Điểm lại thông tin kinh tế ngày 3/6
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 27-31/5 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.060 VND/USD, giảm 5 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.702 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.400 VND/USD, giảm 15 đồng so với phiên 31/5. Tỷ giá tự do giảm 20 đồng ở chiều mua vào và 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.390 - 23.420 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 3/6, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,02 - 0,46 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tháng so với phiên cuối tuần trước, đặc biệt tăng mạnh ở kỳ hạn qua đêm và 1 tuần; giao dịch tại: qua đêm 3,32%; 1 tuần 3,46%; 2 tuần 3,54% và 1 tháng 3,70%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD không thay đổi ở các kỳ hạn qua đêm và 2 tuần, giảm 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng; giao dịch với mức: qua đêm 2,51%; 1 tuần 2,61%; 2 tuần 2,69%, 1 tháng 2,82%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm ở các kỳ hạn 7 năm trở lên so với phiên 31/5, giao dịch tại: 3 năm 3,55%; 5 năm 3,80%; 7 năm 4,16%; 10 năm 4,69%; 15 năm 5,03%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3,0%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được toàn bộ khối lượng này. Trong ngày có 11.800 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 1.800 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức 82.999 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất 4,75%, không có khối lượng trúng thầu, số dư trên kênh cầm cố bằng 0.
Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần diễn ra theo chiều hướng rất tiêu cực, áp lực bán liên tục dâng cao khiến thị trường lao dốc mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 13,41 điểm (-1,40%) xuống 946,47 điểm; HNX-Index giảm 1,07 điểm (-1,03%) xuống còn 103,28 điểm; UPCOM-Index giảm 0,32 điểm (-0,60%) xuống ở mức 54,80 điểm.
Điểm sáng là thanh khoản thị trường tăng tích cực với tổng giá trị giao dịch đạt trên 5.000 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 21 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei đã giảm nhẹ từ mức 52,5 điểm tháng 4 còn 52 điểm trong tháng 5, nhưng vẫn cho thấy sự cải thiện về điều kiện kinh doanh.
Sức khỏe của lĩnh vực sản xuất được ghi nhận cải thiện chậm hơn mặc dù cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng mạnh hơn. Đến nay tăng trưởng đã được ghi nhận trong suốt một năm rưỡi qua.
Tin quốc tế
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trên trang cá nhân, cho rằng thuế quan mà ông cùng Chính phủ Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc không làm cho lạm phát ở Mỹ tăng lên mà sẽ có tác dụng thúc đẩy các nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc để đầu tư vào các nước khác. Ông nhấn mạnh thêm không có dấu hiệu cho thấy giá cả và lạm phát tăng, đồng thời Mỹ đang thu về hàng tỷ USD.
Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất Mỹ giảm xuống 52,1 điểm trong tháng 5 từ mức 52,8 điểm của tháng trước đó, trái với dự báo tăng lên 53,0 điểm của các chuyên gia.
Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Anh ghi nhận 49,4 điểm trong tháng 5, giảm mạnh từ mức 53,1 điểm của tháng trước đó đồng thời sâu hơn dự báo giảm xuống 52,5 điểm. Đây cũng là lần đầu tiên ngành sản xuất của Anh bị thu hẹp kể từ tháng 8/2016.
Chỉ số PMI lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc ở mức 50,2 điểm trong tháng vừa qua, không thay đổi so với mức điểm của tháng 4 đồng thời trái dự báo giảm còn 50,0 điểm.