Khó trong quản lý chợ truyền thống
Có cần giữ nét văn hóa truyền thống? | |
Chợ truyền thống tồn tại nhiều bất cập | |
Vì sao chợ truyền thống đuối sức? |
Nhiều hạn chế
Theo Báo cáo Kết quả giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách về tình hình quản lý, hoạt động một số chợ trên địa bàn TP Hà Nội cho, tính đến thời điểm giám sát (21/3/2017), trên địa bàn TP có 454 chợ hoạt động với hơn 90 nghìn hộ kinh doanh, góp phần phát triển ngành dịch vụ thương mại của Thủ đô, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu của người dân chủ yếu vẫn thông qua hoạt động chợ truyền thống (chiếm khoảng 60%).
Giai đoạn 2011-2016, toàn thành phố đã huy động khoảng 3.054 tỷ để đầu tư xây dựng được 43 chợ mới, xây dựng lại 16 chợ và cải tạo nâng cấp 95 chợ. Hiện nay có 160/454 chợ do DN, hợp tác xã quản lý, khai thác kinh doanh (đạt tỷ lệ 35%), còn lại do Ban quản lý thuộc quận huyện, tổ quản lý thuộc xã, phường quản lý, khai thác theo phân cấp; đã phối hợp đôn đốc các quận, huyện giải tỏa, sắp xếp được 88/140 tụ điểm chợ cóc, chợ tạm trong năm 2016, đạt 63% kế hoạch…
Hoạt động chợ trên địa bàn TP. Hà Nội còn nhiều bất cập |
Qua giám sát tại một số địa điểm: chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai); chợ Nghệ, chợ Vân Canh (Hoài Đức); chợ Nghệ (Sơn Tây); chợ Láng Hạ, chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa); chợ Bưởi, chợ Nhật Tân (Tây Hồ) cho thấy, chính quyền các cấp cơ bản đã quan tâm hơn đến công tác quản lý chợ trên địa bàn. Có đơn vị thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động 100% chợ trên địa bàn, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chợ văn minh đô thị, quản lý có hiệu quả các chợ thuộc địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Hà Nội, công tác quản lý, hoạt động chợ trên địa bàn TP. Hà Nội còn nhiều bất cập. Bên cạnh một số chợ được đầu tư nâng cấp, phần lớn các chợ đã xuống cấp, có chợ xuống cấp nghiêm trọng không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng PCCC, ATTP…
Số lượng chợ chưa phân hạng còn nhiều, việc thực hiện phân hạng lại chợ còn chậm. Cụ thể, theo báo cáo tổng hợp của Sở Công thương, còn tới 144/545 chợ (chiếm 26,4%) chưa phê duyệt phương án bố trí sắp xếp ngành hàng, một số chợ đã phê duyệt thì việc bố trí không đúng theo phương án (như chợ đầu mối phía Nam, chợ Láng Hạ…). Chỉ có 52/454 chợ (khoảng 11,4%) thực hiện đánh giá tác động môi trường… Hiệu quả hoạt động của một số chợ trên địa bàn còn hạn chế, nhiều chợ hoạt động không hết công suất, cá biệt có chợ chỉ đạt 30-40%.
Một số chợ khi chuyển đổi mô hình quản lý còn có vướng mắc kéo dài, chậm được giải quyết gây bức xúc trong tiểu thương, khó khăn cho công tác quản lý của địa phương. Một số chợ dù đã lựa chọn được nhà đầu tư song triển khai chậm làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của cơ quan nhà nước cũng như hoạt động của người dân, tiểu thương kinh doanh tại chợ.
Cụ thể, dự án Trung tâm thương mại - chợ Trương Định đã được UBND quận Hoàng Mai phê duyệt kết quả trúng thầu cho Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp dầu khí Việt Nam và Công ty TNHH Xuân Cầu từ năm 2010 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn đang đề nghị thay đổi chỉ tiêu quy hoạch.
Rà soát điều chỉnh mạng lưới chợ
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội cho rằng, do địa bàn Thành phố rộng, dân số đông trong khi số lượng chợ trên địa bàn cần quản lý lớn. Một số quận nội thành gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất quy hoạch xây dựng chợ dân sinh. Việc phát triển và hoạt động của các chợ dân sinh không đơn thuần chỉ là hoạt động kinh tế, ở nhiều địa bàn, chợ không chỉ là nơi cung cấp hàng hóa cho người dân mà còn là nét văn hóa, truyền thống lâu đời, nhất là chợ nông thôn, chợ phiên.
Bên cạnh đó, việc chấp hành chỉ đạo của Thành phố chưa được một số sở, ngành, quận, huyện thực hiện nghiêm túc. Một số sở, ngành, quận huyện chưa làm hết trách nhiệm của đơn vị tham mưu, thiếu quyết liệt trong đôn đốc, chưa sâu sát cơ sở, chưa kịp thời báo cáo Thành phố có biện pháp xử lý tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Thành phố chưa triển khai Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ đầu tư xây dựng, lựa chọn đơn vị khai thác, kinh doanh chợ theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).
Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển chợ truyền thống trên địa bàn TP trong thời gian tới, bà Phạm Thị Thanh Mai kiến nghị UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo rà soát quy định về phân cấp quản lý nhà nước về chợ theo hướng phân cấp quản lý triệt để, toàn diện trên nguyên tắc: cấp nào thực hiện thuận lợi, hiệu quả thì giao cho cấp đó thực hiện.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát điều chỉnh mạng lưới phát triển chợ trên địa bàn, gắn quy hoạch ngành với quy hoạch xây dựng; không đầu tư xây dựng chợ dân sinh kết hợp trung tâm thương mại như mô hình vừa qua; đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư, xây dựng chợ trên địa bàn; sớm triển khai cơ chế sử dụng ngân sách cho đầu tư, cải tạo, khai thác kinh doanh chợ thông qua phương thức PPP, trong trường hợp các chợ trước đây được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nay đã xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo hoạt động mà không kêu gọi xã hội hóa được thì báo cáo Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách địa phương đầu tư, cải tạo…
Bà Phạm Thị Thanh Mai cũng đề nghị Sở Công Thương Hà Nội làm tốt trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chợ hạng 1 theo phân cấp. Chủ động phối hợp với các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn. Đồng thời, sớm rà soát, tham mưu Thành phố điều chỉnh quy hoạch mạng lưới chợ trên địa bàn Thành phố đảm bảo quy chuẩn, phân bố mạng lưới chợ, quy mô chợ hợp lý, nhất là các chợ truyền thống có thương hiệu; tham mưu sửa đổi phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước về chợ trong đó cần quy định rõ nội dung quản lý, trách nhiệm, của từng cấp, ngành.