Nhiều ngành hàng rộng cửa đón vốn
Đà Nẵng cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN | |
Không hạn chế kinh doanh ô tô nhập khẩu | |
PCI và những việc phải làm |
Cuối tháng 8 vừa qua Bộ KH&ĐT đã cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành tổng hợp các ý kiến góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh lần cuối cùng trước khi trình Quốc hội xem tại kỳ họp khóa XIV vào tháng 10-11/2016 tới.
Như vậy, sau nhiều tháng “tranh cãi”, góp ý và cân nhắc, nội dung đề xuất đưa 67 ngành nghề ra khỏi danh sách các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cuối cùng đã được tổng hợp chờ trình Quốc hội xem xét và phê duyệt.
Việc đề xuất xóa bỏ điều kiện kinh doanh ở 67 ngành nghề là một trong những đề xuất mang tính đột phá rất lớn của cơ quan soạn thảo dự luật |
67 ngành nghề sẽ không còn điều kiện kinh doanh
Phải nói ngay rằng, việc đề xuất xóa bỏ điều kiện kinh doanh ở 67 ngành nghề, trong đó có những ngành nghề được DN, NĐT trong và ngoài nước rất quan tâm như: nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, nghề sản xuất vàng miếng và nhập khẩu vàng nguyên liệu, nghề kinh doanh dịch vụ truyền hình theo yêu cầu… là một trong những đề xuất mang tính đột phá rất lớn của cơ quan soạn thảo dự luật.
Bởi nếu đề xuất này được Quốc hội chấp thuận và phê duyệt, hàng chục nghìn “giấy phép con” được quy định bởi các bộ, ngành sẽ bị bãi bỏ. Mỗi tháng cộng đồng DN có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mà đáng ra theo các quy định hiện nay sẽ phải tiêu tốn cho việc xin giấy phép và hoàn thành các thủ tục điều kiện kinh doanh.
Xét ở góc độ đầu tư, khi 67 ngành nghề không còn nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện đồng nghĩa rằng các NĐT ngoại có thể được nắm tối đa 100% vốn tại DN trong các ngành này (theo quy định tại Nghị định 60/2015). Chẳng hạn, sẽ xuất hiện những công ty mua bán nợ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nếu chúng ta hoàn thiện các khung khổ pháp lý cho thị trường tài sản nợ.
VTV cũng phải rút bớt
Như vậy, rất có thể nếu dự thảo luật nói trên được Quốc hội thông qua, các DN nước ngoài có thể bỏ 100% vốn đầu tư vào lĩnh vực mua bán nợ, sản xuất vàng nữ trang, in đúc tiền lưu niệm, nhập khẩu vàng nguyên liệu… Các NĐT ngoại cũng sẽ rộng cửa rót vốn vào các lĩnh vực có tiềm năng lợi nhuận lớn như: lĩnh vực kiểm định xe cơ giới; lĩnh vực dịch vụ thẩm mỹ; lĩnh vực nhập khẩu thức ăn chăn nuôi...
Ngoài ra, cơ hội để huy động vốn ngoại tham gia cổ phần hóa các DNNN thuộc lĩnh vực truyền hình và lĩnh vực khai thác - kinh doanh than cũng sẽ được mở rộng khi mức room cho đối tác nước ngoài không còn hạn chế.
Quan sát thực tế cho thấy, hiện nay trong số 67 ngành nghề mà Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh đề xuất đưa ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện có ít nhất 10 ngành nghề có tốc độ tăng trưởng khá mạnh trong vòng 3-4 năm gần đây. Cụ thể, các ngành như: nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ thoát nước; kinh doanh dịch vụ tổ chức lễ hội; kinh doanh, khảo nghiệm phân bón hữu cơ… trong 3 năm trở lại đây luôn là những mã ngành có hàng trăm DN lớn bỏ vốn đầu tư.
Hiện nay, Việt Nam mỗi năm chi khoảng hơn 3 tỷ USD để nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi và tốc độ tăng trưởng của ngành này thường xuyên duy trì ở mức 7-8%/năm trong 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, ngành cấp - thoát nước trong giai đoạn 2016-2020 dự kiến sẽ phải huy động một lượng vốn trên 10 tỷ USD để tạo nguồn cung ứng nước sạch và xử lý nước thải. Việc “thả cửa” cho các NĐT ngoại tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thoát nước sẽ tạo đà cho các DN nước ngoài bỏ vốn vào mảng thị trường tiềm năng này.
Ở mảng truyền hình, hiện nay Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đang đốc thúc việc thoái vốn Nhà nước tại 3 DN truyền hình trả tiền, gồm SCTV, K+ và VTVCab. Từ nay đến cuối năm 2016, theo thông tin của VTV, hoạt động thoái vốn tại VTVCab sẽ được thực hiện với dự kiến sẽ có nhiều NĐT trong và ngoài nước tham gia đấu thầu cổ phiếu. Bởi tính đến thời điểm này, lĩnh vực truyền hình theo yêu cầu là lĩnh vực thu hút mạnh mẽ khán giả nhất trong các hoạt động giải trí hình ảnh.
Hiện nay, trên thị trường đã có hàng chục đơn vị đầu tư đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… tham gia hợp tác sản xuất các chương trình giải trí truyền hình với VTVCap, Viettel, FPT. Mức độ tăng trưởng của ngành này trong 2 năm vừa qua đạt mức 30%/năm, với doanh thu khoảng 18.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015.
Như vậy, với việc gỡ bỏ điều kiện kinh doanh ở 67 ngành nghề, rõ ràng ngoài mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục kinh doanh để hỗ trợ DN, các mục tiêu xúc tiến thương mại, kêu gọi vốn đầu tư, khuyến khích khối DN tư nhân trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu nền kinh tế cũng sẽ có cơ hội được đẩy mạnh. Từ đó, Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn trong giai đoạn 2016-2020.