Cần đổi mới chính sách hỗ trợ cơ giới hóa
Cơ giới hóa nông nghiệp “giậm chân tại chỗ” | |
Chủ động hỗ trợ cơ giới hóa | |
Cơ giới hóa nông nghiệp: Phụ thuộc máy ngoại |
Tỉnh Hà Tĩnh vừa đưa ra kiến nghị ngừng chính sách hỗ trợ cơ giới hóa (CGH) trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Sở dĩ tỉnh này đề xuất ngừng chính sách hỗ trợ vì sau 2 năm triển khai Quyết định 68 tại địa phương này, số lượng máy móc nông nghiệp được người dân mua sắm đã đạt con số trên 2.300 máy; vượt gấp hàng chục lần so với mục tiêu đề ra ban đầu. Đồng thời số tiền mà ngân sách địa phương phải trích ra để hỗ trợ cấp bù lãi suất cho người dân cũng đã đạt trên 133 tỷ đồng. Nếu tiếp tục hỗ trợ nữa, nguồn ngân sách địa phương sẽ không đáp ứng được.
Tuy nhiên, việc đề xuất ngừng chính sách hỗ trợ CGH nông nghiệp của Hà Tĩnh không hoàn toàn là do mức độ CGH trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương đã đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ghi nhận cho thấy, tính đến nay tỷ lệ CGH trong khâu làm đất và thu hoạch lúa ở Hà Tĩnh mới chỉ đạt khoảng hơn 90%.
Ảnh minh họa |
Trong khi đó tỷ lệ CGH trong sản xuất cây hoa màu mới chỉ đạt khoảng 62%. Như vậy, nhu cầu tài chính để hỗ trợ CGH nông nghiệp tại đây vẫn còn khá lớn. Chỉ có điều cơ chế, đối tượng và mức độ hỗ trợ thì cần phải tính toán lại cho phù hợp bối cảnh tỉnh Hà Tĩnh đang tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp theo phương thức sản xuất nông sản hàng hóa đi liền với nhu cầu CGH ở mức độ cao hơn so với các quy định tại Quyết định 68.
Câu chuyện trên của Hà Tĩnh rất có thể được mở rộng ra tại nhiều địa phương khác trên cả nước, nhất là các địa phương đang có những bước chuyển biến mạnh trong hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp như Hà Nam, Lâm Đồng, Đồng Tháp…
Ghi nhận tại Đồng Tháp cho thấy, tính đến thời điểm tháng 2/2016 các NHTM trên địa bàn đã cho vay khoảng trên 326 tỷ đồng để hỗ trợ người dân mua sắm máy móc nông nghiệp, nhưng vì Quyết định 68 không quy định hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân là công ty, DN nên chưa có DN nào tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để mua sắm máy móc phục vụ CGH và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Thống kê của Viện Cơ điện nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho thấy rằng, mặc dù trong vòng 10 năm qua, với chính sách hỗ trợ tài chính (giảm thuế nhập khẩu, cấp bù lãi suất) tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đã đạt trung bình khoảng 90% ở khâu làm đất, thu hoạch, nhưng các khâu khác như chăm sóc, thủy lợi thì vẫn ở mức khá thấp, chỉ khoảng từ 30-40%.
Các chuyên gia trong ngành nông nghiệp nhận định rằng, hoạt động đầu tư cho CGH nông nghiệp hiện nay (bao gồm cả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ) đều chưa bền vững và thiếu tính toàn diện.
Theo đó, mức độ đầu tư trang bị động lực cho nông nghiệp mới chỉ nhắm tới các đối tượng kinh tế nhỏ lẻ, nông hộ. Tỷ lệ CGH tập trung chủ yếu vào cây lúa mà chưa tập trung vào các loại cây trồng khác vì thế chưa thúc đẩy được việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đồng thời không khuyến khích được các địa phương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuyên canh các loại nông sản chủ lực.
Ở góc độ đối tượng hỗ trợ. Hiện nay hầu hết các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được các địa phương xác định là nòng cốt của quá trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ CGH mới chỉ nhắm tới các DN sản xuất máy móc nông nghiệp cũng như các đối tượng kinh tế nhỏ như nông hộ, hợp tác xã mà chưa có cơ chế hỗ trợ DN. Điều này khiến cho hàng trăm DN vẫn phải đầu tư rất lớn để nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ CGH.
Những năm gần đây giá trị nhập khẩu máy móc nông nghiệp lên tới hàng chục tỷ USD. Điều này có nghĩa rằng, nếu tiếp tục hỗ trợ tài chính theo tinh thần Quyết định 68, tức là tập trung vào các mô hình kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ và kinh tế tập thể thì khối DN nông nghiệp (đặc biệt là DN tư nhân) sẽ không được hưởng lợi. Kết quả là không kích thích được cộng đồng DN đầu tư vào mảng nông nghiệp nông thôn để tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp theo hướng tích tụ ruộng đất và sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Chính vì vậy, thời điểm này chính là lúc Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần phải nghiên cứu, thay đổi chính sách hỗ trợ tài chính đối với hoạt động CGH nông nghiệp. Gắn chặt mục tiêu CGH với tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp của từng địa phương, từ đó ưu tiên nhiều hơn cho việc hỗ trợ các DN nông nghiệp hoàn thành CGH để tăng hiệu quả kinh tế trên phạm vi mang tính chiến lược của từng địa phương cũng như từng vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm.
Tỷ lệ CGH tập trung chủ yếu vào cây lúa mà chưa tập trung vào các loại cây trồng khác vì thế chưa thúc đẩy được việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đồng thời không khuyến khích được các địa phương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuyên canh các loại nông sản chủ lực. |