Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 17-21/6
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 18/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 17/6 |
Tổng quan
Giá dầu thô biến động mạnh trong gần một năm qua và được cho rằng khó dự đoán khi các biến động địa - chính trị trên thế giới diễn ra phức tạp và khó lường. Sau khi giảm gần 80% từ 76,90 USD/thùng vào ngày 3/10/2018 xuống chỉ còn 42,36 USD/thùng vào ngày 24/12/2018, giá đã tăng trở lại gần 60%, thiết lập mức cao gần đây nhất là 66,60 USD/thùng chỉ bốn tháng sau đó. Đến thời điểm hiện tại, giá dầu đã giảm trở lại mức trên 50 USD/thùng.
Các yếu tố hỗ trợ tăng giá dầu trong năm nay gồm việc duy trì cắt giảm sản lượng từ các nước OPEC và các nhà sản xuất lớn khác; nguồn cung giảm từ hai thành viên OPEC là Iran và Venezuela do lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ; sự sụt giảm của nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Sản lượng dầu của OPEC đã giảm xuống còn 29,9 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 5, mức thấp nhất trong hơn 5 năm.
Trong báo cáo công bố ngày 11/6, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ EIA đã hạ dự báo mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của toàn cầu năm 2019. EIA hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ của toàn cầu 160.000 thùng/ngày so với báo cáo hồi tháng Năm xuống 1,22 triệu thùng/ngày.
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất công bố vào ngày 13/6, OPEC cũng hạ dự báo mức tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Theo dự báo của OPEC, nhu cầu dầu thế giới dự báo sẽ tăng 1,14 triệu thùng/ngày trong năm nay, thấp hơn 70.000 thùng/ngày so với ước tính trước đó.
Các yếu tố gây cản trở cho giá dầu thô tăng lên bao gồm: Lo ngại về sự suy giảm kinh tế toàn cầu do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang khiến nhu cầu dầu sụt giảm; việc Chính quyền Trump thắt chặt lệnh cấm bán dầu Iran cho các nước khác, như Ấn Độ và Trung Quốc có thể thúc đẩy các thành viên khác của OPEC như Saudi Arabia, Kuwait và thành viên ngoài OPEC như Nga bù đắp khoảng trống cung của Iran.
Ngoài ra, mặc dù nguồn cung OPEC ra thị trường toàn cầu giảm nhưng nguồn cung dầu thô nội địa của Mỹ đã tăng mạnh trong thời gian gần đây trong bối cảnh dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm nay thêm 1,4 triệu thùng/ngày lên trung bình 12,4 triệu thùng/ngày, sản lượng năm 2020 đạt trung bình 13,3 triệu thùng/ngày.
Các nhà phân tích hàng đầu dự báo tình trạng sẽ là dư cung trong năm nay và năm tới ngay cả khi sản lượng từ Iran và Venezuela không tăng trở lại. Cụ thể, S&P Global Platts ước tính thừa 400.000 thùng/ngày vào năm 2020, trong khi EIA đưa ra mức 100.000 thùng/ngày; IHS Markit dự báo dư 800.000 thùng/ngày.
Những xung đột mới đây giữa Mỹ và Iran như vụ Iran bắn rơi một thiết bị bay không người lái (drone) của Mỹ cùng loạt vụ tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh trong tháng 5 và tháng 6, đang đẩy căng thẳng ở "vựa dầu" của thế giới lên cao.
Trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng chưa thể sớm muộn có hồi kết. Những việc này khiến giá dầu càng trở nên khó lường định trong thời gian từ nay đến cuối năm và sang năm 2020. Ngoài ra, thị trường kỳ vọng OPEC+ ít nhất sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng, hoặc thậm chí có thể cắt giảm sâu hơn trong cuộc họp 1-2/7 này.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 17-21/6, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng khá mạnh 2 phiên đầu tuần, nhưng đã được điều chỉnh giảm trở lại các phiên cuối tuần. Chốt tuần 21/6, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.055 VND/USD, giảm 4 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.697 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng chỉ tăng phiên đầu tuần trong khi giảm cả 4 phiên sau đó. Chốt tuần 21/6, tỷ giá giao dịch ở mức 23.285 VND/USD, giảm 45 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do vẫn trong xu hướng giảm trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 21/6, tỷ giá giảm 30 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.280 - 23.300 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần qua tương tự tuần trước đó, lãi suất liên ngân hàng VND chỉ biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt tuần 21/6, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 3,08% (-0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 3,26% (+0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 3,40% (-0,02 điểm phần trăm); 1 tháng 3,64% (-0,01 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD tiếp tục biến động nhẹ trong tuần qua. Cuối tuần 21/06, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,50% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 2,59% (không thay đổi), 2 tuần 2,66% (-0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,75% (-0,04 điểm phần trăm).
Thị trường mở trong tuần từ 17-21/6, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 68.000 tỷ đồng tín phiếu, các tổ chức tín dụng hấp thụ được 67.999 tỷ đồng. Trong tuần có 64.799 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 67.999 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố vẫn với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%, chỉ có 21 tỷ đồng trúng thầu trong một phiên. Trong tuần không có đáo hạn. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 21 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 3.179 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần vừa qua.
Thị trường trái phiếu tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 2.000/2.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 80%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm không trúng thầu, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ 1.000 tỷ đồng gọi thầu mỗi loại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 4,65%/năm, kỳ hạn 15 năm tại 5%/năm - giảm 2 điểm so với phiên đấu thầu trước.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường tuần qua đạt khoảng 7.173 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ so với mức trên 7.600 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp chốt phiên 21/6 ít biến động so với cuối tuần trước đó.
Cụ thể, trái phiếu Chính phủ giao dịch quanh 1 năm 3,17% (+0,01 điểm phần trăm); 2 năm 3,46% (+0,03 điểm phần trăm); 3 năm 3,58% (+0,02 điểm phần trăm); 5 năm 3,85% (+0,01 điểm phần trăm); 7 năm 4,16% (+0,01 điểm phần trăm); 10 năm 4,67% (-0,01 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần vừa qua khá khởi sắc khi cả 3 sàn chốt tuần với sắc xanh. Phiên cuối tuần 21/6, VN-Index đứng ở mức 959,20 điểm, tăng 5,59 điểm (+0,59%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng mạnh 1,39 điểm (+1,34%), lên mức 104,85 điểm; UPCOM-Index tăng nhẹ 0,08 điểm (+0,15%) lên 55,12 điểm.
Thanh khoản thị trường có cải thiện so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trên 4.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng hơn 213 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Thế giới theo sát các cuộc họp chính sách của nhiều NHTW lớn trong tuần vừa qua trong đó có cuộc họp của Fed, Mỹ - Trung sẽ gặp nhau tại G20, các khu vực kinh tế lớn đón nhiều thông tin trái chiều.
Trong phiên họp 18-19/6, Fed nhận định thị trường lao động tăng trưởng nhanh, các hoạt động kinh tế phát triển ở mức vừa phải và mức độ lạm phát đang dưới ngưỡng mục tiêu, theo đó tuyên bố không thay đổi lãi suất chính sách ở mức 2,25 - 2,50%.
Tuy nhiên các văn bản và phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell đều cho thấy có sự thay đổi lớn trong quan điểm của Fed so với cuộc họp tháng 3. Cụ thể, nhiều quan chức của Fed trong cuộc họp vừa qua cho rằng giảm lãi suất là hành động đúng đắn trong bối cảnh hiện tại, điều không được thành viên FOMC nào ủng hộ trong cuộc họp tháng 3. Thị trường theo đó kỳ vọng sẽ có một đợt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 7.
NHTW Anh BOE và NHTW Nhật Bản tuần qua hành động tương tự so với Fed, giữ mức lãi suất hiện tại lần lượt ở mức 0,75% và -0,1% với cùng lý do hỗ trợ kinh tế và mức tăng trưởng lạm phát.
Liên quan đến tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông nhận được cuộc gọi từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, xác nhận sẽ tới cuộc gặp mặt bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra cuối tuần này.