Điểm lại thông tin kinh tế ngày 25/7
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 24/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 15-19/7 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 25/7, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.072 VND/USD, tiếp tục giảm 4 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.714 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.210 VND/USD, tăng nhẹ 2 đồng so với phiên 24/7. Tỷ giá tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.180 - 23.220 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 25/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó; giao dịch tại: qua đêm 2,73%; 1 tuần 2,86%; 2 tuần 3,07% và 1 tháng 3,37%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giữ nguyên ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,01 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng; giao dịch tại: qua đêm 2,49%; 1 tuần 2,54%; 2 tuần 2,62%, 1 tháng 2,77%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn 3 năm, 5 năm và 10 năm trong khi không thay đổi ở kỳ hạn 7 năm và giảm ở kỳ hạn 15 năm so với phiên 24/7, giao dịch tại: 3 năm 3,12%; 5 năm 3,58%; 7 năm 3,98%; 10 năm 4,48%; 15 năm 4,75%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 10.000 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ toàn bộ khối lượng này. Trong ngày có 5.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 5.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 49.999 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước duy trì chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua giao dịch tích cực nhờ lực đẩy của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó tâm điểm là hai nhóm ngân hàng và bộ ba cổ phiếu của tập đoàn Vin. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,54 điểm (+0,66%) lên 994,95 điểm; HNX-Index tăng 0,32 điểm (+0,30%) lên 106,76 điểm; UPCOM-Index tăng 0,11 điểm (+0,19%) lên 59,34 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức trung bình với tổng giá trị giao dịch đạt trên 5.100 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng nhẹ hơn 34 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong phiên hôm qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2019. Theo đó, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc so với năm 2018, lên vị trí thứ 42 trên tổng số 129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng. Thứ hạng này cũng đã cải thiện 17 bậc so với xếp hạng năm 2017 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và vươn đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia.
Tin quốc tế
Giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi và hàng hóa lâu bền chung của Mỹ lần lượt tăng 1,2% và 2,0% so với tháng trước trong tháng 6 sau khi tăng 0,4% và giảm 2,3% ở tháng trước đó, vượt qua dự báo tăng ở mức 0,2% và 0,8% của các chuyên gia.
Cán cân thương mại của Mỹ thâm hụt 74,2 tỷ USD trong tháng 6, tích cực hơn so với mức thâm hụt 75,0 tỷ của tháng 5 và mức dự báo thâm hụt 72,4 tỷ. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 20/7 ở mức 206.000 đơn, giảm so với 216.000 đơn của tuần trước đó và trái với dự báo tăng lên 220.000 đơn.
ECB giữ các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay cận biên và lãi suất tiền gửi lần lượt ở mức 0,0%; 0,25% và -0,4%; không thay đổi so với trước. NHTW này cũng dự báo các mức lãi suất sẽ được duy trì ở mức hiện tại hoặc thấp hơn cho tới kết thúc nửa đầu năm 2020. ECB còn cho biết đã nghiên cứu các lựa chọn khác như việc thiết kế hệ thống cấp bậc cho tỷ lệ dự trữ, đồng thời là quy mô và thành phần khi mua các tài sản tiềm năng mới.
Chỉ số niềm tin kinh doanh tại Đức được Ifo báo cáo ở mức 95,7 điểm trong tháng 7, giảm so với mức 97,4 điểm của tháng 6 đồng thời sâu hơn mức giảm xuống 97,1 điểm theo dự báo. Đây là mức niềm tinh kinh doanh thấp nhất của nước này trong suốt 6 năm qua. Ifo dự báo GDP quý II của Đức sẽ thu hẹp sau khi tăng trưởng 0,4% ở quý I.