Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tiền có mà tiêu không được
Bộ Tài chính khẳng định quyết tâm thu ngân sách vượt dự toán | |
Vốn nào cho đường bộ cao tốc Bắc - Nam? | |
Xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước - Xử lý nợ đọng - cách nào? |
Có 50.000 tỷ, 6 tháng giải ngân được 5.000 tỷ
Chiều 4/7/2017, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện trong 6 tháng đầu năm và xây dựng Nghị quyết của Chính phủ để thúc đẩy nhiệm vụ này.
Phó Thủ tướng rất không hài lòng vì tiến độ giao vốn và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2017 rất chậm “làm ảnh hưởng rất tiêu cực tới việc làm, thu ngân sách Nhà nước, tăng trưởng kinh tế và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn”. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo phải công khai minh bạch, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân gây cản trở, thiếu trách nhiệm trì trệ trong giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công.
Ảnh minh họa |
Ngày 5/7/2017, một lần nữa, Phó Thủ tướng lại thúc đẩy tiến độ giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “giao vốn chậm, giải ngân thấp là yếu kém then chốt cần phải có giải pháp tháo gỡ… Trách nhiệm này trước hết thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng ngành Tài chính cũng phải chia sẻ một phần trách nhiệm do phối hợp chưa tốt”.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những khó khăn và trách nhiệm của ngành Tài chính là giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Ông nhấn mạnh: Vốn ngân sách từ năm trước chuyển sang năm nay tính đến nay chưa giải ngân được là 300.000 tỷ đồng. Với tính chất “vốn mồi”, nếu 300.000 tỷ đồng này được giải ngân kịp thời, có thể thu hút khoảng 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư của xã hội cho phát triển kinh tế.
Bộ Tài chính cho biết trong 6 tháng đầu năm đã phát hành 125.700 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, vay 43.000 tỷ đồng từ Bảo hiểm Xã hội nên đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách và trả nợ gốc tiền vay của NSNN theo dự toán; giải ngân vốn vay ODA và vay ưu đãi được 1.490 triệu USD, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán và đầu tư các chương trình, dự án.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng than rằng: “Có tiền mà không tiêu được”. Riêng vốn trái phiếu Chính phủ, kế hoạch là 50.000 tỷ đồng nhưng đến hết tháng 6 mới giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng, bằng 10,4% dự toán Quốc hội quyết định, nên tiến độ giải ngân chỉ đạt 1,8% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 17,1% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2016 đạt 21,8% dự toán).
Tiền đang dư
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Tiền đang dư. Nếu đủ hồ sơ, Bộ Tài chính có thể giải ngân vốn trong 1 ngày, không cần đến 3 ngày như quy định”. Nhưng e rằng năm nay không giải ngân nổi hết kế hoạch, ông nói: “Triển khai dòng vốn quá chậm, năm ngoái cũng vậy, giờ cũng vậy. Nếu vẫn thế này tới cuối năm nay chưa chắc đã giao được, vì thủ tục đầu tư còn rất nhiều khâu (ở bộ khác – PV)”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải báo cáo: tiến độ giải ngân vẫn chậm so với yêu cầu do công tác triển khai phân bổ dự toán muộn; một số dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư theo quy định, hoặc đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu... nên chưa triển khai thực hiện và giải ngân vốn.
Đến hết tháng 6 vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN giải ngân ước đạt 29,5% dự toán (cùng kỳ năm 2016 đạt 29,4% dự toán), và tổng chi đầu tư phát triển đến hết tháng 6 mới đạt 25,6% dự toán (cùng kỳ năm 2016 đạt 26,8% dự toán).
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phản ánh: “Tiến độ bố trí vốn năm 2017 rất muộn nên khó giải ngân. Đà Nẵng phải chờ đến ngày 28/4/2017 mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quyết định giao vốn. Đến hết tháng 6 mới giải ngân được 27% kế hoạch”.
Theo Thứ trưởng Hải, trong quá trình điều hành, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát để trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ chi NSNN tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, đã hướng thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Bộ đã phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bộ cũng có báo cáo định kỳ với Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân vốn đầu tư công và kiến nghị các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2017.
Bộ trưởng Dũng cho biết: Nút thắt trong thủ tục giải ngân vốn phát sinh từ năm 2016, khi đó Bộ Tài chính đã kiến nghị sửa Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công để tháo gỡ nhưng chưa có kết quả. Nay không thể chờ sửa luật nên cần sửa ngay Nghị định để tháo gỡ, vì nếu giải ngân được vốn kế hoạch 2017, nền kinh tế sẽ có 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư, tạo dư địa cho thu ngân sách, tái cơ cấu, giải quyết nợ xấu ở NHTM...
Đánh giá cao những nỗ lực của ngành Tài chính, Phó Thủ tướng cho biết: “Chính phủ đã đánh giá Bộ Tài chính là một điểm sáng trong điều hành”. Phó Thủ tướng lưu ý “Các ý kiến Bộ Tài chính nêu ra đều buộc phải lắng nghe, suy nghĩ vì các ý kiến có luận cứ, tính thuyết phục cao”.
“Dù trách nhiệm chính là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng cũng có phần trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc phối hợp. Bộ Tài chính cần phối hợp tốt hơn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong giải ngân nguồn này”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.