Cửa hàng tiện lợi-nhiều mà chưa đủ
DN bán lẻ nội ngày một “teo tóp" | |
Cuộc đua mở rộng mặt bằng bán lẻ | |
M&A bán lẻ: DN nội cùng lớn hay tự triệt tiêu?! |
Tại TP. Hồ Chí Minh đang có hiện tượng bùng nổ cửa hàng tiện lợi. Mỗi con đường, ngõ phố đều có cửa hàng tiện lợi. Nhưng sự dồi dào về số lượng chưa hẳn đã đáp ứng tốt được nhu cầu của người nội trợ. Và vì thế, loại hình này vẫn bị xem là yếu thế so với tiệm tạp hóa.
Theo quan điểm của không ít người tiêu dùng, cửa hàng tiện lợi thường phù hợp với tầng lớp trung lưu trở lên. Trong khi đó, tiệm tạp hóa bán “thượng vàng, hạ cám”, đáp ứng gần như tất cả các nhu cầu thiết thực của mọi tầng lớp trong một khu dân cư. Điểm khác biệt này sẽ có lợi thế theo từng khu vực. Tiệm tạp hóa có thể có ở mọi nơi, còn cửa hàng tiện lợi dường như chỉ có thể phát triển tốt ở một số khu vực trung tâm hoặc khu dân cư có thu nhập khá.
Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam thống kê, đến hết quý I/2016 TP. Hồ Chí Minh đã có trên 500 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, 40% là của DN nội đầu tư. Những thương hiệu cửa hàng tiện lợi được biết đến nhiều như Vinmart+, B’smart và MiniStop, Circle K, & Eleven… đang tăng cường mở rộng chuỗi cửa hàng khắp địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Các cửa hàng tiện lợi có cùng một điểm chung là không gian sạch, đẹp, hàng hóa xếp ở quầy kệ gọn gàng, dễ tìm, và có đến 90% lượng thực phẩm, nước giải khát, văn phòng phẩm, vật dụng sinh hoạt cá nhân… là hàng đóng bao gói. Địa điểm đặt cửa hàng thường được bố trí ở vị trí linh hoạt, nằm xen trong khu dân cư, với tiêu chí khác nhau như “Gần hơn – nhanh hơn” của VinMart+; Hay “Tươi ngon, tiện lợi, độc đáo” của MiniStop, “Hiện đại, nhanh và tại chỗ” của B’mart…
Các thương hiệu cửa hàng tiện lợi đang hướng đến việc phát triển mạnh hệ thống cửa hàng với số lượng từ lớn đến rất lớn, như mục tiêu của Vinmart+ lên đến 3.000 cửa hàng trên toàn quốc. Circle K hiện đang có trên 150 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng đã đặt mục tiêu lên đến 500 cửa hàng vào năm 2018. B’mart sẽ tăng thêm 100 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh (hiện đã có 100 cửa hàng). MiniStop hiện có 26 cửa hàng và Familymart có trên 100 cửa hàng… Đối tượng khách mà cửa hàng tiện lợi hướng đến là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng và người nội trợ.
Bên cạnh đó, hiện còn có một số lượng rất lớn cửa hàng tiện lợi của những DN phân phối bán lẻ như Co.op Food, Satra Food, Vissan… và hệ thống này cũng đang không ngừng mở rộng.
Cửa hàng tiện lợi vẫn chưa thể cạnh tranh cùng tiệm tạp hóa |
Sự phát triển bùng nổ của cửa hàng tiện lợi được dự báo là chưa dừng lại, bởi theo ông Vaughan Ryan, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, so sánh với một số nước có thị trường bán lẻ phát triển trong khu vực châu Á như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc hay Hàn Quốc, thì tỷ lệ bình quân đầu người trên mỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đang còn khá cao. Cụ thể, Việt Nam là 69.000 người/cửa hàng; Philippines chỉ 36.000 người/cửa hàng; Trung Quốc 21.000 người/cửa hàng và Thái Lan chỉ có 5.600 người/cửa hàng; hay tại Hàn Quốc, cứ 1.900 người đã có 1 cửa hàng.
Như vậy, việc phát triển cửa hàng tiện lợi tại việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa. Bởi hiện tại, các cửa hàng tiện lợi chủ yếu tập trung tại một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Và còn đó là cả một thị trường bán lẻ ở nhiều vùng nông thôn đang chờ được tiếp cận khi xu hướng mua sắm hiện đại lan rộng.
Ông Vaughan Ryan cho biết thêm, những khảo sát mới nhất của Kantar Worldpanel tại 4 thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ) về thị trường hàng tiêu dùng nhanh cho thấy, mặc dù cửa hàng tiện lợi phát triển bùng nổ tại khu vực thành thị trong ba năm qua, nhưng doanh thu chỉ chiếm khoảng 40% thị trường, 60% doanh thu của phân khúc cửa hàng nhỏ thuộc về các tiệm tạp hóa.
Thực tế cũng chứng minh, thói quen mua sắm tại tiệm tạp hóa vẫn đang phổ biến ở người tiêu dùng Việt Nam, chưa có sự thay đổi đáng kể. So sánh cụ thể với cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa vẫn có những ưu điểm nhất định như gần gũi hơn, hàng hóa đa dạng, nhiều mặt hàng liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày. Người dân đến tiệm tạp hóa có thể mua vài nghìn đồng hạt tiêu, lọ mắm, hay gói gia vị. Trong khi cửa hàng tiện lợi thường không có những thứ đó, hoặc nếu có, lại là hàng đóng gói, trọng lượng nhiều, không tiện sử dụng một lần…
Một lợi thế khác của tiệm tạp hóa là vốn đầu tư thấp, kinh doanh nhỏ lẻ theo kiểu hộ gia đình, hàng hóa cũng theo nhu cầu khách mua hàng ngày mà tăng hay giảm về số lượng, chủng loại. Ngoài ra, tiệm tạp hóa được duy trì bền vững còn nhờ vào nguồn cung hàng hóa gối đầu (khi nhập hàng mới thì thanh toán tiền hàng cũ), hay được hưởng chiết khấu, khuyến mãi hấp dẫn từ nhà sản xuất…