“Mở hàng” FDI và kỳ vọng 2018
Cần gắn kết khu vực FDI và trong nước | |
FDI - một năm thành công ấn tượng | |
Thắt lại sợi dây liên kết FDI |
Bỏ ngỏ câu trả lời về số vốn nước ngoài có thể thu hút được trong năm 2018, tuy nhiên cho tới nay các chuyên gia trong lĩnh vực này đều chung nhận định dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ khó duy trì mức tăng ấn tượng như năm 2017. Mới đây Ngân hàng Standard Chartered là tổ chức đầu tiên đưa ra dự báo vốn FDI trong năm 2018 sẽ đạt gần 15 tỷ USD, tức là chỉ bằng một nửa so với con số của năm ngoái là gần 30 tỷ USD.
NĐT từ Hàn Quốc, Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn đầu trong số các NĐT nước ngoài vào Việt Nam |
Thực tế là dấu hiệu giảm tốc đã xuất hiện ngay từ đầu năm bởi theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính riêng trong tháng 1/2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của NĐT nước ngoài chỉ bằng 75,9% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 1,255 tỷ USD. Nguyên nhân là do các dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã chững lại nhanh chóng, chỉ bằng 35,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong tháng 1/2018 dự án lớn nhất được cấp phép là Nhà máy dệt và may trang phục Ramatex Nam Định của NĐT Singapore. Trong khi tháng 1/2017 có nhiều dự án quy mô tới gần 300 triệu USD.
Tuy nhiên, vốn giải ngân của NĐT nước ngoài được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018. Ngay trong tháng 1 vừa qua, số vốn này tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017, ước đạt 1,05 tỷ USD. Bên cạnh đó, số vốn đăng ký tăng thêm cũng đã tăng 155%; và tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần tăng 54,7% so với cùng kỳ 2017, cho thấy NĐT nước ngoài ngày càng gia tăng niềm tin và mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài phân tích, thuận lợi và khó khăn song hành do vốn FDI vẫn có xu hướng gia tăng trong những năm sắp tới, tuy nhiên thế giới đang biến đổi nhanh chóng với nhiều diễn biến khó lường trước. Đó là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng phục hồi ngay tại Mỹ và các quốc gia phát triển, những khu vực vốn chủ trương tự do mậu dịch; kinh tế ảo với những phương thức mới chưa có tiền lệ đang phát triển nhanh chóng; thị trường, giá cả hàng hoá và dịch vụ biến động thường xuyên; dòng vốn đầu tư quốc tế chuyển dịch qua biên giới tuỳ thuộc vào môi trường đầu tư…
GS. Nguyễn Mại nhận định, trước mắt trong năm 2018 không cần quá lo ngại về tình hình chung của vốn ngoại, bởi xu hướng mua bán và sáp nhập sẽ ngày càng gia tăng. Đây là hình thức “tiền tươi thóc thật”.
Thêm vào đó, đây cũng là thời điểm để Việt Nam phát huy quyền lựa chọn dự án cần thiết cho định hướng phát triển của nước ta, chứ không phải là lựa chọn được những dự án lớn. Theo ông Mại, cần định hướng các dự án nhỏ sẽ dành cho NĐT trong nước, không thể để NĐT nước ngoài tiếp tục tham gia vào các dự án nhỏ cỡ 500.000 USD đến 1 triệu USD, chỉ trừ trong các lĩnh vực dịch vụ.
Ông cũng kỳ vọng trong thời gian tới, thu hút FDI sẽ tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió… đang rất cần thiết cho phát triển đất nước; cùng với đó là tiếp tục thu hút vào lĩnh vực chế tạo, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ… Trong các lĩnh vực này, NĐT từ Hàn Quốc, Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn đầu trong số các NĐT nước ngoài vào Việt Nam.
Ngân hàng Standard Chartered cũng đánh giá vốn sẽ tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử duy trì ở mức cao trong trung hạn.
Ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ, Việt Nam đã có được nhiều lợi ích từ việc tham gia vào các hiệp định thương mại khu vực, dân số trẻ và được giáo dục tốt, lực lượng lao động ngày càng dồi dào, chi phí thấp và sự gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc. Những yếu tố này sẽ tiếp tục giúp Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI trong trung hạn.