Tương lai nào cho chợ truyền thống?
TP.HCM: Nâng cao chất lượng bình ổn giá ở chợ truyền thống TP.HCM: Khoảng 15.000 đơn hàng được bán thông qua “Chợ truyền thống trực tuyến” |
Nhiều gian hàng ế ẩm, đóng cửa
Kinh doanh tại một trong những khu chợ truyền thống lâu đời và nổi tiếng của Hà Nội, bà Nguyễn Ngọc Thủy - chủ ki-ốt vải tại chợ Hôm chia sẻ, hơn 10 năm kinh doanh tại chợ, chưa lúc nào thấy khó khăn như lúc này. Hiện tại, khách mua sỉ hay lẻ đều vắng bóng.
Tương tự, chợ Mơ có diện tích khoảng 11.000m2 được quy hoạch để kinh doanh đa dạng mặt hàng. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, các tiểu thương ở đây cho biết, việc kinh doanh càng ngày càng khó khăn hơn trước. Để vào chợ, khách phải gửi xe ở bên ngoài, leo thang bộ và khó tìm đến gian hàng; hơn nữa, nhiều mặt hàng tại chợ truyền thống hiện khó cạnh tranh với các trung tâm thương mại hay các sàn giao dịch điện tử. Nhiều ki-ốt do không bán được hàng đã buộc phải bán, sang nhượng hoặc thậm chí đóng cửa.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Công thương cho biết, thành phố có 233 chợ nhưng hiện chỉ có 225 chợ hoạt động. Bên cạnh việc ngừng hoạt động do cơ sở vật chất xuống cấp, hay rà soát để chuyển đổi công năng cho phù hợp thì nhiều chợ truyền thống đang phải đối mặt với tình trạng kinh doanh khó khăn, đặc biệt là với nhiều ngành hàng không thiết yếu.
Chợ truyền thống đang tìm hướng phát triển phù hợp |
Tìm giải pháp mới cho riêng mình
Theo các chuyên gia, hiện đa số các chợ truyền thống đều có vị trí được quy hoạch hợp lý, vị trí rất đẹp; tiểu thương trong các khu chợ truyền thống được chuyển đổi sang mô hình chợ kết hợp trung tâm thương mại, được ưu đãi tiền thuê ki-ốt. Tuy nhiên, kiến trúc chợ không thu hút; không gian văn hóa, giao thông bên trong chợ không được đầu tư... Đó là những vấn đề cần xử lý để chợ truyền thống trở thành điểm đến hấp dẫn hơn, có cơ hội phát triển song hành với các kênh phân phối khác.
Trước bối cảnh này, ông Nguyễn Hoàng Dũng, chuyên gia về phát triển bền vững kiến nghị, cần các biện pháp hiệu quả hỗ trợ các tiểu thương tìm kiếm nguồn hàng, tìm kiếm thị trường; cách thức kinh doanh mới, mô hình mới, nâng cao nhận thức về văn hóa kinh doanh. Cùng với đó, cần có các kênh đào tạo miễn phí cho các tiểu thương, hộ sản xuất kinh doanh về kết hợp bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0, về kinh doanh bền vững...
Bên cạnh đó, các chợ truyền thống cũng cần chủ động tìm hướng đi mới, trong đó cần tận dụng tốt tiềm năng từ thương mại du lịch. Ông Vũ Hà Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết, doanh nghiệp đang hướng tới xây dựng chợ Đồng Xuân thành chợ du lịch. Hiện mỗi năm chợ Đồng Xuân đón từ 200 - 300 nghìn khách quốc tế đến tham quan, mua sắm. Mới đây, công ty triển khai xây dựng các ngành hàng kiểu mẫu tại tầng 1 để phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan của khách du lịch. Bên cạnh việc bán hàng đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiểu thương tại chợ còn tích cực học thêm tiếng Anh để có thể giao tiếp với khách nước ngoài.