Tìm cơ hội đầu tư cuối năm
TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Theo đánh giá của ông, hiện nay có những kênh đầu tư nào có thể mang khả năng sinh lời?
Hiện các kênh đầu tư truyền thống mà nhà đầu tư (NĐT) có thể tham gia là gửi tiết kiệm, vàng, BĐS, chứng khoán.
Trong tất cả các kênh này, tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng luôn là kênh đầu tư được khá nhiều người lựa chọn cho dù lãi suất tiền gửi đang có xu hướng giảm, song đây là kênh đầu tư rất an toàn và còn giúp các NĐT thuận tiện trong cả giao dịch khác...
Còn với vàng, mặc dù hiện giá vàng đã tăng khá mạnh so với đầu năm do lo ngại kinh tế toàn cầu giảm tốc vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên giá vàng có những thời điểm cũng đảo chiều giảm khá mạnh. Đơn cử như thời điểm tháng 4/2020 vừa rồi, vàng thế giới có lúc lên hơn 2.200 USD/oz, nhưng giờ chỉ còn dưới 1.900 USD/oz. Điều đó khiến cho kênh đầu tư này cũng vô cùng rủi ro và chỉ phù hợp với những NĐT có kiến thức. Mặc dù hiện có khá nhiều dự báo giá vàng sẽ tăng, song cũng có nhiều dự báo là giá vàng có thể đảo chiều giảm mạnh nếu như đại dịch Covid-19 được kiểm soát và thế giới tìm ra vắc-xin chữa trị. Do vậy, các NĐT không nên vội vàng đầu tư khi thấy giá vàng lên cao.
Một kênh đầu tư hấp dẫn nữa là chứng khoán. Cũng tương tự như vàng, kênh chứng khoán cũng dựa vào yếu tố kiểm soát dịch bệnh và ổn định chính trị. Nên thị trường chứng khoán cả trên thế giới cũng như Việt Nam biến động khá mạnh cả chiều tăng và giảm. Vì vậy, các NĐT cần phải theo dõi sát thị trường, chắc ăn nhất nên tìm mã cổ phiếu của DN có uy tín, thực lực tài chính. Những công ty tình hình tài chính không tốt, dù giá có thấp, thị trường có tăng điểm cũng hết sức cẩn thận, hạn chế đầu tư cổ phiếu vào những công ty như vậy.
So với các kênh đầu tư trên thì thị trường BĐS cả trên thế giới và tại Việt Nam tương đối ổn định ngay cả thời gian dịch bệnh. Tại Việt Nam, trừ 1 số phân khúc nhà ở nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch ở một số địa phương gặp khó khăn. Còn lại nhiều phân khúc BĐS tình hình khả quan, giá nhà không chỉ giữ giá, thậm chí nhiều nơi còn tăng.
Cuối cùng là kênh đầu tư ngoại tệ. Do chính sách tỷ giá được NHNN điều hành tốt nên tỷ giá giữ ổn định, không những không tăng mà còn giảm. Nên đây không còn là kênh đầu tư mang sinh lời về cho NĐT nữa.
Vậy, theo ông trong thời gian tới, kênh đầu tư nào sẽ chiếm ưu thế?
Điều này còn tuỳ vào khẩu vị đầu tư, rủi ro của các NĐT. Trong tất cả kênh hiện tại nếu tìm kênh sinh lời nhanh nhất và cao nhất chỉ có vàng, nhưng đây cũng lại là kênh rủi ro nhất do biến động nhanh. NĐT có thể xem xét kênh đầu tư BĐS về lâu dài vì đây vẫn là thị trường tiềm năng. Nhất là sang năm 2021 nếu Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, kinh tế sớm hồi phục, thị trường BĐS cũng sẽ tăng trưởng trở lại. Nhưng phải chọn phân khúc thị trường phát triển bền vững, ở vị trí đẹp, đắc địa, tránh đầu cơ nóng.
Kênh chứng khoán thì có thể đầu tư nhưng như nói ở trên diễn biến của thị trường này rất mạnh nên đây không phải là kênh đầu tư cho những tay mơ.
Nhìn chung dù không kiếm lời nhanh nhưng gửi tiết kiệm là cần thiết cần phải có đối với mỗi người bởi kênh đầu tư này không chỉ mang lại khoản sinh lời khá hấp dẫn mà còn là kênh an toàn nhất cho NĐT.
Hiện tại vẫn có ý kiến nhận định, vẫn còn dư địa để giảm lãi suất. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tôi nghĩ, không nên giảm lãi suất tiết kiệm. Dù thanh khoản ngân hàng vẫn đang tích cực nhưng nếu cứ giảm lãi suất liên tục như vậy có thể người dân rút tiền gửi từ ngân hàng đầu tư vào kênh khác không chỉ tạo ra đầu tư tài chính nóng mà có thể tạo bẫy thanh khoản khiến cho ngân hàng đối diện thêm những khó khăn. Mặt khác, so với tỷ lệ lạm phát hiện tại xấp xỉ 4%/năm thì mức lãi suất huy động hiện tại là hợp lý vẫn đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền, tạo điều kiện cho ngân hàng đưa lãi suất cho vay về mức phù hợp cho khách hàng. Chúng ta không nên so sánh lãi suất huy động của ngân hàng Việt Nam với nhiều nước trên thế giới vì ở các nước đó lạm phát họ ở mức rất thấp, đồng tiền có tính thanh khoản cao.
Xin cảm ơn ông!