Làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư
Thay đổi chính sách, khơi dòng đầu tư công | |
Giải ngân chậm - điểm nghẽn của tăng trưởng | |
Nếu cần sẽ thanh tra làm rõ trách nhiệm chậm giải ngân vốn đầu tư công |
Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa phối hợp với Ủy ban Tài chính ngân sách tổ chức phiên giải trình về tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Nhiều ý kiến đề nghị công khai bộ, ngành, địa phương làm chậm giải ngân vốn đầu tư khiến hiệu quả vốn đầu tư công không đạt kỳ vọng…
Nguyên nhân do chủ quan
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt trên 50% kế hoạch. Còn 9 tháng đầu năm 2017 là hơn 46% so với kế hoạch Quốc hội thông qua.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng giải ngân vốn chậm, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là do: quy định trình tự thủ tục đầu tư công chặt chẽ hơn; thủ tục đầu tư xây dựng mất nhiều thời gian; thanh, quyết toán vốn có nhiều đặc thù; công tác giải phóng mặt bằng và năng lực quản lý chưa đáp ứng; thời tiết mưa bão nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thi công…
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư công chưa nghiêm, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn không phù hợp với các nguyên tắc tiêu chí Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, nên phải điều chỉnh kế hoạch giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn; việc đánh giá kiểm tra kế hoạch chương trình dự án thực hiện chưa sát sao, đầy đủ…
Đánh giá về những khó khăn, vướng mắc trong chậm tiến độ giải ngân, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, có những điều không hẳn liên quan đến khó khăn bất cập, vì các quy định này chặt chẽ hơn thì đáng lẽ phải tốt hơn. Ông đề nghị cần nêu rõ cơ quan, đơn vị nào khiến cho quá trình giải ngân vốn chậm; trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với việc xử lý câu chuyện này trong thời gian tới.
Một số ý kiến khác thì lo lắng khi Quốc hội đã thống nhất thông qua phân bổ 80 nghìn tỷ đồng cho các công trình trọng điểm quốc gia, nhưng hiện nay chưa thấy triển khai, trong khi đã đi được gần hết 2 năm kế hoạch.
Làm rõ trách nhiệm
Giải trình thêm về tiến độ giải ngân chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Nhưng có thực tế là giao vốn xong, đơn vị thụ hưởng mới bắt đầu thiết kế chi tiết và đưa ra các số liệu chính thức nên mất rất nhiều thời gian. Sau đó, còn phải tổ chức đấu thầu với quy trình cũng rất phức tạp, và tiếp đến là giải phóng mặt bằng cũng mất nhiều thời gian vì liên quan đến rất nhiều luật…
Về 80 nghìn tỷ đồng phân bổ cho các công trình quan trọng quốc gia, ông cho biết, trong số này có 10 nghìn tỷ đồng chống ngập cho TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, Bộ đã rất nhiều lần yêu cầu TP. Hồ Chí Minh sớm hoàn thiện thủ tục, nhưng hiện vẫn chưa xong nên rất khó để bố trí giao vốn. Còn lại 70 nghìn tỷ đồng được giao cho Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ này đang kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cho sử dụng 15 nghìn tỷ đồng để thực hiện 4 dự án đường sắt (7 nghìn tỷ đồng) và tập trung vào cho các dự án quan trọng bị đình giãn, hoãn cần phải xử lý ngay để đảm bảo hiệu quả. 55 nghìn tỷ đồng còn lại, Bộ đang kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 4 tới đây, đưa vào một số dự án trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam.
Về đề nghị làm rõ trách nhiệm trong 72 dự án đầu tư công kém hiệu quả, dàn trải, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Luật Đầu tư công đã quy định phân cấp rõ trách nhiệm của ai, đến đâu, do bộ chủ quản, hay trách nhiệm của địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thẳng thắn cho biết, vừa qua việc thực hiện luật còn nhiều bất cập, vướng mắc. Vậy cần làm rõ do luật hay do tổ chức thực hiện và Bộ chịu trách nhiệm đến đâu.
Ông Hiển cho rằng, việc ban hành Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn là bước tiến quan trọng và có ý nghĩa, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ để nâng cao hiệu lực hiệu quả đầu tư công. Trước đây, chúng ta chỉ đặt kế hoạch theo hàng năm, nhưng khi luật này ra đời, thì đã có trình tự kế hoạch, để ngăn chặn đầu tư phân tán dàn trải, duy ý chí chủ quan trong đầu tư, nâng cao chế tài và trách nhiệm rõ ràng. “Trách nhiệm thuộc về ai phải nói rõ. Chính phủ quản lý đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp cho Chính phủ thì phải chịu trách nhiệm chính, cùng một số bộ ngành có liên quan. Bộ phải chỉ rõ trách nhiệm ở từng dự án, địa phương, bộ ngành. Phải công khai, minh bạch các sai phạm”, ông Hiển đề xuất.