Cần thận trọng với việc tăng thuế
Hàng ngoại thuế 0% ở Việt Nam | |
Thuế tài sản: Đang đi tìm mức hợp lý | |
Làm chính sách kiểu “quăng bom” |
Việc nghiên cứu, tính toán tăng thuế và đưa ra các sắc thuế mới của Bộ Tài chính là việc cần làm và nên làm và vẫn tiếp tục làm nhưng trong lúc này cũng như trong vài năm tới thì chưa nên thu thuế tài sản, không nên tăng thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường… Đây là những đề xuất của các học giả, các chuyên gia kinh tế khi thảo luận về tình hình NSNN và dự thảo sửa đổi bổ sung 6 loại thuế.
Việc tăng thuế phải xuất phát từ thu nhập của người dân và trình độ phát triển của xã hội |
Không nên tăng thuế lúc này
Trước bối cảnh thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao như hiện nay, đặc biệt là tài khóa ngày càng trở nên thiếu bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế mới, trong hơn một năm qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế theo hướng tăng mức thuế của nhiều sắc thuế. Đó là đánh thuế bảo vệ môi trường với các sản phẩm xăng dầu được đề xuất tăng với lý do cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, bù đắp nguồn thu giảm do hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh.
Đó là đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% và giảm bớt số mặt hàng được hưởng thuế VAT ưu đãi 5% với một lý do mức thuế VAT hiện nay chưa theo kịp thông lệ quốc tế, cần cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.
Bộ Tài chính cũng dự kiến áp thuế tiêu thụ đặc biệt với một số hàng hóa như nước ngọt với mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Gần đây nhất là đề xuất đánh thuế tài sản, theo đó, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế ngay trên căn nhà thứ nhất, với mức thuế suất 0,3-0,4% trên giá trị của căn nhà.
Những đề xuất sửa đổi các mức thuế trên của Bộ Tài chính đã và đang vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều và nhiều phản ứng mạnh. Các loại thuế này ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết đại bộ phận người dân (đặc biệt là những người nghèo và có thu nhập thấp), đến hầu hết các DN, và theo đó là đến cả nền kinh tế.
Nền kinh tế đang hướng tới kinh tế thị trường hiện đại và dư địa chính sách ngày càng hạn hẹp. Để có chính sách tối ưu thì đề xuất chính sách cần được nhìn ở đa chiều, được tham vấn rộng rãi để có đề xuất chính sách tốt ngay từ đầu và cần được truyền thông tốt để tạo được sự đồng thuận. GS. Trần Thọ Đạt |
Vẫn thẳng thắn và mạnh mẽ, GS.TS. Ngô Trí Long nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Học viện Tài chính) phát biểu: “Nhà đầu tư và người dân luôn mong muốn có môi trường kinh doanh ổn định. Việc sửa đổi, bổ sung 6 Luật thuế lần này làm cho nhà đầu tư và người dân sẽ băn khoăn liệu sau kỳ sửa đổi, bổ sung lần này thì chính sách thuế này sẽ tồn tại trong bao lâu nữa”.
Để có sự thuyết phục, khi điều chỉnh tăng mức thuế của sắc thuế cần có những giải trình, dẫn chứng chi tiết hơn về tác động của đề xuất điều chỉnh các sắc thuế đối với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tích lũy và tiêu dùng của DN và dân cư. Luận giải cho đề xuất sửa đổi 6 luật thuế với một loạt những đề xuất tăng của Bộ Tài chính đưa ra đang làm cho mọi người cảm thấy mục tiêu là hướng tới huy động nguồn thu NSNN mà chưa tính đến chính sách thuế phải tạo động lực cho phát triển kinh tế, tạo điều kiện để phát triển DN, đóng góp nhiều hơn nữa nguồn thu cho NSNN.
Bớt tăng thu - tăng giảm chi
Thuế là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của DN và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm…). Vì vậy, việc tăng thuế chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối. Bởi tăng thuế sẽ đánh vào các mặt hàng thiết yếu, đánh vào người nghèo. Tăng thuế là không phù hợp với tinh thần của Chính phủ là kích thích tiêu dùng, đảm bảo tăng trưởng, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, giảm chi phí sản xuất kinh doanh.... Do đó, cần thận trọng với việc tăng thuế và có bước đi, lộ trình cụ thể.
Tôi rất chia sẻ với Bộ Tài chính. Bộ phải tính đến cách tăng thuế vì thâm hụt ngân sách lớn, nợ công cao, chi thường xuyên lại càng cao chiếm tới 88% chi ngân sách. Trên thế giới không nước nào chi thường xuyên cao thế. Đầu tư công thì không hiệu quả, lắm thất thoát. Nhưng Bộ Tài chính không có quyền cắt giảm biên chế ai cả, không có quyền giảm đầu tư công, càng không có quyền với những dự án đầu tư không hiệu quả... Nhưng muốn thu được thuế thì phải giải thích cho người dân hiểu, đề xuất đưa ra phải thuyết phục. Khi đề xuất chính sách hợp lý, người dân hiểu họ sẽ đồng thuận. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh |
TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, và GS.Ngô Trí Long cùng nhiều chuyên gia khác cùng có quan điểm rằng người dân, DN đang chịu gánh nặng thuế khá lớn, tỷ lệ thu ngân sách/GDP ở Việt Nam đang ở mức cao so với bình quân chung trên thế giới. Việc đề xuất tăng thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách là việc phải làm và là áp lực của Bộ Tài chính nhưng việc tăng thuế phải xuất phát từ thu nhập của người dân và trình độ phát triển của xã hội.
Thu nhập người dân đang thấp, trình độ xã hội chưa cao, vì vậy theo TS.Lưu Bích Hồ, hoạch định chính sách lúc này phải trên tinh thần “bớt tăng thu mà tăng giảm chi”. Và tốt nhất lúc này đừng vội đưa ra dự thảo thuế tài sản, trong ba đến 5 năm tới cũng không nên tăng thuế suất VAT, thuế thu nhập DN không nên quá ưu đãi, nhất là với DN FDI.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI góp ý, quá trình thảo luận về việc sửa đổi các luật thuế cần nhiều hơn, so với kỳ vọng của các chuyên gia thì sự chuẩn bị của Bộ Tài chính chưa tốt, khi đưa ra các đề xuất nên đưa ra đánh giá tác động với các kịch bản phân tích cụ thể hơn mới tạo được sự đồng thuận.
Còn theo GS. Nguyễn Văn Nam – Nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì: Trong một năm Bộ Tài chính đề xuất đến 6 luật thuế là quá dũng cảm. Trong khi điều cần là làm sao để không tăng thuế, không tăng chi phí mà vẫn tăng thu thì mới là quản lý siêu. Còn tăng thu để giảm thâm hụt là biện pháp đơn giản, là biện pháp muôn thưở. Hơn nữa, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tăng thu của Bộ Tài chính là cần làm nhưng lúc này đừng nên quyết gì đến tăng thuế, bởi tăng thuế là đi ngược với tinh thần mà Thủ tướng đã tuyên bố và không phải làm trọng tâm chính sách. Trọng tâm là phải cải cách hành chính, cải cách bộ máy, giảm chi thường xuyên, chống tham nhũng, lãng phí.
Dường như nhà đầu tư và người dân luôn phải đánh cược với nhà làm chính sách thuế. Bởi chính sách luôn có sự thay đổi, điều chỉnh sẽ tác động không nhỏ tới môi trường đầu tư, kinh doanh. PGS. Ngô Trí Long |
99% ưu đãi thuế đang dành cho các con cá lớn
Các nhà khoa học và các chuyên gia kinh tế rất chia sẻ với áp lực của Bộ Tài chính là phải bảo đảm cân đối ngân sách, phải tìm cách giảm thâm hụt ngân sách giảm nợ công. Nhưng cân đối ngân sách chỉ được bảo đảm khi giảm được chi thường xuyên, đầu tư công phải hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, chống tham nhũng và việc làm cần nhất đó là giảm giảm bớt bộ máy hành chính cồng kềnh không cần thiết…
Bàn về thuế suất VAT Bộ Tài chính cho rằng, thuế suất thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo, vì người giàu tiêu dùng nhiều hơn người nghèo, vì thế nên tăng thuế suất này. GS.Long cho rằng nói thế là phiến diện, chưa thuyết phục. VAT có tính “lũy thoái”. Bởi vì, người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn so với người có thu nhập cao. Do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.
Phát biểu ở góc độ của người nghiên cứu và phản biện chính sách, chứ không ở góc độ của cơ quan thuế, ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn của Tổng cục Thuế nhấn mạnh rằng, các ý kiến như GS.Long đưa ra là quên đi mất rằng chỉ 20% dân số là người giàu nhưng lại chi tiêu nhiều và nắm giữ tới 80% giá trị của cải trong nền kinh tế, còn 80% người nghèo chi tiêu mua sắm ít và chỉ nắm giữ có 20% của cải xã hội. Vì thế theo ông Phụng nguyên tắc là “khi cần tăng thuế là nhắm vào người giàu”, tăng thuế VAT là như thế.
Còn đối với thuế thu nhập DN, theo ông Phụng, việc đề xuất sửa đổi thuế thu nhập DN là cần thiết. Đạo lý của ưu đãi thuế là để khuyến khích hỗ trợ DN đặc biệt là DNNVV, nhưng 99% ưu đãi thuế hiện nay đang dành cho các con cá lớn, vì DNNVV không được hưởng. Theo thống kê thì số thuế TNDN được ưu đãi tập trung chủ yếu ở khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chính sách ưu đãi thuế rất phức tạp do phạm vi ưu đãi rộng.
“Thuế cao hay thấp không phải là ở số thuế phải nộp bao nhiêu mà là ở người dân được hưởng gì từ đầu tư nhà nước, từ phúc lợi xã hội. Vì thế ở các nước châu Âu có điều kiện hạ tầng, phúc lợi xã hội tốt khi nói chuyện giảm thuế người dân không muốn, họ muốn nộp thuế để được hưởng lợi nhiều hơn”, ông Phụng nói. Thực tế là ở Việt Nam, nghĩa vụ nộp thuế của người dân thì thấy rõ, nhưng quyền được bảo vệ của người dân và phúc lợi người dân được hưởng thì thấp, đầu tư công kém hiệu quả, thất thoát lãng phí cao đang khiến người dân không tin vào hiệu quả sử dụng từng đồng tiền thuế họ nộp.
Dự thảo sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân: Giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh Việc dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vẫn giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh với đối tượng nộp thuế đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Theo đó, một số ý kiến cho rằng mức thu nhập không chịu thuế 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) đối với đối tượng chịu thuế, 3,6 triệu đồng/tháng với mỗi người phụ thuộc là không còn phù hợp trong bối cảnh gánh nặng chi phí mỗi ngày một tăng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng trước đây nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng đối với đối tượng chịu thuế là sai lầm và không nên lặp lại. Theo ông Phụng, nguyên tắc của thuế thu nhập cá nhân là có thu nhập là nộp thuế, do Việt Nam đi lên từ quốc gia có thu nhập thấp nên mới có mức giảm trừ gia cảnh. Nếu nay nâng mức giảm trừ gia cảnh thì diện nộp thuế ít đi, không đáp ứng được yêu cầu mở rộng diện chịu thuế. Còn theo chuyên gia kinh tế-GS. Ngô Trí Long thì không nên để mức giảm trừ gia cảnh là con số tuyệt đối mà nên quy định theo tỷ lệ phần trăm so với lương tối thiểu để tránh việc bị lạc hậu và tạo tính pháp lý bền vững, ổn định lâu dài. Đồng thời, nên có sự khuyến khích những người lao động tài năng, thu nhập cao. Ông Long gợi ý, mức thuế hiện tại với thu nhập tính thuế từ 80 triệu đồng/tháng trở lên là 35%. Nên thay đổi mức thuế xuống còn 30% cho khoản thu nhập tính thuế từ 70 triệu đồng/tháng trở lên. Với thu nhập tính thuế từ 45-70 triệu đồng/tháng thì áp thuế suất thấp hơn, ở mức 24%. |