Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 21-25/10
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 24/10 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/10 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/10 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/10 |
Tổng quan
Thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh và duy trì ở mức rất thấp là nguyên nhân chính khiến lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ lập đáy mới trong vòng 10 năm trở lại đây.
Từ nguồn cung VND đối ứng của hoạt động mua vào ngoại tệ trước đó, thanh khoản hệ thống thường xuyên ở trạng thái rất dồi dào, Ngân hàng Nhà nước liên tục phải duy trì quy mô tín phiếu ở mức cao từ 15.000 - 18.000 tỷ đồng/phiên để hút tiền về.
Ngày 9/10/2019, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất tín phiếu thêm 25 điểm phần trăm xuống 2,25%/năm cho kỳ hạn 1 tuần, đây là lần giảm thứ 3 trong năm 2019 với mức giảm tổng cộng 75 điểm phần trăm.
Lãi suất tín phiếu vốn được coi là mức chặn dưới đối với lãi suất trên liên ngân hàng nhưng kể từ sau đợt giảm về mức 2,25%/năm, lãi suất liên ngân hàng cùng kỳ hạn có nhiều thời điểm vẫn liên tục ở dưới ngưỡng này (giao dịch quanh 1,92 - 1,98%/năm). Ở mức đó, lãi suất liên ngân hàng VND kỳ hạn 1 tuần cũng thấp hơn lãi suất USD khá nhiều, chênh lệch lãi suất qua đêm VND-USD chuyển sang -20 điểm phần trăm sau 14 tháng duy trì mức dương.
Trên thị trường trái phiếu Chính phủ, nhu cầu đầu tư trên thị trường sơ cấp rất lớn, thể hiện ở tỷ lệ trúng thầu trong tháng 10 đạt 100%, tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu ở mức 4 lần và mỗi phiên đấu thầu thu hút từ 9 - 15 thành viên tham gia.
Nhu cầu mua trái phiếu Chính phủ lớn trong bối cảnh lãi suất VND - giá vốn trên liên ngân hàng ở mức rất thấp khiến lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn giảm sâu và hiện đang ở vùng đáy trong vòng 10 năm trở lại đây. Tính trong tháng 10, lãi suất trúng thầu đã giảm từ 30 - 60 điểm; tính từ đầu quý III đến nay, lãi suất trúng thầu đã giảm mạnh tới 80 -120 điểm, về mức: kỳ hạn 5 năm 2,85%/năm, 7 năm 3%/năm, 10 năm 3,56%/năm.
Thông tin Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tín phiếu khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thứ cấp giảm mạnh. Hiện tại, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm tại 2,64%/năm, 7 năm tại 3,1%/năm và 10 năm tại 3,67%/năm. Đà giảm mạnh của lợi suất được ghi nhận ngay trước và sau thời điểm Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tín phiếu khoảng 1 tuần, song đã có dấu hiệu điều chỉnh nhẹ vào các phiên cuối tháng.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 21-25/10, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biến động tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 25/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.155 VND/USD, tăng nhẹ 1 đồng so với tuần trước đó. Vì vậy, tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.800 VND/USD.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần qua tăng giảm luân phiên và không đáng kể trong các phiên. Kết thúc phiên cuối tuần 25/10, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.200 VND/USD, giảm nhẹ 3 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng biến động rất ít trong tuần vừa qua, chỉ giảm 5 đồng ở chiều mua vào và tăng 5 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.185 - 23.210 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 21-25/10, lãi suất liên ngân hàng VND tăng ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt tuần, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 2,06% (+0,28 điểm phần trăm); 1 tuần 2,16% (+0,19 điểm phần trăm); 2 tuần 2,34% (+0,11 điểm phần trăm); 1 tháng 2,60% (+0,07 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng USD giảm ở hầu hết các kỳ hạn, riêng kỳ hạn 1 tháng không đổi trong tuần vừa qua. Cuối tuần 25/10, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 1,99% (-0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 2,12% (-0,01 điểm phần trăm), 2 tuần 2,24% (-0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,44% (0,00 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 21-25/10, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 72.000 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,25%/năm. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng này. Trong tuần có 87.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 72.000 tỷ đồng.
Trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước vẫn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trong cả 5 phiên tuần qua với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4,50%/năm, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu, dẫn đến không có khối lượng lưu hành trên thị trường.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 15.000 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu sơ cấp trong tuần từ 21/10 - 25/10, Kho bạc Nhà nước huy động thành công toàn bộ 4.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 100%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm và 30 năm huy động được 500 tỷ đồng mỗi loại; kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được 1.500 tỷ đồng mỗi loại. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn đồng loạt giảm mạnh từ 22 - 57 điểm so với phiên đấu thầu trước đó.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ tuần qua giảm nhẹ so với tuần trước đó. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ phiên cuối tuần 25/10 giao dịch quanh: 1 năm 2,29% (-0,05 điểm phần trăm); 2 năm 2,40% (-0,06 điểm phần trăm); 3 năm 2,53% (-0,02 điểm phần trăm); 5 năm 2,64% (-0,05 điểm phần trăm); 7 năm 3,10% (-0,10 điểm phần trăm); 10 năm 3,67% (-0,03 điểm phần trăm); 15 năm 3,83% (-0,06 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần qua, các chỉ số cũng chỉ biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu. Chốt phiên cuối tuần 25/10, VN-Index đứng ở mức 996,57 điểm, tăng 7,37 điểm (+0,75%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 0,77 điểm (-0,73%), xuống mức 104,71 điểm; UPCOM-Index tăng nhẹ 0,05 điểm (+0,09%) lên 56,51 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức 4.140 tỷ đồng/phiên, tương tự mức 4.200 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 15 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế trái chiều. PMI lĩnh vực sản xuất của Mỹ trong tháng 10 cao hơn tháng trước và dự báo của giới chuyên gia. PMI lĩnh vực dịch vụ cũng tăng nhẹ so với tháng trước và bằng với dự báo. Ngoài ra, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 18/10 giảm so với tuần trước đó và thấp hơn dự báo. Trong khi đó, số đơn đặt hàng hóa lâu bền tại Mỹ giảm mạnh trong tháng 9 sau khi tăng nhẹ ở tháng 8, cao hơn nhiều so mức dự đoán. Cuối cùng, doanh số bán nhà mới tại Mỹ giảm nhẹ so với tháng 8 và thấp hơn dự báo.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB không thay đổi lãi suất, hạ dự báo tăng trưởng GDP tại Eurozone. Vừa qua, ECB không thay đổi các mức lãi suất điều hành, lãi suất cơ bản hiện vẫn ở mức 0,0%. Bên cạnh đó, ECB dự báo Eurozone tăng trưởng 1,1% năm 2019, không thay đổi so với dự báo trước. Tuy nhiên, ECB hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này năm 2020 còn 1,0% từ mức 1,3% của lần dự báo trước.
Dự thảo Brexit của Thủ tướng Anh Boris Johnson có thể là giải pháp cho mối quan hệ của nước này và Liên minh Châu Âu EU.
Kể từ trưng cầu dân ý tháng 10/2016, Brexit luôn được coi là mục tiêu hàng đầu của nước Anh mặc dù EU luôn cho rằng điều này sẽ tác động đến kinh tế của cả hai bên. Nhiều bế tắc vẫn luôn tồn tại trong quá trình thực hiện Brexit, kể từ sau khi trưng cầu dân ý cho tới khi cựu Thủ tướng Theresa May từ chức, tuy nhiên Chính phủ Anh luôn cho thấy quyết tâm thực hiện “cuộc ly hôn lịch sử” này. Cho tới hiện tại, tân Thủ tướng Boris Johnson kể từ khi nhận chức luôn luôn tuyên bố sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU dù có thỏa thuận hay không.
Nước Anh có thể chịu thiệt hại nghiêm trọng dù có đạt được thỏa thuận Brexit hay không. Theo tính toán của các chuyên gia, thiệt hại về kinh tế có thể được xem là hậu quả lớn nhất mà Anh phải hứng chịu khi quyết đòi rời EU. Cụ thể, Anh có thế mất xếp hạng tín dụng AAA, kinh tế quốc nội có thể suy giảm trong vòng 5 năm liên tiếp. Ngoài ra, nước này cũng mất đi những lợi thế lớn khi tham gia liên minh thuế quan EU, đó là thương mại tự do trong khối, điều cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất. Nước Anh cũng có thể đánh mất đi vị thế là trung tâm tài chính, cánh cổng kết nối của thế giới đối với thị trường Châu Âu.
Chưa kể đến kịch bản Brexit không thỏa thuận sẽ gây ra nhiều hậu quả vô cùng nặng nề, trong đó chính phủ Anh liệt kê 20 tình huống xấu nhất có thể diễn ra. Nổi bật trong các tình huống này có việc nước Anh có thể rơi vào những bất ổn trong việc xác định các mức thuế quan dẫn đến thị trường giá cả biến động dữ dội, điển hình như giá nhiên liệu, thực phẩm, dụng cụ y tế.
Về phía Liên minh Châu Âu, Brexit sẽ làm EU mất đi đối tác thương mại chính là nước Anh - quốc gia chiếm đến 13% lượng giao dịch buôn bán trong một liên minh không có rào cản thương mại. Tiêu cực hơn, Brexit cứng có thể là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế của khối này sụt giảm, tối đa là 1,5% vào năm 2030, theo dự báo của IMF.
Bên cạnh đó, nếu không có thỏa thuận, một đường biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland rất có thể sẽ được thiết lập, ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ hòa bình giữa hai khu vực này cùng các bên có liên quan.
Trong những ngày gần đây, Thủ tướng Boris Johnson đã đưa ra dự thảo Brexit mới gồm 110 trang chính và 124 trang phụ lục, thay thế cho dự thảo của bà May trước đây từng bị Quốc hội Anh bác bỏ. Trong thỏa thuận này, điểm mấu chốt nằm ở việc Bắc Ailen sẽ vẫn là một phần của lãnh thổ hải quan Anh, tuy nhiên sẽ chịu thuế quan của EU và bị kiểm soát chất lượng hàng hóa thương mại thông qua việc giám sát từ xa mà không cần một đường biên giới cứng, điều này sẽ được duy trì trong một thời gian quá độ trước khi Anh và Bắc Ireland tách hẳn khỏi liên minh thuế quan. Dự thảo này hiện đã được EU phê chuẩn.
Tuy nhiên, ngày 19/10, Quốc hội Anh một lần nữa thông qua đề xuất hoãn bỏ phiếu dự thảo mới của Thủ tướng Johnson và yêu cầu ông phải gửi đơn xin hoãn Brexit lên Ủy ban Châu Âu EC, thay vì hạn chót 31/10 theo lộ trình cũ. Phía EU liên tiếp kêu gọi chính quyền Anh làm rõ các bước tiếp theo trong thời gian sớm nhất có thể, đồng thời cảnh báo việc trì hoãn không có lợi cho bên nào.
Sau hơn ba năm từ khi chính thức tuyên bố sẽ ly khai, hầu hết các quan chức Anh đã thể hiện khá rõ quyết tâm theo đuổi Brexit mặc dù vẫn đang có các kế hoạch trì hoãn nhằm tìm ra giải pháp có lợi nhất có thể. Bên cạnh đó, EU cũng cho thấy lập trường cứng rắn, để Anh rời khỏi Liên minh với một thỏa thuận. Trong bối cảnh đó, có thể thấy dự thảo mới của Thủ tướng Boris Johson đang là hy vọng lớn nhất cả hai bên có được.
Mặc dù vậy, thế giới vẫn phải chờ đợi quyết định cuối cùng của Quốc hội Anh và quan trọng hơn là thời gian để kiểm chứng tính hiệu quả trong trường hợp dự thảo này được thông qua.