hiện, chỉ trong một thời gian ngắn Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng cũng đã kiểm tra, xử phạt 36 cơ sở sản xuất, phân phối thực phẩm vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm với số tiền 58 triệu đồng. Đặc biệt, mới đây trong đợt kiểm tra mẫu thực phẩm các cơ quan chức năng của thành phố lại tiếp tục phát hiện 2 mẫu măng tươi có chứa chất Auramine O (chất vàng ô), hóa chất được sử dụng trong công nghiệp nhuộm vải, gỗ, giấy, làm sơn quét tường, bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm...
Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản TP. Đà Nẵng cho biết, cả hai tiểu thương cung cấp măng tươi đều khai báo nhập măng từ một chủ cung cấp tại Kon Tum. Sau đó, đơn vị đã cung cấp địa chỉ để địa phương tiến hành kiểm tra cơ sở này và xác định có sử dụng chất vàng ô trong bảo quản, chế biến măng tươi.
Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 300 hộ sản xuất kinh doanh rượu. Tuy nhiên, con số đăng ký giấy phép kinh doanh mới chỉ dừng lại ở 2 DN và 3 cơ sở, số còn lại là tự phát, nhỏ lẻ. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng chức năng cũng đã tịch thu 4.890 chai rượu các loại, 32 lít rượu không có nguồn gốc. Việc kiểm soát rượu “3 không”, gồm không nhãn mác, không địa chỉ sản xuất, không thành phẩm vẫn đang gặp nhiều khó khăn...
Theo Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, công an TP. Đà Nẵng, qua công tác kiểm tra, hầu hết các cơ sở kinh doanh lớn, có thương hiệu, việc chấp hành các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, đối với các cơ sở nhỏ lẻ, chế biến tự phát vì lợi nhuận vẫn lén lút tuồn thực phẩm không rõ nguồn gốc vào chế biến, bán cho người tiêu dùng.
Tăng cường phối hợp
Thực tế hiện nay, như nhiều địa phương khác trong cả nước tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, ăn uống khiến thực phẩm bẩn, mất an toàn vệ sinh có thêm nhiều “đất sống” ở Đà Nẵng. Nhiều sản phẩm đã chế biến sẵn, không bao gói như nem, tré, chả tại các chợ hiện nay vẫn chưa ghi nhãn mác. Điều này khiến việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc xuất xứ gặp khó.
Gần đây, do giá heo trên thị trường xuống thấp, một số hộ dân đã chung nhau tiền về các địa phương lân cận như: Quảng Nam hay Thừa Thiên - Huế mua heo về rồi tự giết mổ. Phong trào này càng gây nên những mối lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.
Nhằm ngăn chặn việc thực phẩm bẩn vẫn lén lút tuồn ra thị trường TP. Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Trong đó, có việc tăng cường sự phối hợp của các cơ quan chức năng và giữa các quận, huyện trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã thành lập ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc thành lập ban chỉ đạo liên ngành đã góp phần tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành với địa phương trong việc chuẩn bị, triển khai, thực hiện và kiểm tra về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; Theo dõi các hoạt động về lĩnh vực an toàn thực phẩm, tiếp nhận thông tin của các tổ chức, cá nhân; tham mưu cho chính quyền xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.
Đặc biệt, với vai trò là “cầu nối” giữa UBND thành phố với các sở, ngành, quận, huyện trong công tác giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, ban chỉ đạo liên ngành đã liên tục thông tin để đưa lên kho dữ liệu về an toàn thực phẩm của thành phố trên địa chỉ: ttp://opendata.danang.gov.vn, nhằm hỗ trợ tốt hơn công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trên đó, kịp thời cung cấp danh sách các cơ sở sản xuất, chế biến, thực phẩm, nuôi trồng; Cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, căng tin, bếp ăn tập thể... được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh, việc thành lập ban chỉ đạo liên ngành TP. Đà Nẵng đã và đang tăng cường kết nối, phối hợp với các địa phương khác nhằm cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố. Đến nay, có khoảng 160 cơ sở kinh doanh rau củ trong cả nước nhập hàng về Đà Nẵng.
Thêm một giải pháp nữa đã được ông Nguyễn Đình Phúc, Phó giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng đưa ra nhằm ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn đó là việc xây dựng chợ văn minh, thương mại, bảo đảm các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài việc ngăn chặn từ xa, lực lượng chức năng của thành phố vẫn sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn.
Đại tá Trần Thanh Nhơn cho biết thêm, lực lượng cảnh sát môi trường công an thành phố và công an các quận, huyện sẽ tăng cường kiểm tra tất cả các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, xử lý nghiêm thậm chí đề xuất thu giấy phép kinh doanh đối với những trường hợp tái phạm....