Mô hình nào "quản" vốn nhà nước tại DN
Ai sẽ quản lý vốn nhà nước tại DN? | |
“Siêu ủy ban” quản lý vốn: Chưa có chủ trương cuối cùng có thành lập hay không | |
Không thể bàn lùi | |
Quản lý vốn Nhà nước: Mấu chốt vẫn là con người |
Làm thế nào để quản lý DN và quản lý vốn nhà nước tại DNNN hiệu quả, tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu là vấn đề đã được bàn trong suốt chục năm qua. Tuy đã đạt được sự đồng thuận cao về việc phải tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại DN, nhưng tách rồi, vốn sẽ do ai quản lý và quản lý như thế nào?
Cơ quan quản lý vốn nhà nước tại DN: Khắc nhập khắc xuất
Theo kế hoạch, phải sớm thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại DN để đến năm 2020 hoàn thành việc chuyển giao vốn nhà nước đầu tư tại DN về cơ quan này. Hiện có 2 mô hình được đề xuất:
Mô hình 1: Hoặc thành lập một cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ làm nhiệm vụ quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN với tên gọi là Ủy ban quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại DN. Hoặc nâng cấp và chuyển SCIC thành cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ.
Mô hình 2: Mô hình cơ quan chuyên trách là DN trực thuộc Chính phủ, hình thành trên cơ sở nâng cao năng lực hiện có của SCIC, giao thêm nhiệm vụ quyền hạn và nâng cao địa vị pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này.
Cả hai mô hình có những ưu, nhược điểm nhất định, nhưng đều đạt mục tiêu tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước theo chủ trương của Đảng, phù hợp với pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cải cách khu vực DNNN.
Số lượng DNNN đã giảm mạnh nhưng vốn nhà nước tại DN còn rất lớn |
Đề án đang trong quá trình hoàn thiện, cân nhắc lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước tại DN để báo cáo Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương 5 xem xét quyết định.
Để đưa ra ý kiến quyết định nên chọn mô hình nào, ông Phạm Đình Soạn, nguyên Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng Cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại DN, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính DN – Bộ Tài chính cho rằng: cần phải củng cố và phát triển SCIC, khắc phục những tồn tại và đẩy nhanh tiến trình thoái vốn, bán vốn; chuyển dần các tổng công ty, tập đoàn 100% vốn nhà nước sang hoạt động theo mô hình chung của SCIC; cho phép một số địa phương lớn như TPHCM, Hà Nội được thành lập các SCIC riêng. Điều này sẽ thay đổi về chất mối quan hệ giữa bộ ngành, UBND các địa phương với DNNN.
Xác định ưu tiên hay tung đồng xu mà chọn?
“Thế giới không có mô hình duy nhất mà đang có nhiều mô hình khác nhau tương ứng với những mục tiêu khác nhau”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - CIEM) phát biểu. Với mô hình 1: ủy ban quản lý vốn có vị thế pháp lý và chính trị mạnh hơn mô hình 2, trong việc thực hiện đầy đủ chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại DN, nhất là nhiệm vụ đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của DNNN và vốn đầu tư nhà nước.
Mô hình 2 – mô hình DN ưu điểm rõ nét hơn, tạo động lực, trách nhiệm và phù hợp hơn với hoạt động kinh doanh vốn nhà nước. Nhưng vị thế pháp lý và chính trị yếu nên không dễ chuyển các tập đoàn, tổng công ty về DN này quản lý. Và do cơ chế kinh doanh vì lợi nhuận nên khó thực hiện chức năng đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực nền tảng, cần tới vai trò của DNNN và của kinh tế nhà nước…
“Lựa chọn mô hình nào cũng cần phải phù hợp với thực tiễn quản lý của Việt Nam và phải đáp ứng được yêu cầu quản lý vốn nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý. Đây thực sự đang là vấn đề thời sự được bàn luận khá sôi nổi”, GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhấn mạnh.
“Không một mô hình nào thực hiện được đa mục tiêu. Vì vậy phải xác định đâu là mục tiêu ưu tiên để chọn mô hình. Nếu không có mục tiêu ưu tiên thì sẽ lại chọn mô hình theo cách tung đồng xu?”, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Đại học Fulbright Việt Nam phát biểu. Theo ông, khi đã tách khỏi chức năng quản lý nhà nước thì lấy hiệu quả kinh doanh tuân theo các nguyên tắc của thị trường là ưu tiên. Với mục tiêu ưu tiên đó thì mô hình DN thích hợp hơn và đây sẽ là một siêu DN, một tổng công ty quản lý vốn và đầu tư nhà nước.
Còn theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), việc lựa chọn mô hình nào phù hợp nhất, thuận lợi và có hướng đến phát triển trong tương lại cần được xem xét cặn kẽ tránh việc phải sửa chữa, hoàn thiện nhiều lần. Ông cho rằng mô hình công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước cần được phân tích, đánh giá đúng những điểm mạnh vốn có của mô hình, đó là: đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, đặc biệt sẽ tách triệt để chức năng đại diện chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại DN ra khỏi cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN và không phải thay đổi lớn các văn bản luật do Quốc hội ban hành. Từ các phân tích đó sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách lựa chọn được mô hình phù hợp.