Cận cảnh bức tranh tài chính công
Cơ cấu nguồn thu ngân sách | |
Củng cố tài khóa nhìn từ mở rộng cơ sở thu | |
Giảm dần tỷ lệ bội chi NSNN, đến năm 2020 không quá 3,5% GDP |
Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tình hình tài chính công vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu, nợ công vẫn tăng cao, độ linh hoạt của chi ngân sách rất hạn chế.
Chi cao, thu khó thì nợ tăng nhanh
Những chia sẻ của ông Nguyễn Minh Tân – Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách - Bộ Tài chính với các nhà báo đã phần nào làm rõ hơn bức tranh tài chính công cùng những tình thế khó khăn.
Từ năm 2011 đến nay là một thời kỳ rất khó khăn của tài chính công, khi mà cả kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế trong nước rơi vào vùng trũng mãi mới hồi phục đôi chút, giá dầu giảm sâu khiến thu ngân sách khá chật vật, luôn lo không đạt dự toán. Đây là thời kỳ thu khó và đã thực hiện nhiều giải pháp để thắt chặt chi tiêu, đẩy mạnh tiết kiệm, giảm chi hội họp, chi mua sắm tài sản công… Trong dự toán ngân sách đã cắt giảm 10% chi thường xuyên và thực tế thực hiện khi thấy khả năng thu ngân sách quá khó khăn Chính phủ đã quyết định cắt giảm thêm 10% chi thường xuyên nữa.
8 tháng đã xuất cấp gần 109.000 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn |
Nhưng đây cũng là giai đoạn thực hiện nhiều biện pháp giãn, giảm thuế để hỗ trợ DN, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cắt giảm thuế quan theo các cam kết quốc tế… Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm khai thác tài nguyên khoáng sản... tái cơ cấu DNNN và hệ thống NHTM cũng làm tăng chi phí và giảm thu từ khu vực DNNN và thu từ tài nguyên khoáng sản…
Nhưng trong lúc khó khăn lại là lúc bùng nổ các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ người nghèo, cận nghèo và dân tộc thiểu số, bảo hiểm y tế, hỗ trợ người cao tuổi, chính sách cho Mẹ Việt Nam anh hùng… Vì thế nên tuy cơ cấu chi đã có chuyển biến, tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 26% tổng chi cao hơn giai đoạn trước, nhưng chi thường xuyên tới 67,8% tổng chi NSNN. “Kinh tế càng khó khăn thì càng phải bảo đảm các khoản chi cho con người như chi lương, chi an sinh xã hội mà không thể giảm đi”, ông Nguyễn Minh Tân cho biết.
Độ linh hoạt giảm chi: rất hạn chế
Mặc dù bội chi tăng lên như thế, nợ công tăng cao nhưng đây cũng là giai đoạn quản lý nợ công có tiến bộ khi đã ban hành đồng bộ khung khổ pháp lý về quản lý nợ công. Luật quản lý nợ công, Chiến lược nợ trung hạn và các quy định để bảo đảm an toàn nợ quốc gia được ban hành. Nhờ đó “Các chỉ tiêu quan trọng như nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn được kiểm soát trong phạm vi cho phép, dù nợ đã tăng nhanh và đang dần chạm giới hạn an toàn.
Đến thời điểm này, theo Bộ Tài chính, kinh tế trong nước tiếp tục duy trì đà phát triển khả quan 6,5-6,7%, cân đối vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, khó khăn thách thức còn lớn và nổi lên là nhu cầu chi rất cao, song nguồn lực hạn chế, thu ngân sách vẫn khó khăn, tích lũy của ngân sách cho đầu tư phát triển giảm… nợ công sát ngưỡng giới hạn cho phép và độ linh hoạt của chi ngân sách vẫn rất hạn chế.
Tình hình kinh tế thế giới tuy có phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro cao do tác động các cuộc chiến tranh sắc tộc và những xung đột địa kinh tế, giá hàng hóa thế giới và giá dầu thô diễn biến phức tạp và khó lường… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thu NS.
“Nếu chi đầu tư phát triển giảm làm ảnh hưởng đến tăng trưởng vậy phải làm sao giảm được chi thường xuyên xuống, tăng chi cho đầu tư phát triển, ưu tiên chi trả nợ đúng hạn và tiếp tục ưu tiên đầu tư hợp lý cho con người, tăng cường an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, giảm dần tỷ lệ bội chi… ”, đó là mục tiêu của công tác tài chính công mà ông Tân cho biết.
Mục tiêu cụ thể đặt ra cho giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN khoảng 6,9 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với 2011-2015, trong đó thu từ nội địa khoảng 84-85%, tổng chi khoảng 8 triệu tỷ đồng, trong đó tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển lên mức 2-26% tổng chi, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi và ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.
Thế nhưng độ linh hoạt chi hạn chế khi tỷ trọng chi thường xuyên cao và khả năng giảm đi rất ít, vì phần lớn chi thường xuyên là chi cho con người luôn phải được bảo đảm như chi cho tăng lương theo lộ trình cải cách tiền lương và chi cho an sinh xã hội. Bên cạnh đó bộ máy hưởng lương đang quá lớn. Theo Bộ Nội vụ, hiện nay có tới 11 triệu người hưởng lương từ NSNN. Và riêng phần chi cho tăng lương thôi mỗi năm NSNN phải bỏ ra từ 20.000 đến 30.000 tỷ đồng. Chi thường xuyên cũng đã lên tới 74% tổng chi NSNN. Bên cạnh đó bộ máy hành chính đang “phình ra” cả về tổ chức và biên chế cho dù chúng ta vẫn đang ráo riết thực hiện chương trình tinh giản biên chế.
Theo lý giải của nhiều bộ, ngành và địa phương, dân số tăng, quy mô nền kinh tế tăng thì yêu cầu quản lý tăng do đó đội ngũ công chức và viên chức cũng tăng mới bảo đảm chất lượng phục vụ. Theo số liệu thống kê dân số Việt Nam năm 2011 có 88 triệu người, đến năm 2017 đã là 94 triệu người.
Để giải quyết những bất cập trên, ông Tân cho biết: Bộ Tài chính đã đề ra 9 giải pháp để bảo đảm thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia. Trong đó tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý chi tiêu chặt chẽ, không ban hành các chính sách chi khi không cân đối được nguồn…
Bên cạnh đó phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu – chi NSNN, chỉ chi đúng định mức chế độ, chi trong dự toán được duyệt. Một giải pháp quan trọng nữa là đổi mới cơ chế tài chính và đẩy mạnh xã hội hóa đối với các sự nghiệp công lập, đẩy nhanh lộ trình thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp và nâng cao tính tự chủ của các đơn vị…