Cho vay tiêu dùng sẽ phát triển
Nhiều dư địa cho phát triển thị trường cho vay tiêu dùng | |
Cho vay tiêu dùng - vẹn cả đôi đường | |
Để tiêu dùng đi đúng hướng |
Cần tiền nhưng ngại điều kiện vay
“Với thị phần mới chỉ chiếm khoảng 5-10% trên tổng dư nợ tín dụng thì dư địa của thị trường cho vay tiêu dùng (CVTD) ở Việt Nam còn rất lớn. Tỷ lệ này ở các nước phát triển thường là 40-50%”, theo PGS. TS. Hoàng Văn Hải - Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh (QTKD) Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Một nghiên cứu gần đây của viện này cũng chỉ ra xu hướng mới của hành vi vay tiêu dùng của người dân. Đây cũng là lần đầu tiên có một nghiên cứu của một tổ chức độc lập đánh giá các công ty tài chính (CTTC) CVTD từ góc độ cảm nhận của người tiêu dùng (NTD).
Viện QTKD đã nghiên cứu và khảo sát hơn 2.000 NTD trên địa bàn 12 tỉnh/thành phố và kết quả cho thấy trong khi nhiều người dân còn có tâm lý e ngại khi tiếp xúc với dịch vụ CVTD của các CTTC nhưng một bộ phận NTD, đặc biệt là giới trẻ đang có nhu cầu ngày càng tăng lên đối với dịch vụ này.
Thị trường càng minh bạch, cạnh tranh tăng lên lúc đó lãi suất có xu hướng giảm |
Có 62,4% số người tham gia khảo sát cho biết chưa đi vay tiêu dùng. Lý do chưa vay bởi họ không muốn thiếu nợ và lo ngại về điều kiện vay vốn. Nhưng cũng có đến 47,8% số người chưa từng đi vay tiêu dùng trong trả lời khảo sát đã bày tỏ quan điểm “sẵn sàng hoặc chấp nhận đi vay để tiêu dùng nếu thấy cần thiết”. Còn đối với những người đã từng vay tiêu dùng, các nhóm yếu tố sẽ chi phối đến quyết định lựa chọn CTTC để vay gồm: Các chính sách cho vay (rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu); Yếu tố tạo cảm giác thân thiện (các ưu đãi, thái độ nhân viên cho vay…); Sự thuận tiện của dịch vụ (khoản vay linh hoạt, giao dịch nhanh chóng). Bên cạnh đó, mong muốn về giảm lãi suất vay và thủ tục vay đơn giản hơn cũng là những yếu tố hàng đầu mà khách hàng vay kỳ vọng. Báo cáo cũng ghi nhận một thực tế là mọi người vẫn giữ thói quen nghĩ ngay đến người thân hay ngân hàng khi có nhu cầu chứ ít nghĩ đến vay tại các CTTC.
Cũng theo kết quả nghiên cứu của Viện QTKD cho thấy, đa số khách hàng đã vay của CTTC hài lòng với các yếu tố chất lượng dịch vụ của các CTTC. Khách hàng đã từng vay các CTTC có đánh giá tương đối tốt về sản phẩm, thủ tục và quy trình cho vay của các CTTC. Tuy nhiên, mức độ hài lòng về chi phí vay thì còn tương đối thấp hơn so với sự hài lòng với các yếu tố khác của chất lượng dịch vụ. Từ góc độ đánh giá của khách hàng và kết hợp với các tiêu chí đánh giá năng lực cung cấp dịch vụ của CTTC, kết quả nghiên cứu đã cho thấy Home Credit được ghi nhận là công ty có điểm số đánh giá cao nhất, tiếp theo đó là FE Credit và HD Saison.
Thống kê dư nợ CVTD và thị phần của các công ty tài chính |
Tuy nghiên cứu từ phía NTD nhưng báo cáo này cũng cung cấp thông tin đa chiều cho phía cơ quan quản lý hoạch định chính sách, các tổ chức tài chính tiêu dùng về cảm nhận của NTD, nhu cầu và mong muốn của họ. “Thông qua nghiên cứu này, chúng tôi mong muốn góp phần thay đổi văn hóa tiêu dùng của người dân, phù hợp với xu thế của thế giới cũng như tạo ra sức ép để NTD năng động hơn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển”, ông Hải kỳ vọng.
Cung tăng buộc lãi suất sẽ giảm xuống
Thực tế, nhiều NTD dù có nhu cầu vay chi tiêu nhưng ít tiếp cận với CTTC vì nhiều lý do, trong đó một lý do có thể là họ chưa có đủ thông tin về lãi suất cũng như các sản phẩm dịch vụ của công ty, hoặc cũng có thể do cách tiếp cận khách hàng của các CTTC chưa thực sự chạm đến xúc cảm và nhu cầu của NTD. Điều đó cũng có nghĩa, khi NTD chưa thỏa mãn với sản phẩm dịch vụ thì họ chưa sẵn sàng để có thể giới thiệu cho người thân, bạn bè về các sản phẩm của CTTC.
Theo ông Nguyễn Đình Đức, Phó tổng giám đốc CTTC HD SAISON, CVTD là một sản phẩm dịch vụ và về nguyên tắc thì bất kỳ một nhà sản xuất nào (ở đây là CTTC) cũng phải tìm mọi cách để hạ giá thành sản phẩm dịch vụ của mình (ở đây là lãi suất). “Bản thân chúng tôi luôn tâm niệm làm sao phải hạ được lãi suất bởi nó liên quan đến yếu tố cạnh tranh chứ không thể một mình một chợ được”, ông Đức nói.
Ghi nhận lãi suất hiện nay cao nhưng theo PGS.TS. Lê Thị Kim Nhung, Trưởng khoa TC-NH, Đại học Thương mại, khi mà chúng ta có thị trường càng ngày càng minh bạch, cạnh tranh tăng lên thì lúc đó lãi suất sẽ có xu hướng giảm. “Quy luật của nền kinh tế thị trường là quy luật bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận. Theo đó, nếu lĩnh vực CVTD có tỷ suất lợi nhuận cao hơn các lĩnh vực khác bởi yếu tố lãi suất cao thì sẽ ngày càng có nhiều CTTC tham gia cạnh tranh khiến cung tăng và buộc lãi suất sẽ giảm xuống”, bà Nhung cho biết.
LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, lãi suất CVTD hiện nay đúng là hơi cao và nếu lãi suất cao quá thì có thể dẫn đến nguy cơ nhiều khách hàng không trả được nợ. Một trong những nguyên nhân lãi suất cao - theo ông Đức - có thể do các tổ chức tín dụng tiêu dùng đã tính đến các “rủi ro hết cỡ” và họ đặt lãi suất cao để đảm bảo loại trừ được các rủi ro đó.
Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh được ghi nhận là khá tích cực của các tổ chức tín dụng tiêu dùng thời gian vừa qua thì có thể các rủi ro không phải ở mức cao như vậy. Do đó, dù lâu nay đã có người đặt ra câu hỏi là có nên đặt trần lãi suất CVTD hay không và lần đầu tiên tại Hội thảo này, chuyên gia này đưa ra quan điểm “có thể đặt trần lãi suất với mức trần có thể là 35 đến 40%”. Lý giải cho điều này, LS. Đức cho biết vì hiện nay theo Bộ luật Dân sự, chúng ta vẫn áp trần lãi suất 20%. Đến khi bỏ trần này, thị trường thực sự tự do cạnh tranh thì cũng không cần áp trần lãi suất CVTD nữa.
Bên cạnh đó, cho rằng CVTD sẽ là kênh cung cấp vốn nhanh chóng, tiện lợi, có hiệu quả và cực kỳ phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, nhất là đối với các thế hệ trẻ hiện nay, LS. Đức cho rằng, đã đến lúc cần để cho CVTD phát triển nhanh và mạnh hơn nữa. “Cần tiếp tục hoàn thiện thị trường cho vay tiêu dùng theo hướng cải cách mạnh mẽ, cởi mở, thông thoáng Luật Các TCTD và các văn bản dưới luật quy định về hoạt động của các công ty tín dụng tiêu dùng. Thậm chí cần xem xét cả khả năng đưa CTTC tiêu dùng ra khỏi loại hình TCTD để xác định lại đúng vai trò của định chế tài chính này. Bên cạnh đó, đã đến lúc không nên chỉ coi CVTD là tiêu dùng, mà cần phải coi đó cũng chính là một dạng đặc biệt của tín dụng hướng tới sản xuất, kinh doanh”, ông Đức nêu quan điểm.