Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 26-30/8
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 29/8 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 28/8 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 27/8 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 26/8 |
Tổng quan
Tình hình kinh tế cả nước 8 tháng đầu năm 2019 tương đối khả quan khi chỉ số giá tiêu dùng vẫn ở mức khá thấp, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn giữ đà phát triển với mức kỷ lục về số dự án đăng ký cấp mới 8 tháng và số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 8/2019 tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 1,87% so với tháng 12/2018 và tăng 2,26% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 8, có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 2,81% (dịch vụ y tế tăng 3,64%, góp phần tăng CPI chung 0,14%); nhóm giáo dục tăng 0,57% do một số địa phương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020.
Theo ý kiến của Tổng cục Thống kê, nguyên nhân khiến CPI tháng 8/2019 tăng là do giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường. Bên cạnh đó, CPI tháng 8 tăng còn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, nguồn cung thịt lợn giảm (tính đến ngày 20/8/2019 tổng số lợn bị tiêu hủy khoảng 4,4 triệu con với tổng trọng lượng khoảng hơn 255.500 tấn), khiến giá thịt lợn tháng 8/2019 tăng 0,89% so với tháng trước, tác động đến CPI chung tăng 0,04%.
Tính bình quân 8 tháng năm 2019, CPI tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018 và là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Lạm phát cơ bản tháng 8/2019 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,95% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 1,9% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Theo các chuyên gia, lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Điều đáng quan ngại nhất về lạm phát trong 4 tháng cuối năm vẫn là rủi ro liên quan đến giá nhóm hàng thịt lợn do dịch bệnh có thể khiến nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, xu hướng giá cả các loại hàng hóa cơ bản trên thế giới không chịu nhiều áp lực tăng do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại sẽ là nhân tố giúp kiểm soát lạm phát.
Về xuất nhập khẩu, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu tháng thứ 3 liên tiếp với mức 3,4 tỷ USD, trong đó đóng góp chủ yếu của nhóm hàng điện thoại và linh kiện với kim ngạch xuất khẩu lên tới 33 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2019 ước tính đạt 24,5 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 52,04 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 117,94 tỷ USD, tăng 4,6%, chiếm 69,4%.
Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 8 ước tính đạt 22,8 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng trước nhưng tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 166,58 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu 3,4 tỷ USD, trong đó riêng tháng 8/2019 xuất siêu 1,7 tỷ USD, tương đương với giá trị xuất siêu của 7 tháng đầu năm.
Về đầu tư, từ đầu năm đến ngày 20/8/2019, có 2.406 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 9,128 tỷ USD, tăng 25,4% về số dự án nhưng giảm 32,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 908 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,99 tỷ USD, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 8 tháng năm 2019 đạt 13,12 tỷ USD, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng còn có 5.235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 9,51 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 872 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 5,9 tỷ USD và 4.363 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,61 tỷ USD.
Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa điều chỉnh giảm giá xăng dầu kể từ ngày 31/08. Cụ thể, xăng RON95-III giảm 170 đồng/lít; Xăng E5RON92 giảm 135 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S giảm 165 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 69 đồng/lít; Dầu madút giảm 244 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng RON95-III không cao hơn 20.235 đồng/lít; Xăng E5RON92 không cao hơn 19.223 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.339 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 15.327 đồng/lít; Dầu madút không cao hơn 13.828 đồng/kg.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 26-30/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 30/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.133 VND/USD, tăng 6 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.777 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tuần qua dao động xung quanh tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước. Kết thúc phiên cuối tuần 30/08, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.200 VND/USD, tăng 2 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do giữ nguyên trong 3 phiên đầu tuần và tăng nhẹ 2 phiên cuối tuần. Kết thúc ngày 30/8, tỷ giá tăng 30 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, đóng cửa tại 23.210 - 23.240 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 26-30/8, lãi suất liên ngân hàng VND biến động tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn so với cuối tuần trước đó. Chốt tuần 30/08, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 4,45% (+1,25 điểm phần trăm); 1 tuần 4,53% (+1,22 điểm phần trăm); 2 tuần 4,53% (+1,13% điểm phần trăm); 1 tháng 4,50% (+0,97 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng USD tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Cuối tuần 30/08, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,28% (-0,04 điểm phần trăm); 1 tuần 2,38% (-0,03 điểm phần trăm), 2 tuần 2,47% (-0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,60% (-0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần qua, Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu. Trong tuần có 18.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, không còn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành trên thị trường.
Trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 26.000 tỷ đồng trong cả tuần, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%/năm. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 13.134 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 31.133 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu ngày 28/8, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 2.950/3.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu (tỷ lệ thành công 98%). Trong đó, kỳ 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ 1.000 tỷ đồng gọi thầu mỗi loại, kỳ hạn 30 năm huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng, riêng kỳ hạn 7 năm huy động được 450/500 tỷ đồng gọi thầu.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 7 năm ở mức 3,75% - giảm 22 điểm so với phiên đấu thầu trước, kỳ 10 năm tại 4,18% - giảm nhẹ 2 điểm, kỳ 15 năm tại 4,46% - giảm nhẹ 4 điểm và kỳ 30 năm tại 5,35% - giảm 16 điểm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường tuần qua đạt 11.601 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức trên 10.300 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu Chính phủ không biến động nhiều trong tuần qua.
Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ phiên cuối tuần 30/8 giao dịch quanh 1 năm 2,72% (-0,03 điểm phần trăm); 2 năm 2,84% (-0,00 điểm phần trăm); 3 năm 2,94% (-0,01 điểm phần trăm); 5 năm 3,26% (+0,01 điểm phần trăm); 7 năm 3,78% (-0,03 điểm phần trăm); 10 năm 4,16% (-0,02 điểm phần trăm); 15 năm 4,45% (-0,01 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán lại chứng kiến một tuần tiêu cực khi cả 3 chỉ số đều chốt tuần dưới mức tham chiếu. Kết thúc phiên cuối tuần 30/8, VN-Index đứng ở mức 984,06 điểm, giảm 8,39 điểm (-0,85%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 0,93 điểm (-0,90%), xuống mức 102,32 điểm; UPCOM-Index giảm 0,12 điểm (-0,21%) xuống 57,83 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch gần 4.100 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng hơn 218 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Sau những ngày xuống thang đầu tuần qua giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nước này vẫn giữ và chính thức áp thuế lên hàng hóa của nhau vào ngày 1/9 như đã cảnh báo. Tuy nhiên, sau khi áp thuế mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra lạc quan về một cuộc đàm phán trong tháng 9, và thậm chí có thể dẫn đến một thỏa thuận thương mại song phương xoa dịu căng thẳng giữa hai nước trong hơn một năm qua.
Trái lại, Bộ Thương mại Trung Quốc đâm đơn khiếu nại lên WTO, cáo buộc Mỹ liên tục chủ động áp thuế quan trừng phạt vô lý và làm ảnh hưởng tới thương mại quốc tế.
Sau những thông tin trái chiều này, thị trường đã giảm kỳ vọng vào một bản thỏa thuận trong năm 2019, theo như lời Tổng thống Trump.
Liên quan đến Brexit, đây là vấn đề đang làm cho nội bộ nước anh bị chia cắt trong những ngày vừa qua. Công Đảng Anh đe dọa sẽ ngăn chặn trường hợp Brexit không thỏa thuận bằng mọi cách, thậm chí nếu phải lật đổ Chính phủ hiện tại thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Thủ tướng Anh Boris Johnson sau sự kiện này đề xuất rời lịch làm việc trở lại của Quốc hội tới ngày 14/10 thay vì ngày 14/9 theo thông lệ, và đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II chấp thuận. Điều này làm dấy lên những cáo buộc ông Johnson chủ ý ngăn cản quốc hội bác bỏ Brexit không thỏa thuận.