Cân đối ngân sách cần tính đường dài
Cân nhắc nguồn ngân sách cho siêu đô thị | |
Thu, chi ngân sách có cần “cào bằng”? | |
Phải giữ nghiêm kỷ luật ngân sách |
Kết thúc 9 tháng đầu năm, tình hình ngân sách nhà nước là vấn đề gây nhiều băn khoăn nhất đối với các chuyên gia kinh tế và cơ quan quản lý. Vấn đề này đã được Tổng cục Thống kê đánh giá một cách ngắn gọn: “Nhìn chung, tiến độ thu, chi ngân sách nhà nước trong 9 tháng năm nay còn chậm”. Nhìn sâu xa hơn và xuyên suốt trong chuỗi các chính sách nhằm cân đối thu chi túi tiền quốc gia, nhiều nút thắt trong dài hạn đối với ngân sách đã được cảnh báo.
Loay hoay ứng xử với mô hình mới
Phải mất tới hơn 2 năm, hồi đầu tháng 3 vừa qua Bộ Tài chính mới chốt được phương án thu thuế của Grab và Uber. Mặc dù vậy, tỷ lệ nộp thuế chỉ 5% trên doanh thu của hai đơn vị vận tải này đã khiến các DN taxi truyền thống cảm thấy không sòng phẳng và câu chuyện vẫn đang tiếp tục được xới xáo cho tới cuộc họp báo hôm giữa tuần qua tại Bộ Tài chính.
Các mô hình kinh doanh mới đang đặt ra bài toán với ngành thuế |
Trước những thắc mắc của các DN vận tải trong nước cho là cách tính thuế như vậy bất công với họ, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế giải thích, Uber là DN của Hà Lan không hiện diện tại nước ta nên phương pháp tính là ấn định thuế trên doanh thu. Đây là cách tính áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, còn các DN vận tải Việt Nam thuộc trường hợp xác định được chi phí. Như vậy, tuy cùng cung cấp dịch vụ vận tải, song phương thức vận hành giữa các loại hình DN khác nhau đã dẫn tới cách tính thuế khác nhau. Cách thức quản lý thuế đối với mô hình mới này tới đây sẽ được cơ quan thuế phổ biến tới từng cục thuế địa phương và áp dụng rộng rãi đối với các loại hình DN tương tự.
Cùng với mô hình hợp tác chia sẻ doanh thu như Uber, Grab, các mô hình kinh doanh mới ngày càng xuất hiện nhiều hơn khi nền kinh tế chia sẻ, ứng dụng công nghệ đang lan rộng khắp toàn cầu, mà Việt Nam phải chấp nhận như một xu hướng phát triển tất yếu.
Tương tự như câu chuyện của Uber, Grab, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đã từng cảnh báo về ứng phó của cơ quan thuế trước xu hướng phát triển của thương mại điện tử. Theo đó, doanh thu từ hoạt động bán lẻ trực tuyến trong năm 2016 đã đạt hơn 30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Con số này tăng lên nhanh chóng trong mấy năm vừa qua.
Tuy nhiên dù doanh thu tăng song thuế của các công ty, cá nhân hầu như không tăng, theo bà Cúc rõ ràng là biểu hiện của tránh thuế hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ thuế. “Thương mại điện tử nở rộ với mức doanh thu tăng vọt là điều đáng mừng, tuy nhiên thuế cũng phải tăng lên tương ứng”, bà Cúc lưu ý.
Những câu chuyện nhỏ liên quan đến quản lý thuế đang cảnh báo cho một vấn đề lớn hơn. Đó là việc ứng xử với những xu thế phát triển mới trong tương lai của cơ quan thuế nói riêng cũng như các cơ quan quản lý nói chung. Không chỉ đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các DN hoạt động trong biên giới Việt Nam, tới đây việc quản lý các mô hình kinh doanh sẽ còn đòi hỏi hài hoà trong mối liên kết liên Chính phủ giữa các quốc gia để cùng đảm bảo nguồn thu mà vẫn giữ được sự nghiêm minh, công bằng của luật pháp.
Và dùng dằng với vấn đề cũ
Cũng trong 9 tháng vừa qua, một câu chuyện khác liên quan đến chính sách thuế đã gây không ít ồn ào. Đó là dự án Luật sửa đổi 5 luật thuế của Bộ Tài chính, với đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng đối với hàng loạt mặt hàng, sản phẩm. Chính sách này được đánh giá là sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với nền sản xuất trong nước, trong khi Bộ Tài chính chưa có những phương án đánh giá tác động một cách toàn diện.
Phát biểu về dự án luật gây nhiều tranh cãi này, TS. Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân chỉ ra rằng, động thái này một lần nữa cho thấy mấy năm vừa qua chúng ta vẫn tiếp tục loay hoay xoay quanh các biện pháp tăng thu, trong khi nguy cơ chủ yếu của ngân sách nằm ở phía chi, gây ra mất cân đối giữa chi tiêu dùng và chi đầu tư phát triển. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm, chi thường xuyên đã chiếm tới 73% tổng chi ngân sách nhà nước, trong khi chi đầu tư phát triển “teo” lại chỉ còn chưa đầy 18%. “Nếu chỉ loay hoay tăng thu, nền kinh tế sẽ rất khó khăn trong tương lai”, TS. Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Ông phân tích thêm, chi thường xuyên của Việt Nam vẫn quá cao và phụ thuộc nhiều vào bộ máy hành chính. Tới đây sẽ triển khai nhất thể hoá một số cấp chính quyền để thu gọn bộ máy, song mới thí điểm ở cấp xã, huyện là chưa đủ. Trong tương lai nếu không quyết liệt thì không nguồn thu nào đủ để tải cho bộ máy lớn như vậy.
“Hiện nay ngân sách nhà nước vẫn có thể cầm cự được bằng nguồn cổ phần hoá DNNN, nhưng vài năm tới khi chúng ta thực hiện xong công tác này mà không có sự cải cách về chi tiêu thì đó sẽ là vấn đề rất lớn”, TS. Phạm Thế Anh khuyến nghị.
Những vấn đề thực tế xoay quanh câu chuyện thu chi ngân sách, theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, ở tầm vĩ mô đã cho thấy đây là thời điểm Việt Nam cần có cải cách về thu chi ngân sách một cách tổng thể. Ông Thành nhắc lại rằng từ năm 2018 việc hội nhập sâu rộng vào các FTA sẽ kéo hàng loạt sắc thuế xuống mức 0% theo lộ trình, khiến ngân sách ngày càng khó khăn.
Ông Thành cũng bổ sung, yêu cầu cải cách ngoài lý do ngân sách khó khăn, còn nằm ở cơ cấu thuế, sắc thuế, quy trình thu thuế… đã lỗi thời và chưa bắt kịp với xu thế phát triển. Cùng với đó là chi ngân sách, mà cốt lõi cần thay đổi là vấn đề chi thường xuyên gắn với tổng thể nợ công, cũng như chi đầu tư phát triển.
“So với nhu cầu tổng thể như vậy thì cách làm của Bộ Tài chính trong thời gian vừa qua có phần hơi vội vã và tôi cho rằng chỉ để một mình cơ quan này thực hiện thì sẽ khó có thể làm được”, ông Thành lưu ý.