Cần sớm thành lập Ủy ban giám sát về đầu tư công
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công | |
Làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư | |
Thay đổi chính sách, khơi dòng đầu tư công |
Ông Cấn Văn Lực |
Nhiều dự án ODA, dự án đầu tư công chưa hiệu quả một phần do công tác quản lý vốn ODA còn bất cập, cứng nhắc, thủ tục hành chính phức tạp, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.
Xin cho biết đánh giá của ông về nguồn vốn ODA?
Nguồn vốn ODA đã và đang có sự đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Thủ tướng đã có chỉ đạo để cải thiện cơ chế thực hiện các dự án, thúc đẩy giải ngân ODA, đình chỉ hoặc hoãn việc triển khai đối với một số dự án có mức độ quan trọng thấp, dự án không hiệu quả… Điều đó thể hiện sự quyết liệt của Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và giải ngân đầu tư công, trong đó có giải ngân ODA nói riêng. Trong quản lý nguồn vốn ODA đã có một tiến bộ như xây dựng kế hoạch vốn đầu tư trung dài hạn, giải ngân đầu tư công cũng như đối với kế hoạch thu chi ngân sách…
Cần thực hiện quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và giải ngân đầu tư công, trong đó có giải ngân ODA |
Tuy nhiên hiện nay công tác quản lý vốn ODA của Việt Nam vẫn còn những bất cập, cứng nhắc, thủ tục hành chính (TTHC) cũng còn nhiều phức tạp. Trong thực hiện, vẫn còn tình trạng giải ngân chậm, dự án đội vốn và một số vấn đề liên quan đến vốn ODA cho vay lại. Hiệu quả của quản lý vốn vay cho vay lại chưa được cao...
Một trong những nguyên nhân là vì các DN, chủ đầu tư Việt Nam khi tiếp nhận nguồn vốn ODA nói chung và cho vay lại nói riêng vẫn còn tư duy là cơ chế xin cho, hay đó là tiền cho không hoặc lãi suất rất thấp nên đôi khi họ chưa quan tâm đến chuyện hiệu quả cuối cùng của dự án. Đây là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh nguồn vốn đã rất khan hiếm và còn liên quan đến cả câu chuyện thể diện quốc gia. Do đó, cần loại bỏ tư duy này để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, năng lực của các cơ quan thực thi cũng có vấn đề, đặc biệt là ở các địa phương nên khiến nhiều dự án bị chậm. Việc bố trí vốn đối ứng của Việt Nam đôi khi cũng bị chậm mà nguyên nhân một phần do TTHC, một phần do nguồn tiền để bố trí đối ứng.
Tính cứng nhắc đó thể hiện như thế nào, ông có thể cho ví dụ?
Đơn cử như theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến đóng góp từ vốn vay nước ngoài vào tổng đầu tư ở mức 300 nghìn tỷ đồng là phù hợp. Như vậy, trung bình mỗi năm sẽ có 60 nghìn tỷ đồng vốn vay nước ngoài được đưa vào đầu tư. Nhưng có năm có thể sẽ cần vượt 60 nghìn tỷ đồng thì năm đó có thể tăng lên, rồi năm sau sẽ thấp xuống. Vì các dự án phải theo tiến độ nên có thể năm này giải ngân ít, năm khác lại cần giải ngân nhiều hơn nên cần linh hoạt trong từng năm song vẫn đảm bảo giữ được mục tiêu của cả 5 năm.
Một trong những mục đích lớn nhất của việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn chính là để đổi mới căn bản phương thức phân bổ kế hoạch đầu tư công, khắc phục tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc ra từng năm như trước đây nên tính linh hoạt như vậy là rất cần thiết.
Vậy với những địa phương hay dự án cụ thể đã được phân bổ vốn mà liên tục chậm trễ, không giải ngân được thì có thể dùng để chuyển cho dự án, hay địa phương khác đang cần hay không?
Đó cũng là một phương án cần tính tới, bởi cũng cần nghiêm hơn với các địa phương hay các dự án chậm. Tuy nhiên, trước tiên cũng cần phải làm rõ nguyên nhân chậm (và các nguyên nhân như vậy có đến mức phải dừng hoặc tạm dừng hay không), từ đó có quyết định dừng hay tạm dừng với dự án chậm đã, sau đó mới có quyết định là phân bổ nguồn đó cho địa phương, dự án cụ thể nào đang thực sự cần. Và theo tôi, quyền năng đó nên giao cho Chính phủ quyết định, chứ không nhất thiết phải trình ra Quốc hội bởi nó vẫn trong mức trần mà Quốc hội đã cho phép.
Để tránh tình trạng các dự án ODA chậm so với kế hoạch thì thời gian tới cần tập trung vào những giải pháp gì, thưa ông?
Cần phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, mà muốn đẩy nhanh thì phải đưa ra có thời hạn cụ thể, giao trách nhiệm cụ thể và chỉ đạo quyết liệt. Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, tức là dự án nào, địa phương nào chậm phải dứt khoát cắt nếu quá thời hạn. Thủ tướng đã ban hành chỉ đạo rất cụ thể rồi nhưng vấn đề là phải thực hiện nó nghiêm khắc và qua đó cũng gửi đi lời cảnh báo đối với các dự án chậm trong tương lai.
Và như tôi đã đề cập ở trên, cần linh hoạt hơn đối với chuyện phân bổ ngân sách từng năm cũng như là đối với các chủ đầu tư khác nhau. Một điểm nữa có lẽ cũng cần phải tiến tới sửa đổi luật, như Luật Quản lý nợ công, cần cải cách mạnh hơn các TTHC. Cần phải làm rõ hơn, đặc biệt là liên quan đến tiêu chí hiệu quả đầu tư, rồi vai trò của bộ phận giám sát đầu tư công. Quan điểm của tôi là cần sớm thành lập Ủy ban Giám sát về đầu tư công hoạt động độc lập, khách quan để thẩm định các dự án đầu tư công lớn, giám sát tiến độ và hiệu quả của các dự án.
Về hướng giải quyết liên quan đến một số khoản thanh toán chậm, theo tôi nếu như nó đã rõ ràng về khối lượng công việc, rõ ràng về hàng hóa nhập khẩu về thì nên cho phép tạm ứng ngân sách để thanh toán dứt điểm. Điều đó sẽ vừa giúp xử lý vấn đề cấp bách trước mắt nhưng cũng là để đảm bảo uy tín quốc gia. Những dự án ODA gặp vướng mắc lớn, cần yêu cầu bộ chủ quản, địa phương, chủ đầu tư có báo cáo tổng thể để rà soát lại dự án đó, xem vướng mắc ở những điểm gì để có hướng giải quyết đồng bộ và dài hơi hơn, tránh tình trạng đá quả bóng cho nhau hay sang năm lại lặp lại các hiện tượng như chậm tiến độ, chậm thanh toán ở một số dự án, trong đó có dự án đường sắt đô thị tại TP. Hồ Chí Minh - Tuyến số 1 thời gian vừa qua.
Xin cảm ơn ông!