Xuất khẩu thủy sản khó đạt mục tiêu 10 tỷ USD
Xuất khẩu thủy sản khó bứt phá trong ngắn hạn Nông nghiệp tháng 11: Khai thác thủy sản giảm nhẹ, chăn nuôi gặp khó khăn Doanh nghiệp thủy sản phải tiếp “quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra” |
Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản cần tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi. |
Ngày 21/12/2023, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024.
Cục Thủy sản cho biết, ước tính đến hết tháng 12/2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022. Trong đó, khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương với năm 2022; nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.
So với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 102,4% (9,05 triệu tấn); trong đó sản lượng khai thác vượt 4,9%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra (giảm còn 3,68 triệu tấn); sản lượng nuôi trồng đạt 100,7%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, kém 0,8 tỷ USD so với kế hoạch đề ra 10 tỷ USD.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,5 triệu m³ lồng nuôi biển. Trong đó, nuôi biển tăng 5,5%, bao gồm 4,3 triệu m³ lồng nuôi cá biển; 5,2 triệu m³ lồng nuôi tôm hùm và 57 nghìn ha nuôi nhuyễn thể. Tổng sản lượng nuôi biển đạt 789,8 nghìn tấn, tăng 10,1% so với năm 2022, gồm cá biển 46 nghìn tấn; tôm hùm 3,8 nghìn tấn; nhuyễn thể 440 nghìn tấn; đối tượng khác 300 nghìn tấn.
Ông Nhữ Văn Cẩn - Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản không đạt kế hoạch đề ra do xung đột chính trị giữa các nước. Trong đó, ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine kéo dài, giao tranh giữa Israel - Hamas, tình hình bất ổn tại Trung Đông... khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhu cầu nhập khẩu thủy sản tại các thị trường này giảm mạnh.
Ngoài ra, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistic cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp; Ủy ban Châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam.
Đồng quan điểm trên, đại diện Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cho rằng sẽ còn rất nhiều khó khăn ở phía trước và xuất khẩu thủy sản chưa có chiều hướng tích cực ở năm sau. Nguyên nhân do nguồn lợi hải sản suy giảm; Ủy ban châu Âu vẫn giữ cảnh báo “thẻ vàng”, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục...
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, số lượng tàu cá có xu hướng giảm dần nhưng chưa nâng cao giá trị sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản còn ở mức cao. Sản lượng khai thác thủy sản chưa giảm đáp ứng chi tiêu chiến lược đề ra.
Hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành, công tác duy tu, bão trì chưa được địa phương quan tâm, bố trí kinh phí thực hiện theo quy định.
Năm 2024 ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương so với ước thực hiện năm 2023. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,54 triệu tấn, giảm 8,3% so với năm 2023; sản lượng nuôi trồng 5,68 triệu tấn, tăng 5% so với ước năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD.
Ông Trần Đình Luân cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần tiếp tục tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi và chuỗi ngang. Trong lĩnh vực khai thác cần truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; khai thác phải phù hợp trữ lượng nguồn lợi, bảo đảm an toàn thực phẩm trên tàu cá, cảng cá về đến nhà máy.
"Cùng với tăng cường liên kết doanh nghiệp với chuỗi giá trị thủy sản, gỡ khó về thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, ngành tiếp tục giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản", ông Trần Đình Luân chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Trung - Trưởng phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (Cục Thủy sản) cho rằng, cần hoàn thiện phần mềm Nhật ký điện tử phục vụ truy suất nguồn gốc thủy sản, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý khai thác tại địa phương.
Số hóa dữ liệu là cơ sở quan trọng để quản lý, điều hành, minh bạch nghề cá. Sản lượng, nguồn lợi khai thác, số lượng tàu, số lao động thuyền viên tàu qua cảng vào bao nhiêu để quản lý được phải áp dụng công nghệ số, phần mềm quản lý vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm nguồn lực.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng phải kiểm soát chặt chẽ sản xuất an toàn thực phẩm sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc và xác nhận cam kết chống khai thác bất hợp pháp, phát triển thủy sản đạt chứng nhận quốc tế.
"Cần theo dõi, hướng dẫn, xử lý về chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác và quản lý, kiểm tra tàu cá tại cảng của các địa phương, đảm bảo tuân thủ các quy định về IUU", ông Phùng Đức Tiến yêu cầu.