Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 15-19/7
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 18/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 17/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 16/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/7 |
Tổng quan
Thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 vẫn tăng trưởng tích cực trong bối cảnh chứng khoán thế giới đầy biến động nhờ được sự hỗ trợ của tăng trưởng kinh tế trong nước.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/6, chỉ số VN-Index đạt 949,94 điểm, tăng 6,4% so với cuối năm 2018; chỉ số HNX-Index đạt 103,51 điểm, giảm 0,7% so với cuối năm 2018. Mức vốn hóa thị trường tính đến ngày 26/6 đạt 4,37 triệu tỷ đồng, tăng 10,4% so với cuối năm 2018, tương đương 79% GDP.
Thị trường hiện có 742 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán và 833 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1.275 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cuối năm 2018.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 4.472 tỷ đồng/phiên, giảm đáng kể so với bình quân 6.500 tỷ đồng/phiên năm 2018.
Về thị trường chứng khoán phái sinh, từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt 106.288 hợp đồng/phiên, tăng 35% so với bình quân năm 2018.
Dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục vào ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ước đạt 1,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư đạt hơn 2,28 triệu tài khoản, tăng 4,7% so với cuối năm 2018, trong đó số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tăng 7%.
Theo nhận định của các chuyên gia, những yếu tố trong nước tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019 hầu hết khá tích cực. Sự ổn định về kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh được cởi mở hơn có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, quy mô thị trường tiếp tục mở rộng nhờ lộ trình niêm yết mới, thoái vốn cổ phần hóa giúp thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm 2019 sôi động hơn.
Sự phát triển của thị trường phái sinh cộng với việc tập trung thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ là những điểm mới của thị trường chứng khoán trong năm 2019.
Ngoài ra, hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam được định giá tương đối hấp dẫn khi P/E (tỷ lệ giữa giá thị trường và lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phần EPS) thấp hơn một số nước trong khu vực, là động lực thu hút dòng vốn đầu tư trung dài hạn.
Hơn nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng khi tháng 9/2018, PTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2.
Mặc dù việc chính thức được PTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 là câu chuyện dài hạn trong nhiều năm tới, nhưng thông tin này cũng hỗ trợ dòng vốn ngoại tiếp tục chảy vào thị trường trong năm 2019.
Trái lại, nhiều chuyên gia cũng phân tích và đưa ra những tác động dẫn đến biến động mạnh của thị trường chứng khoán không chỉ trong 6 tháng đầu năm mà trong cả năm 2019.
Yếu tố thứ nhất là thị trường tài chính toàn cầu năm 2019 gặp khó khăn khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung vẫn tiếp tục có thể là trong suốt cả năm 2019, gây ra những bước tăng, giảm khó lường cho thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, các yếu tố như tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, điển hình là tăng trưởng GDP quý II/2019 thấp nhất 27 năm, cùng dấu hiệu suy thoái của kinh tế Mỹ và toàn cầu khi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã bắt đầu chậm lại từ quý III/2018, cộng với khối nợ toàn cầu ngày càng lớn và sự biến động thất thường của giá dầu sẽ chi phối lớn đến các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam trong năm 2019, tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 15-19/7, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm qua các phiên nên không có biến động lớn. Chốt tuần 19/7, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.067 VND/USD, tăng 8 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.709 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng trong xu hướng tăng khá tích cực trong tuần vừa qua. Phiên cuối tuần 19/7, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.240 VND/USD, tăng 40 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do ít biến động trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 19/07, tỷ giá tự do đóng cửa tại 23.210 - 23.240 VND/USD – tăng 10 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong tuần từ 15-19/7, lãi suất liên ngân hàng VND tiếp tục đà giảm của 2 tuần trước đó ở tất cả các kỳ hạn. Chốt cuối tuần 19/7, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 2,88% (-0,20 điểm phần trăm); 1 tuần 2,98% (-0,24 điểm phần trăm); 2 tuần 3,18% (-0,17% điểm phần trăm); 1 tháng 3,48% (-0,12 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng USD tiếp tục ít biến động so với cuối tuần trước đó. Chốt cuối tuần 19/07, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,51% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 2,59% (không thay đổi), 2 tuần 2,66% (-0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,78% (-0,02 điểm phần trăm).
Thị trường mở trong tuần từ 15-19/7, Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh chào thầu tín phiếu xuống mức 30.000 tỷ đồng. Kỳ hạn tín phiếu vẫn ở mức 7 ngày, lãi suất 4 phiên đầu tuần giữ ở mức 3%/năm, phiên cuối tuần giảm xuống mức 2,75%. Kết quả, các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng chào thầu. Trong tuần có 48.998 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, trong tuần, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 19.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 29.998 tỷ đồng.
Trên kênh cầm cố, không phát sinh giao dịch mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%/năm.
Thị trường trái phiếu trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công toàn bộ 8.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu. Lãi suất trúng thầu giảm ở tất cả các kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 20 năm giảm mạnh 27 điểm, kỳ hạn 5 năm đến 15 năm giảm từ 5 - 10 điểm.
Cụ thể, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm huy động được 500 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 3,65%/năm, giảm 10 điểm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 10/7/2019). trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm huy động được 3.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,51%/năm, giảm 5 điểm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 10/7/2019). trái phiếu chính phủ kỳ hạn 15 năm huy động được 3.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,76%/năm, giảm 5 điểm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 10/7/2019). trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm huy động được 1.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,15%/năm, giảm 27 điểm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 3/7/2019).
Giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt khoảng 7.854 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh từ mức 19.000 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Chốt phiên 19/7, lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tiếp tục giảm mạnh so với cuối tuần trước đó ở tất cả các kỳ hạn.
Cụ thể, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,62% (-0,43 điểm phần trăm); 2 năm 2,93% (-0,33 điểm phần trăm); 3 năm 3,11% (-0,28 điểm phần trăm); 5 năm 3,58% (-0,15 điểm phần trăm); 7 năm 3,98% (-0,13 điểm phần trăm); 10 năm 4,5% (-0,05 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần qua tiếp tục tích cực khi sắc xanh ngập tràn trên cả 3 sàn. Chốt tuần 19/7, VN-Index đứng ở mức 982,34 điểm, tăng 6,94 điểm (+0,71%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,21 điểm (+1,14%), lên 107,07 điểm; UPCOM-Index tăng 0,93 điểm (+1,64%) lên 57,54 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn không được cải thiện với giá trị giao dịch trên 4.300 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng mạnh gần 812 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Mỹ và Trung Quốc có cuộc điện đàm liên quan đến thương mại vào thứ 5 tuần qua. Quan chức Mỹ cho biết sẽ sớm có cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên, đồng thời Tổng thống Donald Trump cũng nhận định kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể giúp đẩy nhanh tiến trình đàm phán.
Tại châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản bước vào cuộc chiến thương mại khi phía Tokyo thắt chặt kiểm soát xuất khẩu các loại vật liệu công nghệ cao cho Seul. Nhật Bản cũng đe dọa gạch tên Hàn Quốc khỏi các đối tác xuất khẩu an toàn, dấy lên nguy cơ xáo trộn chuối cung ứng quốc tế.
Nới lỏng chính sách tiền tệ có thể trở thành xu hướng chung cho các NHTW. Chủ tịch Fed chi nhanh New York cho biết các quan chức không thể ngồi đợi suy giảm kinh tế trở thành hiện thực. Thị trường xem đây là tín hiệu Fed có thể hạ lãi suất trong tháng 7.
Hãng Reuters dự báo khả năng NHTW châu Âu ECB hạ lãi suất tiền gửi trong tháng 7 lên tới 90% và khả năng tái khởi động QE là 100%, nhằm hỗ trợ kinh tế phát triển và lạm phát đạt ngưỡng mục tiêu 2,0%.
NHTW Hàn Quốc BOK tuần vừa qua bất ngờ hạ lãi suất chính sách 0,25 điểm phần trăm xuống còn 1,50% do lo ngại những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Nhật Bản. BOK cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP Hàn Quốc năm 2019 còn 2,2%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với lần dự báo trước.