Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 5-9/8
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/8 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 7/8 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 6/8 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 5/8 |
Tổng quan
Căng thẳng Mỹ và Trung Quốc leo thang phức tạp, thị trường quốc tế lo sợ chiến tranh thương mại chuyển biến thành chiến tranh tiền tệ và Việt Nam cần có sự chuẩn bị chủ động cho nhiều kịch bản.
Mỹ chính thức gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ sau khi USD/CNY vượt qua “lằn ranh đỏ”. Cụ thể, ngày 5/8, Bộ Tài chính Mỹ chính thức cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, sau khi NHTW nước này chấp nhận để đồng CNY suy yếu, vượt qua mức 7 CNY/USD, được coi là “lằn ranh đỏ” của đồng tiền này trong nhiều năm.
Lần gần nhất mà tỷ giá USD/CNY vượt qua ngưỡng này là 11 năm trước, cùng thời điểm với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.
Đối với hiện tại, những động thái này là một nấc thang mới trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sau khi hai nước liên tiếp tăng cường đánh thuế hàng hóa của nhau trong gần một năm trở lại đây, mà lần gần nhất, ngày 1/8, Mỹ thông báo đánh thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ Trung Quốc (hiệu lực kể từ 1/9).
Sau khi đưa ra cáo buộc, Mỹ chưa có sự trừng phạt trực tiếp nào nào ngoài việc ngăn chặn các nhà thầu Liên bang Mỹ mua linh kiện điện tử Trung Quốc. Tuy nhiên, hành động gắn mác của Mỹ khiến cho nhiều quốc gia cùng lúc giao thương lớn với cả hai bên phải cảnh giác, đồng thời nâng sự chú ý của các tổ chức tài chính quốc tế đối với Trung Quốc lên một bậc.
Thế giới lo sợ sẽ có một cuộc chiến tranh tiền tệ có thể xảy ra nếu Washington cũng làm suy yếu đồng USD nhằm trả đũa Bắc Kinh, bài học được rút ra từ lịch sử và thị trường đang bắt đầu hành động né tránh rủi ro. Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua tiếp tục gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed về việc đồng USD đang quá mạnh, khiến cho Mỹ gặp nhiều bất lợi trong thương mại.
Nếu ông Trump thành công trong việc hạ giá đồng USD, nhiều quốc gia sẽ lập tức phải chạy đua nếu không muốn gặp bất lợi. Chiến tranh tiền tệ được thực tế chứng minh sẽ không mang lại lợi thế cho nước nào khi tất cả cùng giảm giá trị đồng tiền.
Mặt khác, một cuộc chiến như vậy sẽ khiến cho thị trường hoang mang và mất niềm tin, kéo theo là đầu tư, sản xuất và thương mại quốc tế ngày càng trở nên suy yếu, giống như những gì đã xảy ra những năm 1930 khi Anh khơi mào bằng cách hạ giá đồng GBP 25%.
Những ngày gần đây đã có nhiều ngân hàng giảm lãi suất chính sách, nhằm chuẩn bị trước cho những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. Cụ thể, trong tuần vừa qua, NHTW New Zealand, Ấn Độ hạ lãi suất lần lượt ở mức 50 điểm, 35 điểm, đồng thời NHTW Thái Lan và Phillippines cùng hạ lãi suất 25 điểm nhằm đối phó với các rủi ro địa chính trị quốc tế và bảo toàn tăng trưởng GDP.
Về thị trường hàng hóa, giá vàng tăng mạnh gần 4% trong vòng một tuần sau khi phiên cuối tuần kết thúc.
Giá dầu có những phiên đầu tuần phải hứng chịu sự giảm giá rất mạnh. Đỉnh điểm là ngày 8/8, giá dầu giảm gần 5% so với ngày hôm trước và kết thúc tuần giảm 2,0% so với cuối tuần trước đó.
Thị trường chứng khoán cho thấy sự giảm điểm ở hầu hết các chỉ số lớn, ngày 5/8 chỉ số DowJones Mỹ và Shanghai Trung Quốc cùng giảm gần 3% so với phiên trước, kết thúc tuần DowJones mất 0,75% so với cuối tuần trước và Shanghai mất hơn 3%.
Việt Nam đang trong tình thế khó, cần có sự chuẩn bị cho nhiều kịch bản. Báo cáo thường niên của Bộ Tài chính Mỹ ra tháng 5/2019 đã liệt kê Việt Nam và một số nước khác vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ. Trong đó, Việt Nam đang chạm hai trong ba tiêu chí kết luận thao túng tiền tệ của Mỹ là: thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ đạt trên 20 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai đạt trên 2% GDP.
Nếu vi phạm điều kiện thứ ba là can thiệp ngoại hối một chiều và liên tục (gồm: mua ngoại tệ ròng lớn hơn 2% GDP trong 12 tháng và mua ngoại tệ ròng liên tục trong 6 tháng), Việt Nam có thể sẽ cùng với Trung Quốc, bị gắn mác thao túng tiền tệ.
Điều khó khăn cho Việt Nam là trong trường hợp CNY mất giá mạnh, tỷ giá USD/VND không đổi sẽ tạo ra nhiều áp lực cho cán cân thương mại, dẫn đến nguy cơ thâm hụt thương mại và ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP.
Có thể nói, tình hình hiện tại đưa Việt Nam vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn cần quan sát kỹ lưỡng, tham khảo bước đi của các NHTW trong khu vực, từ đó có sự chuẩn bị cho nhiều kịch bản, đảm bảo thế chủ động trong việc điều hành và dẫn dắt thị trường.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 5-9/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng/giảm qua các phiên. Chốt tuần 9/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.102 VND/USD, tăng 12 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.745 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tăng mạnh lên 23.275 VND/USD trong phiên đầu tuần qua, tuy nhiên giảm dần cho tới hết phiên cuối tuần. Chốt phiên thứ Sáu ngày 9/8, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.201 VND/USD, giảm 24 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng trong các phiên thứ Hai và thứ Ba sau đó giảm dần. Kết thúc ngày 9/8, tỷ giá tăng 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, đóng cửa tại 23.210 - 23.240 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong tuần từ 5-9/8, lãi suất liên ngân hàng VND tăng trở lại ở tất cả các kỳ hạn. Cuối tuần 9/8, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 2,98% (+0,11 điểm phần trăm); 1 tuần 3,12% (+0,13 điểm phần trăm); 2 tuần 3,25% (+0,12% điểm phần trăm); 1 tháng 3,45% (+0,09 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng USD giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn so với cuối tuần trước đó. Chốt cuối tuần 09/08, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,41% (-0,07 điểm phần trăm); 1 tuần 2,49% (-0,05 điểm phần trăm), 2 tuần 2,59% (-0,05 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,70% (-0,09 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 5-9/8, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 39.000 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn tín phiếu vẫn ở mức 7 ngày, lãi suất ở mức 2,75%. Kết quả, các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng chào thầu. Trong tuần có 49.999 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, trong tuần, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 11.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 38.999 tỷ đồng.
Trên kênh cầm cố, không phát sinh giao dịch mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%/năm.
Thị trường trái phiếu, ngày 7/8, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 2.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, giảm mạnh từ mức gọi thầu 8.500 tỷ đồng trong tuần trước đó. Kết quả, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 1.850/2.000 (tỷ lệ thành công 93%). Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn giảm nhẹ/đi ngang so với phiên đấu thầu trước đó.
Cụ thể, trái phiếu kỳ hạn 10 năm có 12 thành viên dự thầu, huy động được toàn bộ 1.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,42%/năm, thấp hơn 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 31/7/2019). Trái phiếu kỳ hạn 15 năm có 7 thành viên dự thầu, huy động được 850 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,68%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 31/7/2019).
Kể từ đầu năm 2019 đến cuối tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động được 139.043,5 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ thông qua hình thức đấu thầu tại HNX.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt 9.718 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức trung bình hơn 9.200 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Chốt phiên 9/8, diễn biến lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng nhẹ ở các kỳ hạn dưới 5 năm, các kỳ hạn trên 5 năm ít biến động hơn.
Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,89% (+0,05 điểm phần trăm); 2 năm 3,02% (+0,03 điểm phần trăm); 3 năm 3,15% (+0,02 điểm phần trăm); 5 năm 3,54% (+0,04 điểm phần trăm); 7 năm 3,95% (-0,01 điểm phần trăm); 10 năm 4,43% (-0,02 điểm phần trăm); 15 năm 4,71% (+0,02 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần qua tiếp tục diễn biến tiêu cực khi cả 3 sàn đều giảm điểm, khối lượng giao dịch ở mức trung bình. Chốt tuần 9/8, VN-Index đứng ở mức 974,34 điểm, giảm mạnh 16,76 điểm (-1,69%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 0,91 điểm (-0,88%), xuống 102,79 điểm; UPCOM-Index giảm 0,15 điểm (-0,26%) xuống 58,43 điểm.
Thanh khoản ở mức khá tốt, đạt giá trị gần 5.800 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng mạnh ở mức hơn 1.040 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Cuối tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng cho biết chưa sẵn sàng ký kết thỏa thuận với Trung Quốc và nhiều khả năng sẽ hủy bỏ vòng đàm phán thương mại giữa hai nước vào tháng 9 tại Washington.
Chỉ số PMI lĩnh vực dịch phi nông nghiệp của Mỹ được ISM báo cáo ở mức 53,7% trong tháng 7, thấp hơn mức 55,1% của tháng trước đó đồng thời trái với dự báo tăng lên mức 55,5% của các chuyên gia.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 2/8 ở mức 209 nghìn đơn, thấp hơn so với mức 217 nghìn của tuần trước đó và dự báo ở mức 215 nghìn.
Chỉ số giá sản xuất chung của Mỹ tăng 0,2% so với tháng trước trong tháng 7, cao hơn mức tăng 0,1% của tháng trước đó và khớp với dự báo. Tuy nhiên, chỉ số giá sản xuất lõi lại giảm 0,1% m/m cũng trong tháng vừa qua sau khi tăng 0,3% ở tháng 6 và được dự báo tăng 0,2%.
Thủ tướng Anh và Ireland tìm cách phá vỡ bế tắc trong Brexit, nước Anh tuần qua đón nhận thông tin kinh tế rất tiêu cực. Cuối tuần qua ngày 11/8, Thủ tướng Anh Boris Johnson đồng ý lời mời gặp mặt của Thủ tướng Ireland Leo Varadkar nhằm tìm cách phá vỡ bế tắc Brexit. Hai bên sẽ thảo luận về “điều khoản rào chắn” hiện vẫn chưa được Quốc hội Anh chấp nhận kể từ khi cựu Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra trong dự thảo Brexit của bà.
Liên quan đến kinh tế nước Anh, GDP nước này giảm 0,2% trong quý II vừa qua, sau khi tăng 0,5% ở quý trước đó, trái với dự báo không thay đổi (0,0%) của các chuyên gia.
Các chỉ số chứng khoán lớn tuần qua chao đảo khi CNY rơi xuống mức thấp lịch sử và Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ. Giá vàng tăng 3,91% trong tuần vừa qua khi tăng liên tiếp trong nhiều phiên và chỉ giảm nhẹ vào phiên thứ 5 ngày 8/8. Giá dầu giảm mạnh 2,08% so với tuần trước. Trong những phiên đầu tuần, giá dầu trượt dốc không phanh, có lúc giảm tới 7,9% so với cuối tuần trước. Tuy nhiên, sắc xanh đã trở lại trong những phiên cuối tuần.